Cảnh báo mưa lũ lớn, sạt lở đất tại nhiều địa phương, người dân phải làm gì?

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/7/2023 | 9:08:19 AM

Ngày 20/7, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ. Đặc biệt, các sông suối nhỏ ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh có khả năng xuất hiện lũ lớn cục bộ.

Mưa lớn tại nhiều địa phương sau hoàn lưu của bão số 1.
Mưa lớn tại nhiều địa phương sau hoàn lưu của bão số 1.

Bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trong chiều nay trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Hoàn lưu sau bão khiến các tỉnh miền Bắc mưa lớn trong những ngày tới.

Cảnh báo lũ lớn cục bộ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm qua và sáng sớm nay (19/7), ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa tính từ 19h ngày 18/7 đến 03h ngày 19/7 có nơi trên 50mm như: Hồng An (Cao Bằng) 68.2mm, Nậm Mười 1 (Yên Bái) 60.8mm, Mai Lâm (Thanh Hóa) 69.4mm, Quỳnh Lưu (Nghệ An) 151.8mm,…

Ngày và đêm 19/7, ở Bắc Bộ và khu vực Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm. Từ ngày 19-20/7, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-120mm, có nơi trên 170mm (mưa lớn tập trung vào chiều và đêm).

Mặc dù bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cảnh báo trong ngày 19-7, hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa to cho nhiều khu vực ở miền Bắc. Tiếp đến, ngày 20/7, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ. Đặc biệt, các sông suối nhỏ ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh có khả năng xuất hiện lũ lớn cục bộ. 

Cùng với đó, cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Thái Nguyên. Nguy cơ xảy ra ngập lụt cục bộ tại các khu đô thị ở các tỉnh, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, từ ngày 20-21/7, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, cục bộ có nơi trên 100mm.

Mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, hôm nay, 19/7, khu vực Đông Bắc, Việt Bắc có mưa to đến rất to. Các tỉnh như Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, có mưa to 150 - 250mm, cục bộ có nơi trên 350mm.

Khu vực Tây Bắc, vùng Đồng bằng Bắc Bộ có mưa to với tổng lượng mưa từ 70 - 150mm. Các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái đề phòng mưa với cường suất lớn gây ngập úng đô thị và nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.

Đồng thời, từ nay đến ngày 20/7, các sông suối thuộc khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3 - 5m ở thượng lưu, từ 2 - 4m ở hạ lưu. Các tỉnh vùng núi, trung du phía Bắc có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất. Nguy cơ xảy ra ngập lụt cục bộ tại các khu đô thị, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên.

Nguyên nhân bão số 1 sớm suy yếu

Lý giải về nguyên nhân bão số 1 đi lệch hơn lên phía Bắc so với những dự báo trước đó, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, cơn bão số 1 là một cơn bão hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới, sau đó di chuyển tương đối ổn định, chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc.

Cường độ cực đại của bão số 1 đạt cấp 13, giật cấp 17 trước khi đổ bộ vào khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sau khi đổ bộ vào khu vực phía Bắc của bán đảo Lôi Châu, bão suy yếu dần, đến sáng ngày 18/7 bão vượt qua bán đảo Lôi Châu đi men dọc khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

"Quỹ đạo của bão/áp thấp nhiệt đới thường do trường dòng dẫn ở các tầng khí quyển chi phối, theo đó, hướng di chuyển của bão số 1 chủ yếu do áp cao cận nhiệt đới ở khoảng mực 5km chi phối. Tùy mức độ phát triển và mở rộng của áp cao cận nhiệt đới về phía tây mà bão số 1 sẽ có hướng và tốc độ di chuyển khác nhau.

Nếu áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây với cường độ trung bình, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng. Nếu cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây mạnh, bão sẽ di chuyển lệch về phía Nam nhiều hơn và đi vào khu vực phía Nam của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Trong trường hợp cao cận nhiệt đới hoạt động yếu, bão sẽ di chuyển lệch Bắc nhiều hơn và đi vào phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), với kịch bản này, bão số 1 suy yếu nhanh do ma sát với địa hình, vì vậy gió bão yếu hơn và mưa cũng không nhiều. Tác động của bão cũng nhẹ nhất", ông Lâm cho biết.Theo ông Lâm, trong 3 kịch bản thì kịch bản 1 có khả năng xảy ra cao nhất và cũng là kịch bản sẽ có tác động xấu nhất. Thực tế bão số 1 diễn ra theo như kịch bản thứ 3, kịch bản ít tác động nhất đến Việt Nam.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, khi gặp lũ quét và sạt lở đất, người dân cần chạy thật nhanh ra khỏi khu nguy hiểm, đến các vị trí cao hơn. Tránh xa các khu vực có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất, không được lội qua sông, suối, ngầm, đập tràn, những khu vực bị ngập, không đi qua cầu cống khi nước chảy mạnh; thông báo cho chính quyền và những người xung quanh khi thấy dấu hiệu về lũ quét.

Bên cạnh đó, người dân cần luôn luôn cảnh giác, đề phòng khi có các dấu hiệu của lũ quét (mưa lớn kéo dài), kể cả ban đêm; thường xuyên theo dõi cảnh báo mưa, lũ quét; sẵn sàng sơ tán theo phương án của chính quyền bởi tính mạng là quan trọng nhất.

Người dân không đánh cá, vớt củi, bơi lội qua sông khi có mưa lớn hoặc thấy dấu hiệu bất thường như nước chuyển từ trong sang đục dần. Về lâu dài, người dân không nên xây nhà tại những nơi thường có lũ xảy ra, nơi gần dòng chảy, có độ dốc cao, tìm hiểu nơi mình ở xem đã xảy ra sạt lở đất chưa, di dời nhà cửa đến vùng đất an toàn; tham gia các cuộc họp để biết thông tin và các biện pháp ứng phó với mưa lũ.

(Theo SKĐS)

Các tin khác
Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão số 1. Ảnh: KTTV

Bão số 1 sau khi đi sâu vào đất liền khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Dự báo, trong những ngày tới, miền Bắc có mưa to đến rất to, cảnh báo đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.

Các đơn vị thi công đang gấp rút khơi thông dòng chảy tại các địa điểm trên địa bàn phường Yên Ninh và Minh Tân, thành phố Yên Bái.

Ngày 18/7, Đoàn công tác Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái do lãnh đạo Sở Nông nghiệp -Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão lũ tại một số hồ đập, dự án đang thi công trên địa bàn thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình, sẵn sàng ứng phó bão số 1 và hoàn lưu sau bão.

Bộ Y tế yêu cầu trực cấp cứu và chuyên môn 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung nạn nhân do mưa, bão

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lũ do cơn bão số 1, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24 giờ, không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân do ảnh hưởng của mưa bão.

Đường đi của bão số 1.

Đầu giờ chiều 18/7, bão số 1 (bão Talim) giật cấp 10, tâm bão trên đất liền khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục