Năm 2022, trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng một số đợt thiên tai; chủ yếu là rét đậm, rét hại và mưa lớn kèm theo gió lốc. Các đợt thiên tai gây ảnh hưởng và thiệt hại về nhà ở, cây trồng, vật nuôi và một số công trình công cộng trên địa bàn huyện với thiệt hại ước tính lên đến 7 tỷ đồng.
Để chủ động phòng, chống giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay huyện Trấn Yên đã tiến hành kiện toàn lại Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT -TKCN) từ huyện đến cấp xã, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện chủ động rà soát xây dựng kế hoạch PCTT-TKCN sát với thực tế của từng đơn vị, địa phương mình.
Huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao năng lực phòng, chống lũ quét, sạt lở đất trong cộng đồng dân cư; cảnh báo sớm về mức độ nguy hại của bão lũ, tổ chức di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm; nâng cao năng lực tổ chức ứng cứu, khắc phục thiên tai theo phương châm "bốn tại chỗ".
Tại các thôn bản, thành lập các tổ đội xung kích với lực lượng nòng cốt là các trưởng thôn, công an viên, thôn đội trưởng, Đoàn Thanh niên và nhân dân tại địa bàn sẵn sàng ứng cứu khi bão lũ xảy ra. Theo rà soát, huyện có khoảng 1.808 hộ trong vùng nguy cơ thiên tai, trong đó có 1.092 hộ sống trong vùng nguy cơ sạt lở đất, 167 hộ sống trong vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét; 521 hộ sống trong vùng nguy cơ ngập úng (trên báo động 3).
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, ngay trước mùa mưa bão, huyện đã chỉ đạo các ngành thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện và các xã, thị trấn, tổ chức rà soát, thống kê chi tiết các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất, ngập úng… đồng thời rà soát kiểm tra các hồ chứa, các tuyến đê bao để kịp thời gia cố, đảm bảo sung yếu trước mùa mưa lũ. Từ đó xác định cấp độ rủi ro để xây dựng phương án di dời các hộ dân đến nơi an toàn.
Tại các xã có nguy cơ nằm trong vùng ngập lụt, huyện chỉ đạo thu hoạch lúa đông xuân theo phương châm xanh nhà hơn già đồng và có phương án bố trí giống dự phòng để gieo cấy khi mưa lũ đi qua. Các xã sống gần khu vực sông suối, vận động nhân dân mua sắm thuyền, bè, mảng, cùng với đó đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu cũng như thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo kịp thời khi mưa bão xảy ra.
Công tác phòng chống lụt bão đã được huyện triển khai sớm từ lực lượng, vật tư, phương tiện được chuẩn bị đầy đủ cũng như sự tích cực, chủ động của các cấp, các ngành trước mùa mưa bão. Tuy nhiên, theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, mùa mưa bão năm 2023 trên địa bàn huyện Trấn Yên khoảng 2 đến 3 cơn bão gây ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như: giông, sét, lốc, mưa đá, lũ, lũ quét, sạt lở đất ở các vùng đồi núi và ngập úng ở các vùng trũng thấp, đô thị.
Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, môi trường, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở các loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thường xảy ra tại địa phương các xã cần tiếp tục thực hiện việc rà soát, điều chỉnh kế hoạch và phương án phòng, chống, ứng phó với các loại hình thiên tai năm 2023 phù hợp với điều kiện thực tế; điều chỉnh, bổ sung bản đồ phòng tránh thiên tai khi có sự thay đổi về các khu vực để cảnh báo khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng của các loại hình thiên tai, đặc biệt là các khu vực ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm.
Ngọc Trúc