Rà soát các điểm nguy cơ xảy ra sạt lở đất để di dời dân kịp thời

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/8/2023 | 3:43:00 PM

Các địa phương cần thường xuyên rà soát những điểm đã xác định nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất để có thể cảnh báo cho người dân di dời kịp thời.

Lũ quét đi qua trung tâm y tế xã Hồ Bốn. Ảnh minh họa.
Lũ quét đi qua trung tâm y tế xã Hồ Bốn. Ảnh minh họa.


Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, bão lũ, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) - ông Mai Văn Khiêm nhấn mạnh thời gian tới, các địa phương cần thường xuyên thực hiện rà soát các điểm đã xác định nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất để cảnh báo cho người dân di dời nếu cần thiết.

Thông tin thêm về diễn biến mưa bão sắp tới, ông Khiêm cho biết trước mắt, khả năng các đợt mưa lớn vẫn tiếp tục xuất hiện ở khu vực Bắc Bộ cũng như Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng Tám và tháng Chín.

"Do vậy, chúng ta cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất do các đợt mưa lớn kéo dài trong tháng Tám,” ông Mai Văn Khiếm lưu ý.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các ngày 9-10/8, tại khu vực Bắc Bộ có mưa dông; khu vực Tây Bắc, Việt Bắc có mưa to từ 40-70mm. 

Từ ngày 11-13/8, tổng lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ có nơi lên tới trên 200mm; từ ngày 14-20/8 phổ biến ít mưa.


Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Cũng theo ông Khiêm, từ nay đến hết năm 2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 8-10 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Do vậy, các địa phương và người dân cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.

Theo dự báo, thời gian bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng xảy ra chủ yếu tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ nửa cuối tháng Tám đến tháng Chín; tại khu vực từ Trung Trung Bộ đến các tỉnh phía Nam từ tháng 10-12/2023

Để công tác dự báo, cảnh báo thiên tai hiệu quả hơn, ông Khiêm cho biết Việt Nam đã tiếp nhận Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á. Đây là hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét đầu tiên sử dụng dữ liệu dự báo cực ngắn và tích hợp một lượng lớn nhiều nguồn dữ liệu khác nhau.

Tổng cục Khí tượng thủy văn cũng đã thực hiện cảnh báo chi tiết hóa tới các xã hoặc điểm đối với các tỉnh đã có điều tra xác định điểm nóng về lũ quét, sạt lở đất.

Về phía các địa phương, hiện nay, các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng đã có những tài liệu, bản đồ về các điểm nguy cơ sạt lở cao.

"Vì thế, giải pháp để hạn chế thiệt hại do thiên tai, sạt lở đất gây ra là lực lượng thanh niên xung kích phòng chống thiên tai địa phương cần thường xuyên thực hiện rà soát những điểm đã xác định nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất trước những trận mưa lớn để có thể cảnh báo cho người dân di dời nếu cần thiết,” ông Khiêm nhấn mạnh.

Trước đó, tại Hội nghị "Tổng kết công tác chỉ đạo ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn những tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm” của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, diễn ra vào chiều 7/8, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cũng nhấn mạnh để hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra, việc theo dõi phát hiện của nhân dân cũng như các lực lượng tại chỗ là hết sức quan trọng.

Vì thế, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức nâng cao nhận thức người dân và cơ sở thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Thành cũng hy vọng trong thời gian tới khi triển khai Luật Phòng thủ dân sự, Việt Nam sẽ có lực lượng phòng thủ dân sự tại địa phương.

"Đây là lực lượng sẽ được tổ chức đào tạo bài bản, chuyên nghiệp hơn để có thể cùng với nhân dân và các cơ quan trên địa bàn theo dõi, giám sát các dấu hiệu thiên tai, trong đó có sạt lở đất, để có thể cảnh báo sớm, tránh những thiệt hại về người và tài sản” - ông Thành nhấn mạnh.

QT - Vietnam+

Các tin khác
Mưa lũ đã làm gãy đổ 47 vị trí cột hạ thế trên địa bàn huyện Mù Cang Chải.

Mưa lũ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưới điện 110kV và trung hạ áp, làm gián đoạn cung cấp điện tới 11/14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mù Cang Chải. Công ty Điện lực Yên Bái đang tập trung nhân lực, phương tiện, nỗ lực cao nhất khắc phục sự cố để sớm cấp điện trở lại.

Huyện Mù Cang Chải tiếp tục chỉ đạo các địa phương và cử lực lượng tại chỗ tham gia hỗ trợ các hộ dân khắc phục hậu quả; tăng cường công tác tìm kiếm cứu nạn; theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; thông tin kịp thời đến tận các thôn, bản để chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh.

Đất đá lấp kín các con đường ở xã Hồ Bốn (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái)

Lũ quét ập về, người dân xã Hồ Bốn (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) nháo nhào bỏ chạy lên rừng. Hầu hết họ chỉ kịp thoát thân, còn nhà cửa và tài sản cuốn theo dòng lũ.

Ảnh minh họa.

Dự báo ngày 8/8, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Mưa dông kèm mưa lớn cục bộ ở khu vực vùng núi Bắc Bộ khả năng kéo dài đến khoảng ngày 11-12/8.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục