Nậm Đông hẹn ngày phát sáng

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/4/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tháng 4, mưa tầm tã. Vẫn biết mưa thế này đi đến công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Nậm Đông không phải là dễ nhưng tôi vẫn quyết đi. Đi để cảm nhận sự hùng vĩ của dòng Nậm Đông, để thấy được những người thợ đang vật lộn với sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hiểm trở của núi rừng, khe suối, chạy đua với thời gian để đào, để đắp, để lắp, để xây cho dòng điện toả sáng muôn nơi.

Công trình Thủy điện Nậm Đông III trong ngày đầu thi công.
Công trình Thủy điện Nậm Đông III trong ngày đầu thi công.

Từ bản Đêu – xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ), con đường về Nhà máy ở xã Túc Đán (Trạm Tấu) đã được san tạo khá bằng phẳng, không dốc cao và không lầy thụt, đường đất, mưa trơn chỉ cần tay lái “dẻo” là có thể lên công trường. Đồng hành với tôi là những chiếc xe Minsk chở đầy lương thực, thực phẩm. Điều đó cho thấy công trường đang khá sôi động, không còn “đủng đỉnh” như đã từng đánh giá trước đây.

Qua Nậm Đông I, Nậm Đông II, thấp thoáng hai bên đường là những nếp nhà sàn, lợp ngói mới và cả những ngôi nhà xây của đồng bào Thái, chốc chốc lại gặp một chàng trai Mông cưỡi xe máy đi Nghĩa Lộ phố. Dân Nậm Đông khá hơn, người Túc Đán no hơn là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vươn lên của bà con và không thể không nhắc đến sự hưởng lợi của công trình có giá trị cả trăm tỷ đồng này, trong đó đường giao thông mang ý nghĩa nhất.

Đi như “đánh vật” rồi cũng lên được đến Ban chỉ huy công trường. Đón tôi là các anh: Phạm Gia Cường – Phó ban quản lý; Dương Đức Tâm, Nguyễn Xuân Hiền đều là cán bộ kỹ thuật. Đúng là dân kỹ thuật, phong cách công trường, lần đầu gặp nhau mà mọi người tỏ ra gần gũi, thân mật và rất thẳng thắn.

Sau cái bắt tay, anh Cường nói: Rất tiếc mưa thế này 100% công nhân không thể đi làm vì nhiều phần việc phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, nhưng chỉ cần đi đến hết công trường là thấy được khối lượng công việc khổng lồ đã được làm xong. Anh em chúng tôi vừa hội ý, chỉ đạo các B có phương án đề phòng mưa lớn gây lụt và sạt lở đất, những đoạn đường nguy hiểm cần được gia cường hoặc mở rộng thêm vì tới đây sẽ có nhiều xe trọng tải lớn mang vật tư, thiết bị đi vào, nhất là việc phối hợp cùng với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng vì hiện nay nhiều bà con ngăn cản người và máy, không cho công nhân thi công vì họ cho đất đó là đất của họ, việc này ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công mà không thể không giải quyết dứt điểm.

Mưa đã ngớt, chúng tôi quyết định đi Nậm Đông IV – nơi xây dựng tổ máy Nậm Đông IV và nhà đầu tư quyết định xây dựng trước nhà máy Nậm Đông III ở phía hạ lưu. Đoạn đường dài 7 km, tất nhiên là đi bộ vì đường dốc và rất trơn. Vừa đi, anh Dương Đức Tâm vừa thông tin nhanh: Nhà máy thủy điện Nậm Đông III và IV có tổng công suất 21,5 Mw, trong đó nhà máy Nậm Đông IV xây trước có công suất 15,6 Mw, với tổng số tiền đầu tư trên 400 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển điện Miền Bắc 3 làm chủ đầu tư; công trình được khởi công từ ngày 19/4/2004 do sáu nhà thầu đảm nhiệm thi công.

Đến nay, các nhà thầu đã hoàn thành được khoảng 90% công trình phụ trợ và 40% phần việc chính với các công trình: đường tải điện 35 KV dài 11,5 km, đường giao thông trên 20 km với quy mô mặt đường rộng 3,5 mét, kênh dẫn nước dài 3 km; công trình đập đầu mối 3 với cao trình ngưỡng tràn 888 đang được thi công phần đào hố móng; đường ống áp lực có đường kính 1,1 mét, dài 1 km đã làm xong phần móng, ống thép đã gia công xong...

Anh Dương khẳng định lại khối lượng 90% phần việc ở các công trình phụ trợ và 40% phần việc ở công trình chính đã làm xong và giải thích thêm: Ba năm qua chúng tôi làm được như vậy, sáu tháng nữa sẽ đóng điện Nậm Đông IV như cam kết ban đầu. Nghe có vẻ bất hợp lý nhưng người trong nghề mới hiểu được, phần việc chính, xây dựng nhà máy, lắp đặt tua-bin không mất nhiều thời gian vì nó không cần phải giải phóng mặt bằng, ít phụ thuộc vào thời tiết, quá trình thi công tại một địa điểm... Tất cả những thuận lợi của phần việc chính thì lại là những khó khăn, vất vả của công trình phụ trợ. Làm xây dựng ngán nhất là thời tiết thì ở đây chúng tôi nếm đủ: nắng gắt, mưa dầm, lụt lớn, gió nóng.

Anh cho biết, quá trình triển khai dự án khó khăn lớn là giải phóng mặt bằng thì ở đây càng khó. Đến ngày hôm nay, khi mở đường tận đến lưng núi rồi mà bà con vẫn vác gậy, vác dao ra ngăn máy xúc, máy ủi, không cho công nhân làm vì bà con cho đó là đất của mình. Một yếu tố nữa là, trong số một loạt các công trình thuỷ điện ở Yên Bái thì Nậm Đông là công trình có khối lượng đào đắp lớn nhất. Để làm được trên 20 km đường từ Nghĩa Lộ vào Nhà máy IV và các tuyến nội bộ, các anh phải đào với khối lượng trên 2 triệu m3 đất đá, trong đó có nhiều vỉa đá lớn, địa hình hết sức phức tạp với cả vạn mũi khoan, cả trăm tấn thuốc nổ được dùng.

Trong màn mưa bụi, tầm nhìn hạn chế nhưng tôi vẫn cảm nhận được quy mô to lớn của cả công trình, cũng như mức độ khó khăn, phức tạp trong công việc phải làm của những người công nhân. Những chiếc máy xúc có gầu múc 1,2 m3, những chiếc máy ủi C130 mọi ngày ngắm thấy to là vậy mà hôm nay chợt bé nhỏ, đứng vắt vẻo bên lưng núi, cặm cụi làm việc, những bóng người cheo leo trên vỉa đá, cắm mũi khoan hơi để đặt thuốc đánh mìn.

Nhìn lên núi cao vời vợi, lại nhìn xuống suối sâu thăm thẳm mới thấy được con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên nhưng con người với trí tuệ và sức lực của mình biết cách chế ngự thiên nhiên đúng như truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh mà ông bà kể lại. Không đúng thế sao khi mà núi Túc Đán đã phải ngả mình cho con đường lớn, dòng Nậm Đông hung hãn là vậy mà sắp phải thu mình trong ống thép, biến thành động năng phát điện, làm giầu cho quê hương đất nước?

Phó ban quản lý Phạm Gia Cường khẳng định, Nậm Đông IV sẽ phát điện trong quý ba năm 2007, Nậm Đông III sẽ hoàn thành không đầy một năm sau đó. Anh bắt tay tạm biệt tôi, một cái bắt tay rất chặt như sự quyết tâm của nhà đầu tư vậy. Xuôi dốc bản Đêu trong màn mưa trắng đục, bỏ lại phía sau công trường lớn và những tiếng nổ mìn phá đá, tôi chợt nhớ đến câu nói của một nhà hiền triết nào đó: “Vinh quang luôn đến với những người đúng hẹn”.

Lê Phiên

Các tin khác
Ngầm tràn Huổi Nọi (Lâm Thượng - Lục Yên) được đầu tư từ nguồn vốn WB trị giá trên 460 triệu đồng.

YBĐT - Đến Lục Yên, cảm nhận đầu tiên là diện mạo vùng đất ngọc đã có nhiều đổi thay nhờ phát huy hiệu quả công tác quản lý, đầu tư các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn Dự án Giảm nghèo và sự đồng tình góp sức của nhân dân trong huyện.

YBĐT - Đến hết tháng 3, tổng vốn đầu tư phát triển khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 84 tỉ 259 triệu đồng, tăng 37,89% so với tháng trước, tăng 17,25% so với cùng kỳ.

Lắp đặt hệ thống mái nhà kho nguyên liệu Nhà máy Xi măng
Yên Bình.

YBĐT - Trên công trường xây dựng Nhà máy Xi măng Yên Bình có công suất 910.000 tấn/năm và mở rộng Nhà máy Xi măng Yên Bái công suất 300.000 tấn clinker/năm, những ngày đầu tháng Tư lịch sử này sôi động hơn. Các đơn vị thi công đang hăng hái thi đua lập thành tích kỷ niệm 32 năm ngày giải phóng miền Nam.

Các công trình nước phục vụ sinh hoạt cho đồng bào từ Chương trình 134 phát huy hiệu quả tốt.

YBĐT - Năm 2006, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có 15 xã với gần 6.200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, đời sống khó khăn được hưởng lợi từ Chương trình 134 của Chính phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục