Vua rừng

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/1/2011 | 2:11:51 PM

YBĐT - Nhiều cán bộ kiểm lâm ở huyện Văn Chấn nói với tôi rằng, ở nơi núi đồi xa xôi thuộc các xã Suối Giàng, Suối Quyền có một thanh niên ôm giấc mộng biến những quả đồi lau lách thành những cánh rừng xanh và anh đã trở thành "ông vua rừng". Câu nói đó đã thôi thúc tôi tìm gặp người thanh niên ấy.

Phạm Hữu Khánh (đứng giữa) cùng cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn thăm trang trại của gia đình.
Phạm Hữu Khánh (đứng giữa) cùng cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn thăm trang trại của gia đình.

Một thời tung hoành cùng gỗ lậu

Trong cơn mưa chiều cuối năm tôi tìm đến nhà Phạm Hữu Khánh ở tổ 1 thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ. Đường vào nhà Khánh khá ngoằn nghoèo. Thế nhưng, khi đặt chân lên đất Phù Nham hỏi Khánh "rừng" thì rất nhiều người dân ở đây đều biết. Trước mặt tôi là một thanh niên dáng người mảnh khảnh, nước da trắng trẻo như không vướng một chút gì "bụi bặm" của người đã từng buôn gỗ lậu và cũng chẳng giống dáng vẻ của một nông dân xới đất trồng rừng mà tôi mường tượng.

"Mọi người bảo em là Khánh "rừng" nhưng thực ra không phải, em chỉ là người trồng nhiều rừng thôi" - Khánh bảo thế. Sinh năm 1977, trong một gia đình thuần nông, thuở nhỏ Khánh cũng thông minh và học khá. Bố mẹ từng kỳ vọng rất nhiều vào Khánh nhờ con đường học hành.

Đến năm 1988 khi bạn bè vẫn tung tăng cắp sách đến trường thì Khánh đã bỏ thầy cô và mái trường ở nhà phát rừng rồi đi buôn. Năm 1995 Khánh đã có ý tưởng là làm trang trại trồng cây ăn quả và chăn nuôi bò. Vào cuối những năm 90, Khánh đã có trong tay 70 con bò, đó là một tài sản lớn của của vùng quê thuần nông lúc bấy giờ. Nhưng bản tính thanh niên thích phiêu lưu, mạo hiểm, Khánh đã chuyển sang nghề phụ xe đường dài, rồi kiêm luôn cả việc buôn bán gỗ. Ngày đó, các loại gỗ quý như pơ mu, dổi nhiều vô kể, người ta chặt gỗ quý như khai thác rừng trồng.

Cùng với đó việc kiểm soát lâm sản cũng không ngặt như bây giờ. Làm vài chuyến, thấy có tiền, Khánh chuyển sang hẳn nghề buôn gỗ. Buôn tận gốc, bán tận ngọn, Khánh phất lên nhanh chóng. Chỉ một thời gian sau, khi có đủ điều kiện lập nghiệp anh đã gom tiền mua xe tự chạy, những cung đường gỗ ở Tây Bắc Khánh đều nắm rõ. Các chuyến xe chở nặng hàng về Hà Tây, Hà Nội, Bắc Ninh khiến Khánh ngày càng lắm tiền. Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, chuyến gỗ lớn nhất mà Khánh đặt toàn bộ gia tài vào đó đã bị thu giữ. Anh phải bán xe trả nợ và trở về nhà với hai bàn tay trắng.

Đến giấc mơ rừng

Khánh ngồi nhớ lại những lần chạy xe qua Thái Nguyên, Tuyên Quang, đường mòn Hồ Chí Minh thấy những cánh rừng trải dài tít tắp, trong đầu Khánh nảy ra ý định trồng rừng. Khánh nói: “Tôi nghĩ, chỉ có quyết tâm trồng rừng vừa có thể thoát khỏi cảnh nghèo vừa trả được nợ rừng. Tôi tự hẹn 10 năm sau, từ rừng mình sẽ lấy lại những gì đã mất”.

Để đạt được kế hoạch, Khánh đặt ra mục tiêu mỗi ngày anh cuốc 400 hố trồng cây, không xong không về. Đôi bàn tay rớm máu, đôi chân bị chè vè, lau lách cứa nát, nhưng với ý chí nghị lực của mình anh quyết tâm biến đồi hoang thành rừng vàng.

Khi nghĩ ra bài toán làm giàu từ rừng, Khánh đã âm thầm lập kế hoạch cho riêng mình. “Nhiều người không tin, có người còn bảo mình hâm vì khi đó đất này trồng rừng kinh tế vẫn là chuyện xa lạ. Nhưng ai nói gì cứ nói việc tôi, tôi làm". Và chỉ với con dao phát, cái cuốc, Khánh âm thầm tiến thẳng lên rừng, anh nhớ như in cái mầm xanh đầu tiên anh đặt xuống là ngày 12/3/2004. Để đạt được kế hoạch, Khánh đặt ra mục tiêu mỗi ngày anh cuốc 400 hố trồng cây, không xong không về. Đôi bàn tay rớm máu, đôi chân bị chè vè, lau lách cứa nát, nhưng với ý chí nghị lực của mình anh quyết tâm biến đồi hoang thành rừng vàng. Đã có lúc tưởng chừng không vượt qua được, nhưng rồi với suy nghĩ cây rừng càng lên xanh thì đời người càng no ấm, anh đã quyết tâm theo đuổi bằng được kế hoạch của mình.

Hơn 43 ngày ròng rã, khu đất lau lách đầu tiên ấy cũng được Khánh lấp bằng 50.000 cây keo với diện tích 3 ha. Những mầm xanh đầu tiên mọc lên xanh tốt cũng là lúc Khánh chiếm được lòng tin của gia đình và bạn bè. Thế là giấc mơ trồng rừng của Khánh như được chắp thêm đôi cánh. Anh vay thêm tiền ngân hàng và bạn bè lao vào trồng rừng. Ngày nào cũng như ngày nào, đầu tắt mặt tối, sáng vào rừng trồng cây, chiều tối mới về. Vừa trồng vừa học hỏi và đúc rút kinh nghiệm, cứ thế năm tiếp năm, anh đã trồng được 30 ha rừng.

Đến năm 2006 khi huyện Văn Chấn có chủ trương trồng rừng kinh tế thì anh đã có lưng vốn gần 100 ha rừng. Đó cũng là thời điểm anh thuê đất để trồng thêm rừng. Giờ diện tích rừng của Khánh có ở các xã: Phù Nham, Suối Giàng, Suối Quyền và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ với tổng diện tích lên đến 245 ha. Tôi nhẩm tính với giá mỗi ha rừng xoàng cũng được 50 triệu đồng, anh đã có trong tay tiền tỷ. Năm 2008 có doanh nghiệp trả 4 tỷ đồng nhưng anh không bán. Để có tiền trồng rừng, anh ươm giống bán cây con phục vụ bà con trong xã, trong huyện, cứ thế được bao nhiêu tiền anh lại đầu tư cho trồng rừng. Năm 2010, anh làm vườn ươm 70 vạn bầu cây giống, thuê hết 120 triệu đồng tiền công.

Anh vui vẻ dẫn chúng tôi đi thăm những cánh rừng bạt ngàn keo, bạch đàn tới giữa thung lũng là một bãi chăn thả với vài chục con bò đang nhởn nhơ gặm cỏ. Thấy chủ nhân đến gọi “ục ục”, lũ bò kéo nhau chạy về. Khánh cho biết, ngoài bò, anh còn có hơn 20 con dê và đang nuôi gần 300 con ba ba giống. Anh chăn thả dưới chân rừng từ 50 - 70 con bò, mỗi năm đàn bò sinh sản ra thêm 15 - 17 bê con, thu hàng trăm triệu đồng. Số tiền thu được từ chăn nuôi này cũng đều gom cả vào trồng rừng. Được biết, trang trại rừng của anh chẳng những cho giá trị kinh tế cao mà còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Chia tay Khánh khi trời đã xế chiều. Trong vườn ươm cây giống, vợ anh vẫn miệt mài đóng bầu, tra hạt... Tiễn tôi ra tận đường cái lớn, Khánh bảo rằng, vợ chồng anh đang chuẩn bị bước vào vụ trồng rừng mới với hy vọng sẽ biến khu đồi hoang nơi đây trở thành nguồn vàng xanh cho Tổ quốc. Tôi tin ước mơ của Khánh sẽ sớm trở thành hiện thực như những mầm xanh đang căng đầy nhựa sống trải dài tít tắp khắp khu vườn ươm phía xa... 

 Văn Thông - Văn Chấn - Xuân Tân Mão  

Các tin khác
Ruộng bậc thang La Pán Tẩn. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Tôi không thể nhớ một cách chính xác, vùng đất có núi cao, sông lớn này có từ bao giờ và cũng không biết từ bao giờ có tên gọi của núi, của sông, của đồng ruộng, xóm làng... Những cái tên mà giờ đây đã trở nên quá đỗi thân thuộc với mỗi chúng ta.

Trẻ em Làng Nhì trong lễ hội truyền thống ngày xuân.

YBĐT - Xa Làng Nhì trong tôi luôn hiện lên hình ảnh chiếc bếp tập thể khiêm tốn xinh xinh nơi nấu ăn của 20 thầy cô giáo, nơi ăn, chốn ở chật chội của 60 em học sinh.

Ao nuôi ba ba trị giá hơn 1 tỷ đồng của gia đình anh Thái.

YBĐT - Thôn Hồng Hải nằm giữa một thung lũng nhỏ trải dài với dòng suối trong xanh, bốn bề bát ngát bởi quế, keo, bồ đề, không khí thật trong lành.

Mùa xuân Tây Bắc.

YBĐT - Thế là đã bốn cái tết tôi xa Tây Bắc, cũng là ba cái tết ở Thủ đô phồn hoa và náo nhiệt, nhưng trong tôi vẫn không hề nguôi ngoai nỗi nhớ. Cái cảm giác hẫng hụt, như thiếu một cái gì vô cùng thân thiết, đã ăn sâu vào tiềm thức, máu thịt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục