Thưởng thức muồm muỗm miền Tây

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/7/2011 | 3:27:36 PM

YBĐT - Đưa chú muồm muỗm đã được chế biến công phu, ánh màu vàng rộm lên miệng, lập tức thấy ngay được cái giòn tan như cơm cháy Ninh Bình, vừa có vị béo ngậy như lớp da gà Đông Cảo, lại vừa có vị thơm nồng tựa hương lúa nếp Mường Lò...

Đặc sản muồm muỗm miền Tây.
Đặc sản muồm muỗm miền Tây.

Định bụng mang máy ảnh đến thăm miền Tây hoa ban trắng với cánh đồng Mường Lò nổi tiếng vào mùa gặt để tận mắt chứng kiến những giọt vàng óng ả của vựa thóc lớn nhất, nhì khu vực miền núi phía Bắc xưa nay, và săn tìm ảnh đẹp... Thế nhưng, có vẻ như chúng tôi đã đến hơi muộn. Những thửa ruộng vuông vức của Mường Lò gần như đã được thu hoạch xong, những mẻ thóc cuối cùng của vụ đông xuân cũng đã được người nông dân tải về bản trên những chuyến xe ngựa nặng trĩu...

Không xem được những tràn lúa vàng óng trên cánh đồng thì chúng tôi đành hoài công khi đến đây chăng? Anh bạn đồng nghiệp lặn lội từ tận Báo Vietnamnet ở thủ đô Hà Nội lên để chụp ảnh cứ xuýt xoa mãi vì tiếc rẻ; quần xắn áo vén, bước thấp bước cao trên bờ ruộng đã được trải đầy rơm rạ mà hít hà cái hương thơm của lúa mới đang còn bảng lảng ngập tràn trong không khí.

- Vào bản mua thóc thôi ông ơi! Tôi nghe nói gạo mới Mường Lò là nhất đấy. Nhanh nhanh kẻo muộn! - Mấy đồng nghiệp của chúng tôi gọi to.
Trời về chiều, những cơn gió lồng lộng thổi trên cánh đồng mát rượi đưa hương lúa thơm dịu nhẹ, nồng nàn khác hoàn toàn với cái không khí oi nồng của mùa hè thành phố mà chúng tôi vừa trốn chạy.

Khệ nệ khuân 2 bao tải thóc mới lên xe, chúng tôi rời bản nhỏ của xã Thạch Lương (huyện Văn Chấn). Con đường thẳng tắp với hai bên bát ngát cánh đồng đưa chúng tôi hướng vào trung tâm thị xã Nghĩa Lộ.

 Định bụng nghỉ ngơi một đêm ở thị xã rồi mai "tít" đi Mù Cang Chải xem danh thắng quốc gia ruộng bậc thang. Bụng nghĩ vậy, kế hoạch bàn bạc xong với nhau nhưng lúc đó, chúng tôi không hề biết rằng có một sự kiện đang đợi chúng tôi trong thị xã nhỏ này khiến chúng tôi tự nguyện ở lại thay vì đi tiếp như đã định...

Xong bữa tối no nê và có phần ngà ngà hơi men tại một quán ăn bình dân, anh bạn đi cùng gợi ý:

- Thôi, đã ở lại mà nằm ườn ra trong khách sạn thì chán lắm. Hay ta dạo mát Mường Lò, hưởng khí trời mát mẻ để lấy lại tinh thần, sức khỏe rồi mai còn "chiến đấu" tiếp?!

Chẳng có lý do gì mà tôi lại từ chối một lời "rủ rê" hợp lý như vậy. Vì tôi biết, Mường Lò về đêm có những cái hay, cái thú vị, thậm chí cả cái đặc biệt đã làm nên "thương hiệu" của riêng nó...

Chúng tôi bước ra phố thị. Ơ kìa! Sao đông người ngoài đường thế? Dưới ánh đèn cao áp, đường phố thị xã Nghĩa Lộ trải dài và nườn nượp người. Trẻ con lẫn người lớn, từ ông bà già đến con nít nhỏ, cả nam lẫn nữ, có khi phải đến mấy trăm người, mà toàn là đi bộ mới hay chứ. Từng tốp, từng nhóm vài người một, mỗi người đều thủ sẵn một cái chai nhựa trong tay, người cầm gậy dài, người cầm đèn pin... đi đi lại lại, vồ vồ, chụp chụp...

Chỉ với những dụng cụ đơn giản, người ta có thể bắt được khá nhiều muồm muỗm.

Họ đang làm gì vậy nhỉ? Tôi tự hỏi rồi không hẹn mà cùng lúc, chúng tôi hòa mình vào dòng người hỗn độn, chen lấn đó để "săm soi". Thì ra họ đang đi bắt "muồm muỗm" - một loại côn trùng cùng họ với cào cào, châu chấu, thường sinh sôi, nảy nở phát triển rất nhanh và mạnh ở các cánh đồng lúa vào mùa thu hoạch.

Lúc này mới để ý, khắp trong không gian, dưới loang loáng ánh đèn đường và đèn xe cộ đi lại, muồm muỗm bay rào rào thành từng đàn, từng đàn; con nào con nấy to đều như ngón tay áp út. Mỏi cánh, chúng hạ mình đậu lên những bờ tường, những cành cây, thậm chí đậu xuống đầy trên mặt đường. Và tất nhiên, mỏi cánh đồng nghĩa với việc chúng làm mồi ngon cho những con người đã sẵn sàng từ lâu để tóm cổ chúng cho vào chai nhựa... Bắt chuyện với một người đàn ông trung tuổi vừa tóm được một chú muồm muỗm to kềnh, chúng tôi hỏi nhỏ:

- Bắt muồm muỗm về làm gì thế anh?!

Ngay lập tức, chúng tôi được "chiếu cố" với ánh mắt như đang gặp người đến từ hành tinh khác. Sau phút thầm đoán định, anh này nói ngắn gọn:
- Đặc sản! Các chú ở xa đến, có lẽ cần biết đây là đặc sản của vùng này!

Rồi anh Bình (về sau chúng tôi cũng chỉ biết tên chứ chưa kịp hỏi họ) vui vẻ cho chúng tôi "nhập hội" đi bắt muồm muỗm. Vừa đi, anh vừa giảng giải:

- Cứ đến cuối mùa gặt là muồm muỗm lại xuất hiện rất nhiều. Chúng bị hấp dẫn bởi ánh đèn sáng nên bay từ ngoài cánh đồng vào khu phố. Các chú thấy không, chúng nhiều đến nỗi đã tạo nên một phong trào "người người bắt muồm muỗm, nhà nhà ăn muồm muỗm" ở đây rồi đấy.

Được biết, để bắt được nhiều muồm muỗm cũng không phải đơn giản. Chỉ trừ những chú muỗm muỗm hạ cánh ở tầm thấp, hoặc ngay dưới đường, còn lại, những con đậu trên cao (cành cây, mái nhà, cột điện...), người ta phải dùng đến những dụng cụ tự chế đặc biệt. Đó là một chiếc sào dài, đầu trên được buộc hoặc gắn thêm một cái chai nhựa (hoặc can nhựa loại nhỏ) đã được cắt bỏ phần đáy để làm thành một cái phễu tầm xa; ngoài ra còn phải có đèn pin để soi những chú muồm muỗm khôn ngoan nấp mình sau những cây xà ngang...

Khi "tóm" muồm muỗm ra khỏi phễu cũng phải biết cách nếu không muốn bị hai chiếc răng vừa to vừa cứng, vừa nhọn hoắt lại đen xì của chúng "xơi" vào tay, đó là phải cầm thật chắc vào phần gáy của muồm muỗm để tránh cái đầu "có thể quay đến gần 36Oo" (nhận xét của anh Bình) và nhét đầu chúng vào chai trước...

Càng về đêm, muỗm muỗm bay về càng nhiều, tiếng đập cánh veo véo nghe như mưa rào. Tuy vậy, người đi bắt cũng thưa dần, có lẽ nhiều người đã bắt đủ cho bữa ăn gia đình? Anh Bình và chúng tôi cũng đã bắt được đầy 2 chiếc chai nhựa loại 0,5 lít. Biết chúng tôi là nhà báo, trước khi về, anh không quên cho chúng tôi địa chỉ nhà và hẹn: "Trưa mai ngày nghỉ, các chú qua nhà tôi, tôi sẽ cho các chú thưởng thức món muồm muỗm rang giòn. Ăn rồi để khi về, các chú sẽ nhớ mãi không bao giờ quên được cái hương vị đậm đà của nó, thưởng thức để biết rõ vì sao nó lại được coi là một trong những món đặc sản của vùng đất này"... Chúng tôi gật đầu không một chút đắn đo.

Sáng ra, lân la hỏi thăm mãi, chúng tôi cũng tìm đến được nhà anh Bình tại tổ 14 phường Pú Trạng, đúng lúc anh đang "làm lông" muồm muỗm. Anh Bình cười lớn:

- Các chú đến hơi sớm, nhưng không sao. Lại đây tớ bày cho cách làm vệ sinh và chế biến muồm muỗm, để sau này có tự bắt được thì còn biết mà làm cho đúng, cho ngon.

"Vặt cánh, bẻ chân, ngắt đầu, rút ruột" là 4 khâu cơ bản để tạo nên hình hài một chú muồm muỗm trên bàn nhậu. Phần còn lại của muồm muỗm sau khi được làm sạch trông cứ kỳ kỳ, nần nẫn chẳng khác gì cái kén của tằm dâu. Xong khâu "làm lông", muồm muỗm được rửa sạch, để ráo nước vào cho vào chảo. Mới quen mà như đã thân thiết từ lâu lắm, anh Bình "cầm tay chỉ việc" cặn kẽ cho chúng tôi xào nấu.

Đầu tiên, muồm muỗm được om với nước măng chua (hoặc giấm gạo) trên bếp lửa liu riu. Cạn nước, cho ngay mỡ (hoặc dầu ăn) vào, đảo đều tay trên bếp to lửa; khi nào nghe tiếng nổ lách tách tức là muồm muỗm đã chín giòn, cho bột canh (hoặc nước mắm, hạt nêm...) vừa đủ cùng với mì chính, một chút ớt tươi và đảo nhanh tay; cuối cùng, cho lá chanh thái chỉ nhỏ vào, đảo đều chín tới lá chanh là bắc chảo ra được. Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm.

Theo anh Bình, có rất nhiều cách chế biến món này nhưng có lẽ cách vừa xong là ngon và hợp để làm mồi "lai rai" nhất... Đã được thưởng thức khá nhiều món "đặc sản" chế biến từ côn trùng của miền Tây như: bọ xít, dế mèn, cào cào (tôm bay)..., nhưng với món muồm muỗm này, tôi lại có được một cảm giác riêng khác, rất đặc biệt. Đưa chú muồm muỗm đã được chế biến công phu, ánh màu vàng rộm lên miệng, lập tức thấy ngay được cái giòn tan như cơm cháy Ninh Bình, vừa có vị béo ngậy như lớp da gà Đông Cảo, lại vừa có vị thơm nồng tựa hương lúa nếp Mường Lò... Chừng ấy thứ cũng đủ khiến người ta phải ngất ngây khi thưởng thức - thực xứng đáng mang thương hiệu "đặc sản Mường Lò".

Không ngờ chuyến đi lần này lại mang đến cho chúng tôi nhiều bất ngờ và thú vị như thế. Được thưởng thức món lạ, món ngon, lại được hiểu thêm và thấm hơn về nghĩa tình của con người nơi mảnh đất tưởng chừng như "rất quê, rất núi" này.

Thiên Cầm

Các tin khác
Lò gạch thủ công gây ô nhiễm ở khu vực nông thôn.

YBĐT - Đã 6 tháng kể từ khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, các lò gạch ở Yên Bái vẫn đỏ lửa, “nhả” khói và "ăn" tài nguyên đất.

Các em học sinh thôn 6 đi học đều phải qua chiếc mảng tre này

YBĐT - Dòng Hút cắt ngang 5 thôn của xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên) trong đó có thôn 3, thôn 6 và thôn 7 là những thôn cách xa cầu trung tâm khiến nơi đây trở thành một ốc đảo.

Với trên 3.800 ha chè kinh doanh Văn Chấn là huyện có diện tích chè lớn nhất tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Thanh Phúc)

YBĐT - Với diện tích trên 3.800 ha chè kinh doanh, Văn Chấn là huyện có diện tích chè lớn  nhất tỉnh và chè là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện và của tỉnh Yên Bái.

Ba mẹ con chị Tố bên ngôi nhà rách nát.

YBĐT - Nhìn khuôn mặt hồn nhiên của những đứa trẻ không có cha chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Các em đâu biết rằng mẹ của các em sức khỏe ngày một yếu đi và không biết sẽ còn sống với các em bao lâu nữa. Các em vẫn mơ được như bao người khác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục