Hãy là người bạn của con!

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/5/2013 | 8:38:39 AM

YBĐT - Theo thống kê mới đây của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15 - 19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên.

Chị Trần Thị Kim Thu - Trưởng ban Gia đình và Xã hội Tỉnh hội Phụ nữ hướng dẫn hoạt động của CLB Kết nối mẹ và con gái xã Hợp Minh, thành phố Yên Bái.
Chị Trần Thị Kim Thu - Trưởng ban Gia đình và Xã hội Tỉnh hội Phụ nữ hướng dẫn hoạt động của CLB Kết nối mẹ và con gái xã Hợp Minh, thành phố Yên Bái.

Người mẹ nước mắt lã chã  cúi đầu xuống cố tránh cái nhìn của những người xung quanh. Đứa con gái khuôn mặt lơ đãng, ánh mắt nhìn xa xăm. Trong tiếng khóc sụt sùi vẫn đủ nghe cuộc đối thoại của mẹ và vị bác sĩ:

- Sao lại để to thế này mới giải quyết?

- Vợ chồng em bận làm ăn, cũng không biết nó "có" từ lúc nào nữa.

- Các ông các bà giờ không chịu quan tâm tới con cái. Bao nhiêu tuổi rồi?

- 17, bác ạ!

- Chết thật! Tôi chịu rồi!

- Ấy, em xin bác, cháu nó còn đang đi học. Bác không giúp thì tương lai của nó coi như chấm hết.

- Tôi bảo là tôi chịu vợ chồng chị. Con gái 17 tuổi mà không quan tâm tới sức khỏe tâm sinh lý của nó ra sao.

Những thủ tục giấy tờ hoàn thành, cô bé được bác sĩ và y tá đưa vào phòng phẫu thuật. Thời gian chờ đợi, tôi mới lân la hỏi chuyện người mẹ. Ban đầu chị e dè nhưng tôi đưa mình vào người gần cảnh ngộ với chị thì chị đã cởi mở hơn. Kinh tế gia đình chị thuộc vào diện khá giả ở huyện Yên Bình.

Công việc bận rộn nên anh chị không có nhiều thời gian dành cho con. Cháu đang học lớp 11, ở trường cháu học khá lại ngoan, chị rất tin tưởng cháu nên khi phát hiện ra con gái có bạn trai để ý, chị không coi đó là vấn đề lớn. "Tôi chỉ nhắc nhở cháu rằng không được xao nhãng học hành. Nhưng tôi lại không trò chuyện với cháu về vấn đề tình yêu, tình dục. Tôi nghĩ đó là chuyện tế nhị, khó nói, rồi từ từ lớn lên cháu tự khắc biết. Tôi không ngờ..." - nói đến đây, chị không kìm được xúc động.

Nhìn người mẹ đáng thương đang đưa bàn tay gạt vội nước mắt thì tôi biết chị đã hiểu sai lầm của chị cũng như nhiều bà mẹ hiện nay là ngại nói với con về chuyện tình dục và cho rằng chuyện này tế nhị. Không phải "vẽ đường cho hươu chạy" như một số người vẫn nói nhưng trò chuyện với con về cơ chế hình thành "em bé", mang thai ở tuổi dậy thì sẽ nguy hại thế nào, nạo phá thai sẽ nguy hiểm ra sao... là để trang bị kiến thức về tình yêu, tình dục an toàn cho chính con em mình.

Theo thống kê mới đây của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15 - 19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên. Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng.

Đáng chú ý, nếu như những năm trước, tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên nước ta chiếm 5 - 7% tổng số ca nạo phá thai thì vài năm gần đây, tỷ lệ này tăng lên 10%. Và đây cũng chỉ là con số thống kê từ các bệnh viện khu vực nhà nước, còn số liệu từ các bệnh viện tư, phòng khám tư thì …bó tay!

 

Các em gái tham gia sinh hoạt tại CLB Kết nối mẹ và con gái ở xã Hợp Minh, thành phố Yên Bái.

Ở Yên Bái, năm 2010 có 1.533 ca nạo phá thai, tính riêng 9 tháng đầu năm 2011 đã có 1.649 ca. Chưa có số liệu thống kê đầy đủ về những ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, tuy nhiên, theo nhiều y bác sĩ ở lĩnh vực này thì tỷ lệ này vài năm trở lại đây có chiều hướng gia tăng, có những em không chỉ một lần mà còn vài lần nạo hút thai.

Có vị bác sĩ đã nói với tôi: "Những trường hợp các cháu đến cơ sở y tế là đã hình thành bào thai còn các cháu sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, hay tự dùng thuốc đẩy thai ra ngoài thì không thể biết được. Tôi đã từng cấp cứu vài trường hợp tự dùng thuốc đẩy thai ra ngoài và bị băng huyết, hết sức nguy hiểm". Những chuyện như vậy, các bậc phụ huynh có thể nhận thấy thông qua quan sát, quan tâm, tìm hiểu trò chuyện cùng các cháu. Quan tâm không có nghĩa là kiểm soát mà là chia sẻ.

Tôi chợt nhớ lại chuyện gia đình chị Hoa cùng khu phố với nhà tôi. Hai vợ chồng công chức nhà nước, rất quan tâm tới con cái nhưng tôi cứ thấy có gì bất hợp lý trong sự quan tâm đó. Có lần tôi sang chơi, con bé đi học về muộn, mẹ không hỏi lý do mà "chụp" ngay cho con tội "đi chơi" và mắng chửi con bé thậm tệ đến khách cũng phải ngại. Lúc sau, chị Hoa quay sang tôi chữa ngượng: "Bọn trẻ giờ không nghiêm là dễ hư lắm".

Những người hàng xóm cạnh nhà thì luôn thấy tiếng chị lặp đi lặp lại điệp khúc "Học đi", " Học xong chưa?" với con. Vốn là đứa hay nói hay cười, càng lớn, con gái chị Hoa càng trở nên lầm lì ít nói. Như vậy, mẹ cháu lại bảo: "Nhìn cái mặt mà ghét, lúc nào cũng lì lì ra". Hai mẹ con không nói chuyện được với nhau. Khi con bé bị "sốc" về tình cảm tuổi mới lớn, chị Hoa mới giật mình.

Tâm sự với tôi, con bé nói: "Cháu và mẹ cháu như mặt trăng mặt trời, không bao giờ mẹ cháu muốn hiểu cháu. Nếu nói với mẹ rằng cháu thấy quý mến một bạn trai thì mẹ cháu sẽ giết cháu mất".  Không nhận được sự lắng nghe, ứng xử một cách tâm lý của bố mẹ, con trẻ dần trở nên rụt rè và ngại ngùng, không thổ lộ tâm sự của mình và dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Những vụ việc đau lòng của các cháu còn đang ở tuổi mà chúng ta vẫn hay gọi là "tuổi hoa" đã tìm đến cái chết để giải thoát mình khỏi những u uất, những vấn đề khó khăn mà các cháu gặp phải ở trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua đã cho thấy một thực tế về sự thiếu gần gũi của cha mẹ với con cái. Bên cạnh đó, việc tư vấn giáo dục sức khỏe sinh sản, tư vấn tâm lý đối với các em ở lứa tuổi teen từ phía các tổ chức, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh còn rất ít. Nhiều bậc cha mẹ không tích cực trong việc làm bạn với con, không tìm ra được cách trò chuyện với con.

Tôi đã từng chứng kiến chị Thu Thúy ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái ngồi nói chuyện với những người bạn của con chị khi tới nhà chơi. Chị huyên thuyên đủ điều chúng thích, gọt quả  cho chúng ăn. Chị bắt đầu câu chuyện như thế này: "Cháu có bạn trai chưa?". Đứa bạn của con chị trả lời: "Chưa bác ạ!". Rồi chị nói vui: "Bọn con trai mù hết rồi". Và thế là bác cháu ngồi nói chuyện rất tâm đầu ý hợp. Khi bạn cháu về chị hỏi con: "Bạn thân của con đấy à? Tốt.

Cô bé ấy dễ thương và lễ phép, mẹ thích bạn ấy". Hay khi cháu được lớp giao đi thi viết thư pháp tại trường, chị đã nhờ bạn bè tìm cho được một người biết viết thư pháp trong tỉnh để xin cho con gái đến học, rồi chị tra cứu những hướng dẫn trên mạng về viết thư pháp cho con đọc và tham khảo... Bất kỳ hoạt động gì ở trường của con gái chị đều quan tâm và cùng con thực hiện như đó cũng là của mình. Đó là một trong hàng nghìn cách tiếp cận , trò chuyện và trở thành bạn của con cái mình.

 

Ở tuổi này, các em rất cần sự quan tâm, chia sẻ sâu sắc của cha mẹ.

Chị Trần Thị Kim Thu - Trưởng ban Gia đình và xã hội, Tỉnh hội Phụ nữ chia sẻ: "Đã có rất nhiều những trường hợp đáng tiếc xảy ra khi cha mẹ không hiểu, trò chuyện, chia sẻ với con cái. Bố mẹ hãy làm bạn với con - điều này rất khó nhưng nếu đi đúng cách thì lại rất dễ. Để làm bạn được với con, ta buộc phải tự hạ cái "tôi" của mình xuống. Khi con cái đang bức xúc, cáu gắt, không làm chủ được hành vi của mình, bố mẹ nên tìm cách kìm nén, tránh cáu giận con. Hãy tạo cơ hội cho chúng thổ lộ nguyên nhân của bức xúc bằng cách gọi con ngồi lại và hỏi han chúng. Nếu mình sơ suất điều gì thì hãy chủ động xin lỗi con, để chúng cảm nhận được sự bình đẳng. Chúng ta không nên áp đặt con cái phải làm theo mình, sống giống mình, suy nghĩ giống mình. Con mình cũng là một con người với những tính cách, tâm tư, tình cảm hoàn toàn độc lập. Chúng có cái "tôi" của chúng nên cha mẹ phải tôn trọng".

Xác định được vai trò của người phụ nữ trong gia đình nói chung và trong nuôi dạy con cái nói riêng, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hoạt động, các đề án hỗ trợ bà mẹ nuôi dạy con tốt. Nhiều địa phương đã thành lập những câu lạc bộ "Kết nối mẹ và con gái" hoạt động có hiệu quả như ở xã Hợp Minh, thành phố Yên Bái, không chỉ thu hút được mẹ và con gái, đến nay thành viên của Câu lạc bộ còn có cả bố và con trai. Tuy nhiên mô hình chưa thực sự được nhân rộng để trở thành cầu nối giữa cha mẹ và con khi trên địa bàn tỉnh hầu như không có một trung tâm tư vấn tâm lý nào. Trong các buổi sinh hoạt tại chi hội cơ sở còn ít lồng ghép chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con.

Chị Phạm Thị Lê - phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái cho biết: "Tôi là công nhân, cũng như nhiều chị em trong chi hội ở đây chúng tôi phải bận rộn, nhọc nhằn với việc mưu sinh nên ít có thời gian tìm hiểu những cách dạy con, làm bạn với con, trò chuyện với con... Tôi rất mong muốn trong các buổi sinh hoạt của chi hội sẽ coi vấn đề này là một trong những hoạt động trọng tâm và thường xuyên vì nó rất hữu ích trong nuôi dạy con của các bậc làm cha làm mẹ".

Nhưng trên cả điều đó, các bậc phụ huynh cần phải quan tâm hơn đến con mình bằng tất thảy tình yêu thương, trách nhiệm và lòng bao dung độ lượng, để việc làm bạn với con là không hề khó chút nào.

Thanh Ba

Các tin khác
Nước thải của nhiều nhà máy sản xuất giấy đế không qua hệ thống xử lý nước thải mà xả thẳng ra môi trường.

YBĐT - Trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 8 nhà máy xả nước thải ra sông Hồng thuộc địa bàn các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, thành phố Yên Bái và 2 nhà máy xả nước thải ra sông Chảy tại huyện Lục Yên. Nước thải của nhiều nhà máy sản xuất giấy đế không qua hệ thống xử lý nước thải mà xả thẳng ra môi trường.

Cô và trò trong lớp học mầm non ở thôn Cu Vai, xã Xà Hồ.
(Ảnh: Mạnh Cường)

YBĐT - Đã có lúc ngành học mang tính căn bản, nền tảng ở vùng cao Trạm Tấu chưa được quan tâm đầu tư đúng mức và toàn diện. Hệ quả là chất lượng đầu vào hệ tiểu học nhìn chung thấp, tình trạng học sinh chán học, sợ học phổ biến, việc duy trì sỹ số trở thành áp lực hàng đầu của những người làm công tác giáo dục.

Một hộ dân ở thôn Ba Khuy, xã Nà Hẩu làm nhà ở, sản xuất nương rẫy ngay trong “lõi rừng” Khu bảo tồn.

YBĐT - Ở xã Nà Hẩu hiện có tới 93 hộ dân được cấp “sổ đỏ” vào diện tích KBT. Nhiều hộ được cấp sổ đỏ từ năm 2001 đến nay không trồng rừng mà chỉ trồng lúa nương, ngô, sắn ngay trong “lõi rừng”, cứ mỗi năm lại phát trộm vào rừng tự nhiên KBT một vài mét.

Các học viên trong buổi hành quân dã ngoại.

YBĐT - Tham gia Học kỳ quân đội (SIA) sẽ giúp các em rèn kỹ năng sống, tính tự lập, biết yêu thương bạn bè, cảm thông và biết chia sẽ với gia đình, rèn luyện tính năng động, nâng cao khả năng tự nhận thức và cảm quan về cuộc sống, biết quan tâm, chia sẻ với những người khác và đặc biệt hơn khi tham gia chương trình này các em sẽ được sống và làm việc như một người lính thực thụ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục