Sức sống Hồng Hải

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/1/2011 | 3:07:34 PM

YBĐT - Thôn Hồng Hải nằm giữa một thung lũng nhỏ trải dài với dòng suối trong xanh, bốn bề bát ngát bởi quế, keo, bồ đề, không khí thật trong lành.

Ao nuôi ba ba trị giá hơn 1 tỷ đồng của gia đình anh Thái.
Ao nuôi ba ba trị giá hơn 1 tỷ đồng của gia đình anh Thái.

Vừa đặt chân tới Hồng Ca (Trấn Yên), mấy anh lãnh đạo xã đã giục: “Xuống thôn xem bà con làm ăn thế nào chứ?”. Tôi vội gật đầu rồi cùng anh Phạm Xuân Toàn - Phó chủ tịch UBND và anh Hà Ngọc Điệp - Phó chủ tịch HĐND xã xuống cơ sở. Đường vào thôn Hồng Hải đất đá gồ ghề, nhưng được cái mặt đường rộng. Thi thoảng có vài chiếc ô tô chở bồ đề, keo về xưởng bóc gỗ phía đầu thôn...

Người quê năng động

Phó chủ tịch Toàn vừa đi vừa chỉ mấy nhà phía trước: “Đây là nhà ông Lan - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Hồng Hải ở cùng con trai là anh Hoàng. Nhà có cái ao phía trước, đồi cây xanh ngát tít xa kia cũng của các con ông ấy. Kia nữa nhà ông Hiếu, ông Miên - Bí thư Chi bộ thôn...

Tôi nói vui với anh Toàn: “Ông cứ như người của thôn ấy”. Anh Toàn chỉ cười rồi dẫn tôi rẽ vào một nhà gần đấy. Một ngôi nhà gỗ bình thường xung quanh nào ao cá, ao ba ba, một dãy cây si cảnh cao ngang đầu người được tỉa theo các thế trông thật thích mắt.

Chủ nhà Phạm Hồng Thái cũng vừa về vội nói: “Có tí cỏ trên đồi hai vợ chồng lên làm cho xong. Hơn nữa nhà có ao nuôi cá, ba ba phải giữ đầu nguồn nước cho sạch không dám phun thuốc trừ cỏ đâu. Ngay cả hơn 3 ha toàn quế, mỡ, bồ đề đã trồng hơn chục năm nay nếu thu hoạch cũng được tới trăm triệu đấy nhưng gia đình cũng không dám khai thác trắng sợ mất nguồn nước thì gay”.

Sau tuần trà vui vẻ, anh Thái dẫn chúng tôi ra xem ao ba ba. Diện tích ao ước chừng 1 sào được xây chia thành nhiều ngăn, nguồn nước sạch trắng xóa dẫn trên đồi về cung cấp đủ nước cho ao. Anh cho biết, hiện trong ao có ngót một trăm con ba ba giống. Trong đó có khoảng ba chục con anh nuôi từ năm 2004 mỗi con nặng tới trên chục ký, còn lại bình quân cũng 7 - 8 kg/con.

Ái chà! Sau hồi nhẩm tính cái ao ba ba này cũng tới gần tỷ bạc chứ đùa!
- Vậy anh Thái bây giờ đã là tỷ phú trẻ vùng này rồi đấy!, Tôi nói vui.

Anh Thái giãi bày: - Thực ra làm kinh tế cũng vất vả lắm. Hai vợ chồng lấy nhau với 2 bàn tay trắng, cũng may có tí đồi và cái ao cá, vợ chồng tôi trồng thêm mỡ, bồ đề, chè, rồi đầu tư mua cá giống về nuôi nên thu nhập cũng tương đối ổn định. Thời gian đầu, mỗi năm được thu khoảng 20 triệu đồng từ ao cá, 70 triệu đồng từ đồi rừng cũng đỡ nhiều.

Thế rồi với ý chí vượt khó làm giàu, anh Thái là người đầu tiên trong thôn tìm hiểu để nuôi ba ba. Quyết là làm, anh sang xã Cát Thịnh (Văn Chấn) học hỏi cách nuôi ba ba của một số gia đình có kinh nghiệm, rồi đầu tư mua con giống. Khó khăn nhất là vốn, anh nhờ gia đình bố mẹ, anh em thế chấp Ngân hàng Chính sách xã hội, rồi Ngân hàng Nông nghiệp vay tổng cộng gần 600 triệu đồng đầu tư nào xây ao, nào là mua tủ lạnh chuyên đựng thức ăn cho ba ba, xây chuồng nhím...

Sau thời gian khó khăn vất vả, năm 2009 anh bán ba ba và nhím giống được trên 100 triệu đồng. Năm 2010, nhiều người trong vùng và tận tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên biết tới mua con ba ba, nhiều giống của gia đình anh, tính ra anh đã thu gần 400 triệu đồng.

Anh Thái cho hay: “So với các ngành nghề khác, nuôi ba ba không mất mấy thời gian chăm sóc, thu nhập lại cao hơn. Vì vậy, anh còn có thời gian chăm sóc vườn si cảnh”. Chỉ mấy cây si đã cắt tỉa, anh cho biết có người trả giá cả trăm triệu đồng nhưng anh chưa bán.

Thấy mô hình nuôi ba ba của anh có hiệu quả, nhiều gia đình trong thôn đã tới học hỏi, như anh Phạm Ngọc Hoàng, Vũ Xuân Hiếu, Nguyễn Văn Thắng..., bà con trong thôn, xã ai có nhu cầu đều được anh nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện phát triển mô hình. Anh mong muốn nếu nhân rộng được mô hình trong xã sẽ thành lập hiệp hội nuôi ba ba để có điều kiện cùng nhau trao đổi kinh nghiệm phát triển nghề, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.

Bí thư Chi bộ thôn Hồng Hải - ông Vũ Đình Miên cũng là một trong những cán bộ thôn năng động với mô hình phát triển kinh tế VACR. Gia đình ông có 10 ha đồi rừng, khi kinh tế lâm nghiệp phát triển ông chia cho anh em trong nhà cùng làm.

Hiện gia đình còn duy trì trồng 4 ha rừng, nuôi 30 con ba ba sinh sản. Ông cho biết: “Thôn có 51 hộ hầu hết đều có kinh tế ổn định. Với cơ chế mới, người dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, do diện tích ruộng rất ít, nhân dân trong thôn đã tích cực canh tác đất đồi rừng trồng cây lâm nghiệp, tre măng Bát Độ là chủ yếu, với 180 ha.

Bình quân mỗi hộ có 1,2 ha rừng, mỗi kỳ thu hoạch cũng phải vài ba chục triệu đồng không lo đói nghèo nữa. Về mô hình chăn nuôi mới đã được các hộ "cập nhật", hiện thôn có 5 hộ nuôi ba ba, 7 hộ nuôi nhím có hiệu quả”. iỞ thôn, các tổ chức chi bộ, đoàn thể, hội cựu chiến binh luôn đoàn kết giúp nhau ngày công đào ao, san nền nhà cho các hộ chính sách khó khăn, gia đình bị sạt lở đất...

Ông Phạm Ngọc Lan - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân cho hay: “Đa số các hộ trong thôn đều từ dưới xuôi lên xây dựng kinh tế mới, họ đều đoàn kết giúp nhau từ việc nhỏ tới việc lớn. Như anh Nguyễn Văn Thắng được gia đình, anh em động viên giúp đỡ anh đã cai nghiện thành công. Anh đã có vợ, có con, tu chí làm ăn 3 năm nay. Nhờ có tay nghề làm đồ gỗ, rồi phát triển thêm nuôi ba ba, gia đình đã hết nghèo khó và trở nên khá giả.

Khởi sắc

Trên đường rời thôn, gặp Chủ tịch UBND xã Hà Ngọc Toanh, ông cho rằng: “Cùng với nhiều thôn khác trong xã, Hồng Hải được Nhà nước đầu tư cầu tràn liên hợp, cống, rồi đường điện 0,4 KV tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội trong thôn phát triển.

Có điều kiện, có cơ chế mở, có những con người dám nghĩ, dám làm, người dân thôn Hồng Hải đã tích cực lao động sản xuất, đi đầu trong mọi phong trào. Từ một thôn nghèo, Hồng Hải đã có nhiều khởi sắc, năng động trong phát triển kinh tế”. 

Văn Trung

Các tin khác
Mùa xuân Tây Bắc.

YBĐT - Thế là đã bốn cái tết tôi xa Tây Bắc, cũng là ba cái tết ở Thủ đô phồn hoa và náo nhiệt, nhưng trong tôi vẫn không hề nguôi ngoai nỗi nhớ. Cái cảm giác hẫng hụt, như thiếu một cái gì vô cùng thân thiết, đã ăn sâu vào tiềm thức, máu thịt.

Cán bộ chiến sĩ LLVT tỉnh giúp nhân dân xóa nhà dột nát.
(Ảnh: Thanh Năm)

YBĐT - Không chỉ nhiệm vụ của riêng quân đội mà ngay cả những việc của địa phương, người lính luôn thể hiện dấu ấn trên khắp các nẻo đường, các thôn, bản.

Ngô đông xanh đồng Ao Luông 1.

YBĐT - Theo dòng chảy thời gian, ngòi Thia đã bồi đắp nên những ruộng lúa, bãi ngô xanh mướt và những thôn, làng mang nét văn hóa đậm bản sắc riêng. Thôn Ao Luông 1, xã Sơn A (Văn Chấn) là một làng văn hóa như thế!

Phóng viên Báo Yên Bái trao đổi với những cô giáo “cắm bản”.

YBĐT - Tôi tình cờ đọc được ở đâu đó bài thơ “Cô giáo vùng cao” của nhà thơ Đỗ Khắc Dũng để rồi cứ ám ảnh mãi bởi vừa thương, vừa cảm phục các nữ giáo viên ở vùng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục