Ngày từ khi xuất hiện đợt rét đậm đầu tiên vào nửa cuối tháng 12/2023 khi các huyên vùng cao như Mù Cang Chải, Trạm Tấu đã xuất hiện
băng giá, các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các huyện vùng cao đã chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các biện pháp che chắn chuồng trại, chăm sóc đàn vật nuôi.
Gia đình anh Giàng A Da - thôn Mù Thấp, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu có 6 con bò. Với gia đình anh thì đây là một tài sản lớn. Trước tình hình rét đậm, rét hại kéo dài, gia đình anh Da đã chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho đàn gia súc, không thả rông và che chắn chuồng trại. Anh Da còn được cán bộ nông lâm nghiệp xã hướng dẫn cách cho trâu, bò ăn thêm muối và bổ sung thức ăn tinh trong những giá rét.
Anh Da cho biết: "Nhờ cán bộ xã tuyên truyền trước đó và có kinh nghiệm chăn nuôi trong nhiều năm nên gia đình đã chủ động không thả rông gia súc, tích trữ thức ăn cho gia súc và che chắn chuồng trại ngay từ đầu đông. Mình cảm ơn cán bộ nhiều lắm!”.
Ngay trong những ngày rét đậm, nhiệt độ ở các xã vùng cao của huyện Trạm Tấu xuống dưới 5 độ C, Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Nguyễn Thành Hưng cùng lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ và hỗ trợ nông nghiệp huyện xuống tận thôn, bản, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc, cây trồng trên địa bàn.
Ông Hưng cho biết: Qua kiểm tra cho thấy, các xã, các ngành đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp chống rét, bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Các hộ dân đã có ý thức trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia súc, chủ động tích trữ cỏ và bổ sung thức ăn tinh cho gia súc, không thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp, che chắn chuồng trại đảm bảo giữ ấm cho vật nuôi. Trong đợt rét đậm vừa qua, Trạm Tấu chưa có trường hợp nào gia súc chết do đói, rét.
Không chỉ ở vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải, tại các huyện như Lục Yên, Văn Chấn, Yên Bình, Văn Yên..., công tác chỉ đạo phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc cũng được thực hiện quyết liệt. Ngay từ đầu vụ rét, các địa phương trong tỉnh đều thành lập ban chỉ đạo phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; ban hành kế hoạch phòng chống đói, rét và công văn tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống.
Cán bộ nông lâm nghiệp xã hướng dẫn người dân chủ động nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc; tận thu phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân, lá ngô, ngọn lá mía, dây khoai lang, lá sắn, cây lạc; áp dụng các biện pháp xử lý, chế biến để nâng cao giá trị dinh dưỡng của rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp, đảm bảo bình quân 5-7 kg rơm, rạ, cỏ khô/con/ngày trong thời gian giá rét; bổ sung muối ăn với lượng 15g/con/ngày (tương đương với 3 thìa cà phê) bằng cách hòa vào nước uống (nước ấm) cho trâu, bò uống. Đồng thời, chuẩn bị thức ăn tinh (cám ngô, cám gạo, bột sắn...) cho gia súc; trồng ngô dày làm thức ăn bổ sung cho trâu, bò trong những ngày giá rét.
Các cấp chính quyền và ngành chuyên môn tích cực hướng dẫn người dân gia cố, tu sửa, che chắn chuồng trại tránh gió lùa, không để mưa hắt vào, đảm bảo nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ; dự phòng các loại vật liệu để che chắn khi nhiệt độ xuống thấp như bạt, bao dứa, tấm nilon lớn hoặc tận dụng các nguyên vật liệu khác sẵn có tại địa phương; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng, xử lý chất thải, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh và vệ sinh môi trường xung quanh khu chăn nuôi để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh có thể xảy ra trên trâu, bò trong mùa giá rét.
Chị Lộc Thị Chuyên, thôn 10, xã Mường Lai, huyện Lục Yên cho biết: Chúng tôi thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, khí hậu, trong những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ dưới 12oC tuyệt đối không thả rông gia súc, không cho trâu bò đi cày, bừa; tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp để nâng cao sức đề kháng và khả năng chống chịu rét, dịch bệnh của gia súc. Nhà tôi cũng tận dụng bao tải, chăn cũ, làm áo chống rét cho trâu bò; dự trữ chất đốt như: củi, trấu... để đốt sưởi cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại. Sau mỗi đợt rét, cán bộ chuyên môn lại đến hướng dẫn các biện pháp chăm sóc để tăng sức đề kháng cho gia súc; chủ động phát hiện và phòng chống các dịch bệnh kịp thời.
Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Trong đợt rét đậm vừa qua, Yên Bái không có gia súc bị chết do đói, rét trong khi theo thống kê, các tỉnh miền núi phía Bắc có gần 800 con chết. Đây là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành; sự chủ động nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân các địa phương trong tỉnh về thay đổi tập quán chăn thả rông gia súc, chủ động bảo vệ "đầu cơ nghiệp”. Bài học về sự chủ động đã chứng minh hiệu quả.
Mạnh Cường