Mai này còn có tiếng chim?

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/7/2011 | 9:08:53 AM

YBĐT - Hiện nay đang rộ lên thú chơi chim. Thú chơi ấy đang đứng trước nguy cơ tận diệt các loài chim, bởi xuất hiện lối săn bắt chim mang tính “càn quét”.

Ở những vùng quê ven sông bây giờ những người theo nghề mồi cu gáy không còn nhiều. Ông Nguyễn Ngọc Lâu, thôn Hòa Quân, xã Minh Quân (Trấn Yên) là số ít những người đến nay còn theo cái nghề này, như là duyên nợ. Uống một hớp nước, ông Lâu nhớ lại, từ thủa lên 10 đã lon ton chạy theo ông nội để đi mồi chim cu gáy. Đến giờ ở tuổi 72, có “thâm niên” hơn nửa đời “gác cu cầm sào” nhưng ông vẫn không sao quên cái cảm giác rạo rực mỗi khi chim mồi cất tiếng gáy…

Với thôn Hòa Quân, nghề mồi chim cu gáy đã có từ rất lâu rồi, trước đây những người đến với thú chơi này là những gia đình giàu có và có địa vị trong xã hội. Bây giờ, cả thôn có đến vài chục người lấy mồi chim làm thú vui sau những ngày lao động vất vả, nhưng thật sành điệu thì không còn ai. Và sự đắn đo trong lời bình phẩm về “sự sành điệu” ấy của ông Lâu càng cho thấy ông đang tiếc về sự mai một của một nghề, của một thú chơi.

Nghề chơi nhiều công phu

Dẫn chúng tôi ra hiên nhà bên dãy lồng chim mồi treo dưới hàng hiên và cả dưới những tán cây cạnh đó, ông Lâu giới thiệu về những dụng cụ mồi chim cu gáy. Đó là chiếc lồng nhốt chim mồi, ba phía xung quanh được bọc kín bằng vải, được ngụy trang bằng lá cây, mặt còn lại là cửa sập chim. Một cây sào trúc được cưa làm 2 đoạn, lúc cần có thể nối dài ra bằng một chiếc đai sắt. Trên đầu sào có gắn một móc sắt tự chế dùng để giựt cành cây như câu liêm vừa có móc để tiện treo lồng chim.

Để dụ được chim, mồi gáy phải dùng đến một dụng cụ giống như ống sáo được làm từ một đốt trúc khi thổi lên âm thanh hệt tiếng cu gáy. Dụng cụ này gọi là ống kích. Theo ông Lâu, yếu tố quan trọng để mồi cu gáy phải kể đến nhân vật chính là chú chim mồi.

Chim mồi được chọn nuôi từ nhỏ hoặc lấy chính con chim đã mồi được nhưng phải hội đủ những yếu tố cần thiết của một con chim mồi thuần thục có khả năng gọi bầy đàn. Kinh nghiệm đó phải là chú chim trống đã trưởng thành, lưng gù, cườm tấm, “thứ nhất là gáy bổ ba, thứ nhì mắt xếch, thứ ba rậm cườm”. Vòng đời của chim chỉ kéo dài từ 8 đến 10 năm, nên chọn chim mồi phải được tính toán khá kỹ.

Riêng chim có lông trắng ở cánh và tiếng gáy phải đủ “hội hai” tức là một tiếng gáy và một tiếng gù đi kèm nhau. Ông Lâu bảo cả đời mồi chim ông chỉ được một con loại này. Ngày trước ở Minh Quân có người đánh đổi cả trâu đực mộng để có được chim mồi hay. Hiện nay, nhiều con chim có hình thức đẹp, gáy sáu tiếng giọng thổ đồng được các lái buôn dưới xuôi lên lùng mua có giá hàng chục triệu đồng.

 

Sau ngày lao động ông Lâu lại chăm sóc chim cu gáy mồi.

Theo chân người bẫy chim

Cũng theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường” đầu mùa thu, từ sáng sớm đã thấy thoang thoảng hơi gió mát rười rượi thổi về. Đâu đó, gần xa vọng tiếng chim cu gáy… Đây chính là thời điểm người dân trong thôn bắt đầu thong dong lồng sào lên đường. Không ai bảo ai, mỗi người tự tìm vị trí thích hợp để đặt lồng chim. Chuyện tưởng như giản đơn, những ai sõi nghề nhìn cách thức đặt lồng chim của người đi mồi là biết ngay người mới hay vào nghề đã lâu.

Theo ông Lâu, chỗ đặt lồng cơ bản đảm bảo yếu tố đắc địa, ấy là nơi có cây cội (cây đứng một mình), phía trước cành chọn đặt lồng phải có một nhánh cây cách chừng 10 - 15 cm và phải cao hơn một chút để chim bên ngoài bay vào chỗ đậu, trước khi nhảy vào đấu với chim trong lồng. Khi đã đặt lồng xong thì tìm một chỗ nấp kín đáo để quan sát và dùng sáo thổi kích chim mồi gáy nhử chim ở ngoài bay về.

Công đoạn chờ chim ngoài bay vào đấu là hồi hộp, thú vị nhất nhưng cũng là khoảng thời gian phải kiên nhẫn nhất. Có nhiều chim tinh khôn chỉ đứng gáy chứ không chịu vào sập bẫy. Thường thì mỗi cuộc mồi chim kéo dài từ 3 đến 5 ngày và thành quả thu về có khi từ 10 - 20 chim cu gáy, trong đó, không ít con qua huấn luyện có giá bạc triệu. Song chuyện mồi cu cũng may rủi khôn lường, có lúc trắng tay khi thời tiết thay đổi hay không gặp chim.

Mai này còn có tiếng chim?

Hiện nay việc cấm sử dụng các loại súng săn đã mở ra đường sống cho nhiều loài, trong đó có chim cu gáy. Nhiều vùng quê, chủ yếu là vùng ven sông, tiếng cu gáy đã quen thuộc như không thể thiếu trong đời sống người quê. Tuy nhiên, đây đó tình trạng săn chim bằng súng hơi, súng thể thao cho những cuộc nhậu của những tay chơi rỗi việc rất đáng lo ngại.

Tình trạng săn bắt chim có tính càn quét vừa rộ lên. Đó là việc dùng chim mồi nhử là chim giả, sau đó dùng nhựa thông để bắt chim. Ngoài ra, người ta còn dùng lưới giăng trong các hẻm núi, hoặc bãi đất trống để bắt hàng loạt. Nếu không kịp thời ngăn chặn, sau này mọi người liệu có còn được nghe tiếng chim?

Quang Thiều   

Các tin khác
Lớp tập huấn phòng, chống bạo lực gia đình cho nam giới tại xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái).

YBĐT - Qua số liệu xét xử của Toà án nhân dân tỉnh Yên Bái, từ năm 2001 đến nay, đã xét xử trên 4.000 vụ ly hôn, trong đó, có trên 55% số vụ liên quan đến BLGĐ và người gây bạo lực chủ yếu vẫn là nam giới.

Mối nguy hiểm luôn rình rập các phu đá.

YBĐT - Bãi Cổng Trời là tên địa danh do người dân địa phương tự đặt, thuộc địa phận thôn Sắc Phất, xã Minh Tiến, huyện Lục Yên. Sau thời hoàng kim của đá đỏ, hiện nay chỉ bãi ở Cổng Trời mới có thể tìm được những viên Rubi bạc tỷ.

Đặc sản muồm muỗm miền Tây.

YBĐT - Đưa chú muồm muỗm đã được chế biến công phu, ánh màu vàng rộm lên miệng, lập tức thấy ngay được cái giòn tan như cơm cháy Ninh Bình, vừa có vị béo ngậy như lớp da gà Đông Cảo, lại vừa có vị thơm nồng tựa hương lúa nếp Mường Lò...

Lò gạch thủ công gây ô nhiễm ở khu vực nông thôn.

YBĐT - Đã 6 tháng kể từ khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, các lò gạch ở Yên Bái vẫn đỏ lửa, “nhả” khói và "ăn" tài nguyên đất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục