Chen chúc mầm non công lập

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/6/2012 | 9:41:51 AM

YBĐT - Cuối tháng 5, đầu tháng 6 - đây là thời điểm các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Yên Bái bắt đầu mùa tuyển sinh cho năm học mới. Trong thời gian này, cùng với sự đôn đáo của nhiều bậc phụ huynh cố gắng tìm cho con mình một chỗ ở trường mầm non công lập, một số phụ huynh khác lại lo lắng tình trạng quá tải sẽ tiếp diễn...

Các bé Trường Mầm non Thực hành tỉnh trong giờ tập vẽ.
Các bé Trường Mầm non Thực hành tỉnh trong giờ tập vẽ.

Để cố gắng có được một suất học cho con ở trường mầm non công lập, nhiều phụ huynh ngoài việc xếp hàng từ sáng sớm nơi cổng trường còn tính cả đến chuyện “chạy trước”. Người thì nhờ cậy vào những mối quan hệ của gia đình, bạn bè, người quen; người thì “đến thăm” nhà cô giáo trước.  

Chen chúc cổng trường     xin học cho con 

Đồng hồ điểm 5h30 sáng. Mặc cho cơn mưa rào đầu hè bất chợt dội xuống, hàng trăm phụ huynh - người khoác áo mưa, người che ô, người ướt lướt thướt... vẫn kiên nhẫn đứng chen chúc phía cổng trường chờ đến giờ đăng ký mua hồ sơ xin học cho con.

Cảnh tượng này đã diễn ra tại một cổng trường mầm non công lập vào một ngày cuối tháng 5. Cảnh xếp hàng, chen lấn, xô đẩy chờ đăng ký mua hồ sơ xin học cho con đã không còn chuyện lạ ở nhiều trường mầm non công lập trong những năm trở lại đây.

Vì lo lắng xin học cho con ở trường mầm non công lập mà nhiều phụ huynh đã mất ăn mất ngủ. Chị Nguyễn Thị Anh - phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) đứng đợi mua hồ sơ với vẻ sốt ruột: “Tôi đã đến đây từ 5 giờ sáng. Năm ngoái vì đi muộn, tôi đã không chen nổi vào trong nên không mua được hồ sơ xin học cho đứa lớn. Năm nay, tôi hy vọng sẽ mua được hồ sơ cho đứa bé”.

Để cố gắng có được một suất học cho con ở trường mầm non công lập, nhiều phụ huynh ngoài việc xếp hàng từ sáng sớm nơi cổng trường còn tính cả đến chuyện “chạy trước”. Người thì nhờ cậy vào những mối quan hệ của gia đình, bạn bè, người quen; người thì “đến thăm” nhà cô giáo trước.

Chị Đ.T.L - một phụ huynh ở thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) vừa buồn rầu vừa bức xúc nói: “Tôi cũng biết do quy mô trường lớp của thị trấn có hạn nên chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu xin vào học của trẻ. Song điều tôi thắc mắc là không hiểu tại sao con tôi và một số cháu khác đi đúng tuyến thì không được nhận, trong khi có những học sinh trái tuyến thì lại được nhận”.

Không xin được học cho con ở trường mầm non duy nhất của thị trấn nên chị L và một vài phụ huynh khác đành phải vất vả đưa con đi gửi ở các xã lân cận cách nhà vài cây số. Hiện tại, trên địa bàn thị trấn Cổ Phúc chưa có trường mầm non tư thục nào ngoài một trường mầm non công lập. Cả thị trấn cũng chỉ có thêm một nhóm nhà trẻ tư nhân dành cho các bé dưới 3 tuổi.

Trở ngại học phí

Một trong những nguyên nhân chính khiến việc tuyển sinh của một số trường mầm non công lập ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn ngày càng trở nên “nóng” hơn là nhiều phụ huynh gặp khó khăn về vấn đề học phí.

Với mức đóng góp các khoản chênh lệch gấp đôi giữa trường công và trường tư như hiện nay (khoảng 350 - 400 nghìn đồng/tháng đối với trường mầm non công lập; 750 ngàn - 1 triệu đồng/tháng đối với trường mầm non tư thục), trong khi chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ giữa các trường có thể chỉ là tương đương nên tâm lý của các bậc phụ huynh, nhất là đối với những gia đình có thu nhập trung bình, thấp, làm công ăn lương thì việc muốn xin cho con vào học trường công lập cũng dễ hiểu.

Anh Phạm Quang Minh - phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) giãi bày: “Cả hai vợ chồng tôi đều làm công nhân của một xưởng sản xuất chè, thu nhập bình quân cả tháng chỉ được từ 5 đến 6 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình vừa phải lo các khoản sinh hoạt phí vừa phải lo tiền học hành cho đứa lớn, chưa kể tiền thuốc thang cho bố mẹ già thường xuyên đau yếu. Vì thế, năm học này, chúng tôi cũng muốn xin cho cháu thứ hai đi học ở trường công lập để gia đình bớt chật vật”.

Cũng giống điều kiện nhà anh Minh, gia đình chị Nguyễn Thị Lan ở thị trấn Yên Bình (Yên Bình) có hai con sinh đôi đang theo học tại một trường mầm non tư thục. Chị Lan chia sẻ: “Năm ngoái, gia đình đã đi xin học cho hai cháu vào trường mầm non công lập nhưng không được nên đành phải đưa ra gửi một trường tư thục ngoài thành phố Yên Bái.

Hàng tháng, trung bình tiền đóng góp các khoản gồm: tiền ăn, tiền học phí, tiền trông thêm ngoài giờ tổng cộng hết hơn 2 triệu đồng. Ngoài ra còn tiền ăn, tiền sữa, tiền quần áo, tiền đồ chơi ở nhà của các bé nên một suất lương công chức của tôi cũng chỉ vừa đủ. Cả nhà còn lại trông vào một suất lương 3 triệu đồng của bố bọn trẻ.

Nếu chi tiêu khéo thì cũng chỉ đủ trang trải sinh hoạt phí trong tháng cho gia đình. Tháng nào mà có cháu bị ốm hoặc gia đình có việc đột xuất thì chỉ còn cách là đi vay hoặc ứng lương trước”.

Tuy các khoản đóng góp ở các trường mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh so với các tỉnh, thành phố khác chưa phải là cao nhưng điều kiện, mức thu nhập bình quân của người dân địa phương còn thấp nên việc gửi trẻ học trường tư thục đã khiến cho nhiều gia đình khó khăn càng khó khăn hơn.

Không ít bậc phụ huynh đã ví, việc nuôi con nhỏ và chi phí cho con đi học mầm non tư thục giống như việc nuôi con đi học đại học. Hiện nay, mức đóng học phí mà các trường mầm non tư thục đang thu đều không có một đơn vị nào quản lý, tất cả đều do các trường tự xây dựng và chỉ cần công khai với phụ huynh học sinh.

Trường chuẩn “phá” chuẩn

Trước tác động của nhiều yếu tố: dân số tăng nhanh, công tác dự báo phục vụ cho việc mở rộng mạng lưới và quy mô trường lớp hạn chế, quỹ đất xây dựng trường mầm non thiếu, sức ép từ phía phụ huynh học sinh... nên nhiều trường mầm non công lập đành phải tăng thêm sĩ số ở mỗi lớp học. Điều này đã khiến cho các trường rơi vào tình trạng quá tải, một số trường đạt chuẩn đành phải “phá” chuẩn.

Theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia quy định, lớp mẫu giáo không được quá 30 trẻ, lớp nhà trẻ không được quá 25 trẻ. Song thực tế, tại một số trường mầm non công lập đã được công nhận trường chuẩn, tiêu chí này vẫn chưa thực sự được bảo đảm, trong đó có cả những trường đạt chuẩn mức độ II như Trường Mầm non Thực hành tỉnh.

Năm học 2011 - 2012, Trường Mầm non Sơn Ca, xã Nam Cường (thành phố Yên Bái) đạt chuẩn quốc gia mức độ I có 340 học sinh ở 9 nhóm lớp, trong đó có 2 lớp mẫu giáo 5 tuổi, mỗi lớp có 72 trẻ; các lớp mẫu giáo 3 - 4 tuổi, mỗi lớp có trên 40 trẻ, so với quy định nhà trường đã vượt 68 trẻ.

Giờ học nhận biết đồ vật của các bé Trường Mầm non Bông Sen (thành phố Yên Bái).

Trường Mầm non Bình Minh, thị trấn Yên Bình (Yên Bình) vừa mới được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I trong tháng 5 năm 2012 cũng không ngoại lệ.

Năm học vừa qua, nhà trường có 689 trẻ theo học ở 21 lớp, trong đó có 4 lớp 5 tuổi, bình quân mỗi lớp có 39 trẻ; 5 lớp nhà trẻ 2 tuổi, bình quân mỗi lớp gần 40 trẻ. Ngoài vượt sĩ số quy định, trường tuy đã được công nhận đạt chuẩn song vẫn còn một điểm trường lẻ cơ sở vật chất chưa bảo đảm.

Chín phòng học của điểm trường lẻ đều đã xuống cấp và chật chội, các phòng học hầu hết kiêm luôn cả ba chức năng: ăn, ngủ, học tập. Thời gian qua, để khắc phục tình trạng quá tải, Ban giám hiệu nhà trường đã bố trí thêm giáo viên ở những lớp vượt quá sĩ số quy định.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, chưa thể góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ trong khi các loại dịch bệnh lây nhiễm đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Bà Đoàn Thị Dậu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, nhà trường mới chỉ đáp ứng được hơn 50% nhu cầu xin vào học của trẻ trên địa bàn.

Để giải quyết tình trạng quá tải ở các trường mần non công lập đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực của tất cả các cấp, các ngành; sự chung tay góp sức của các tổ chức, đoàn thể địa phương và cần có cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non một cách hợp lí.

Trước hết là phát triển mạng lưới quy mô trường, lớp mầm non phải gắn với quy hoạch đô thị, xây dựng mới các trường mầm non công lập ở các khu dân cư mới; đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất cho các trường công lập đang xuống cấp; nâng cao, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí và giáo viênmầm non.

Mặt khác phải tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động của các trường tư thục mầm non về chất lượng chăm sóc, giáo dục, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và hoạt động tài chính, bảo đảm các trường mầm non tư thục phải thực hiện công khai về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và thu chi tài chính.

Trên cơ sở đó, người dân có thể lựa chọn các cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện của gia đình và giám sát được hoạt động của nhà trường. Đồng thời, các ngành chức năng cũng cần tuyên truyền rộng rãi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, giúp người dân coi trọng và đối xử bình đẳng đối với các sản phẩm, dịch vụ của cơ sở ngoài công lập như của cơ sở công lập, tránh tư tưởng “bao cấp”, trông chờ vào Nhà nước.

Đặc biệt là giúp các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cũng có một phần trách nhiệm thu nhận và cung cấp dịch vụ cho các đối tượng chính sách xã hội như các cơ sở công lập.

                          H.O

Các tin khác
Công an Văn Chấn triển khai phương án tấn công tội phạm.

YBĐT - Sau hơn 3 tháng thực hiện đợt cao điểm tấn công truy quét tội phạm về ma túy (từ tháng 2 đến hết tháng 5/2012), Công an huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã bắt giữ 16 vụ 20 đối tượng, thu giữ một khối lượng lớn hêrôin, thuốc phiện và thân, rễ, quả cây thuốc.

Cán bộ đơn vị cung ứng giống ngô trao đổi về giống AG59 đang trồng thực nghiệm tại Trạm Tấu.

YBĐT - Nhiều nhà như ông Thào A Giao, Thào A Chảy... đã biết trồng ngô theo hướng thâm canh nên dù đất ít hơn so với nhiều nhà khác nhưng mỗi hộ vẫn thu từ 4 đến 5 tấn ngô hạt/năm. Với giá bán bình quân 6.000 đồng/kg thì một năm họ sắm được 2 chiếc xe máy.

Chiếc đèn dầu là “người bạn đồng hành” của ông Lê Thế Hưng kể từ khi Nhà máy Thủy điện Thác Bà phát điện tới nay.

YBĐT - Sau gần 20 năm xã Bảo Ái của huyện Yên Bình được đón nguồn điện lưới quốc gia thì vẫn còn trên 200 hộ dân, chiếm khoảng 10% số hộ trong xã chưa có điện.

YBĐT - Nói đến trình độ thâm canh ở Văn Chấn, phải nói tới Phù Nham, người Thái, người Mường nơi đây thực sự đã rất tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục