Nhiều nơi trên thế giới cũng đang trải qua mùa đông bất thường. Dù là đang trong thời kỳ El Nino nhưng lại có các sóng lạnh mạnh gây ra các đợt tuyết dày và nhiệt độ thấp kỉ lục ở hàng loạt các quốc gia ở Châu Âu, Mỹ và cả châu Á.
Ở Việt Nam giai đoạn đầu đông ấm như mùa Hè, thế nhưng vào giai đoạn chính Đông lại rét quá.
Tháng 11/2023, 18 địa phương từ Bắc vào Nam đã ghi nhận mức nhiệt cao kỉ lục. Riêng Hòn Dấu, Hải Phòng và Côn Đảo, Bà Rịa Vũng Tàu nhiệt độ đã phá vỡ mức nhiệt lịch sử cách đây gần 40 năm. Mức nhiệt cao nhất cả nước ghi nhận được trong tháng 11 tại huyện Sông Mã của Sơn La, lên tới 36 độ C.
Nhiệt độ tháng 11 nhiều nơi vượt lịch sử cùng kỳ mọi năm
Phải đến cuối tháng 12 và tháng 1, rét mới xuất hiện, đưa mùa Đông về đúng vị trí vốn có. Thế nhưng lại rét quá so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt là đợt rét đậm, rét hại đang kéo dài, tính đến hôm nay đã 6 ngày liên tiếp và có thể kéo dài thêm 2 ngày nữa. Đây cũng là đợt rét nhất trong tháng 1 kể từ đợt rét lịch sử năm 2016. Nhiệt độ trung bình ngày tại Hà Nội chỉ khoảng 10 độ C. Giá rét kéo dài suốt cả ngày, còn những năm trước chủ yếu rét về đêm và sáng.
Hàng loạt các đỉnh núi cao trên 1500m như Yên Tử, Phia Oắc, Đồng Văn, Y Tý nhiệt độ còn giảm xuống dưới 0 độ C đã gây ra hiện tượng băng giá trong những ngày qua. Đặc biệt tại Mẫu Sơn - Lạng Sơn nhiệt độ còn xuống âm 3 độ C, băng giá phủ trắng khắp khu vực này liên tục trong 3 ngày.
Băng giá ở Phia Oắc, Cao Bằng ngày 23/1/2024
Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu, đặc biệt có sự liên quan chặt chẽ với sự ấm lên theo chu kỳ ở tâm lạnh Bắc Cực.
Dòng xiết cực gây ra các đợt lạnh bất thường trên thế giới và Việt Nam
Dòng xiết ở độ cao 5.000 đến 10.000 mét này khi hoạt động ổn định sẽ như hàng rào cản vùng lạnh giá ở Bắc Cực tách biệt hoàn toàn với các khu vực khác. Thế nhưng khi Bắc Cực ấm hơn bình thường, không loại trừ có tác động của El Nino và biến đổi khí hậu, khiến dòng xiết mất ổn định, có thể gây ra sự biến dạng thành lượn sóng, đẩy không khí lạnh xuống các vĩ độ thấp hơn, hoặc rút lên cao hơn, khiến không khí ấm hơn bình thường. Điều này lý giải tại sao trong mùa Đông lại có giai đoạn ấm nóng và có giai đoạn lại rét quá như vậy.
Trung tâm không khí lạnh ở Siberia, Liên Bang Nga trong tháng 1 năm 2024
Minh chứng ngay trong đợt rét lần này ở nước ta, xuất phát là từ vùng trung tâm không khí lạnh ở Siberia của Nga có cường độ rất mạnh và quy mô lớn. Khí áp ở vùng lõi đã lên tới 1080mb, đây là mức khí áp cao ít gặp, xấp xỉ bằng mức khí áp của đợt rét kỉ lục năm 2016. Cộng với dòng dẫn trên độ cao 5000m đã đẩy những sóng lạnh này xuống sâu hơn đến miền Bắc nước ta, gây ra rét đậm, rét hại kéo dài.
Ông Hoàng Phúc Lâm, PGĐ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định: Khoảng ngày 27 tháng Chạp sẽ xuất hiện không khí lạnh làm miền Bắc chuyển rét. Như vậy thời tiết dịp Tết tại Bắc Bộ đến Nghệ An nhiều khả năng có mưa nhỏ, mưa phùn vào đêm và sáng, trời rét.
Tuần trước Tết, tức 19-26 tháng Chạp, nền nhiệt độ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, chưa có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại.
Đến giai đoạn cuối Đông, dự báo không khí lạnh sẽ hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm nên khả năng xảy ra rét đậm, rét hại trong tháng 2-3/2024 ít hơn mọi năm. Tuy nhiên, cần đề phòng các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, nhất là trong tháng 2/2024, có thể gây rét đậm, rét hại trên diện rộng và nguy cơ xảy ra băng tuyết ở khu vực vùng núi cao Bắc Bộ. Ngoài ra, hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc Bộ trong mùa Đông Xuân 2023-2024 có khả năng xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm.
(Theo VTV)