Để khẩn trương triển khai ứng phó với bão số 3, UBND huyện Yên Bình đã quán triệt các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn nghiêm túc thực hiện
Công điện số 10 ngày 04/9/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái,
Công văn hỏa tốc số 2083 ngày 05/9/2024 của Tỉnh ủy Yên Bái đồng thời ban hành Công điện số 10 ngày 04/9/2024 về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3, Công văn số 223 ngày 05/9/2024 về việc tập trung chỉ đạo sản xuất ứng phó với siêu bão YAGI.
Đến thời điểm này, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Yên Bình đã trực tiếp tới hiện trường 5 điểm sạt lở đất đá có khối lượng lớn ở các địa điểm: thôn Trung Tâm, xã Yên Thành; thôn Đồng Tâm, xã Phúc An; thôn Tân Lập, xã Hán Đà; thôn Đồng Tâm, xã Phú Thịnh và thôn Đèo Thao, xã Tân Nguyên.
Qua kiểm tra thực địa xác định, có 9 hộ dân thuộc thôn Trung Tâm, gần khu vực chợ xã Yên Thành đang có vết nứt đồi cung trượt dài 210m, chiều cao đã sạt lún là 2- 6m theo cung, chiều cao bình quân 45m, khối lượng 58.600 m3, có nguy cơ sạt lở đất xuống nhà dân và tỉnh lộ 170. Ở xã Hán Đà có 3 hộ dân thuộc thôn Tân Lập xuất hiện 2 vết nứt đồi có nguy cơ cao sạt lở. Ở xã Phú Thịnh, vết nứt trên sườn đồi Gò Thần, thôn Đồng Tâm (phía sau trụ sở UBND xã Phú Thịnh) có nguy cơ ảnh hưởng đến 12 hộ dân.
Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện cũng nắm bắt các điểm xung yếu có nguy cơ lũ ống, lũ quét tại các xã Bạch Hà, Vũ Linh, Cảm Nhân, Xuân Long, Bảo Ái, Phúc An; kiểm tra các điểm xung yếu có nguy cơ ngập lụt ở các thôn 3, 4, 6, xã Phú Thịnh do nước sông Hồng lên cao; các điểm có nguy cơ ngập lụt do Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà xả lũ tại các xã: Hán Đà, Đại Minh, Vĩnh Kiên, Yên Bình và thị trấn Thác Bà; các điểm nguy cơ ngập cục bộ tại xã Thịnh Hưng, thị trấn Yên Bình có thể gây ách tắc giao thông...
Theo ông Phạm Xuân Trường - Chủ tịch UBND xã Hán Đà, khu vực đồi cao thuộc thôn Tân Lập đang có tình trạng sạt, trượt đất có khối lượng khoảng 35.000m2 có nguy cơ ảnh hưởng đến 3 hộ dân và hệ thống giao thông liên quan. Hiện cũng có 4 thôn: Tiên Phong, Tân Lập, Hán Đà 1, Hán Đà 2 có nguy cơ bị ngập lụt trong trường hợp Nhà máy Thủy điện Thác Bà xả lũ.
Để đảm bảo công tác PCTT-TKCN, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên, nhân dân về phòng, chống thiên tai; vận động, tuyên truyền để người dân cảnh giác với nguy cơ sạt lở đất, ngập úng nhằm kịp thời di dời người, tài sản; huy động lực lượng "4 tại chỗ” túc trực 24/24 tại các vị trí trọng yếu, tại các thôn bản; sẵn sàng nhân lực và trang thiết bị để kịp thời ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp. Đặc biệt, xã đã khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng phương tiện đường thủy di chuyển trên sông, suối, lòng hồ để đánh bắt cá, vớt củi...
Để đảm bảo công tác ứng phó cơn bão số 3 tại địa phương, ông Lã Tuấn Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: Huyện xác định phương án ứng phó thiên tai quán triệt phương châm "4 tại chỗ” đáp ứng mục tiêu "ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”. Theo đó, Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện sẽ trực tiếp nắm bắt tình hình và chỉ huy các vụ việc cụ thể. Lực lượng huy động tại chỗ gồm Ban Chỉ huy Quân sự huyện, 2 trung đội dân quân cơ động của huyện với gần 60 người và các trung đội dân quân cơ động các xã, thị trấn; lực lượng từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội huyện, công an huyện. Cùng đó, huyện sẽ phối hợp huy động lực lượng Trung đoàn 174 và Trung đoàn 121, là những đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện.
Huyện Yên Bình là địa phương có diện tích mặt nước hồ lớn, có nhiều địa điểm ngập úng cục bộ nên huyện đã chỉ đạo chuẩn bị các phương tiện xuồng máy cao tốc, bảo đảm áo phao, nhà bạt... ; sẵn sàng huy động các trang thiết bị, vật tư của các đơn vị, doanh nghiệp đóng quân trên địa bàn phục vụ công tác phòng, chống thiên tai...
Đặc biệt, trong thời điểm cơn bão diễn ra, huyện khuyến cáo người dân không sử dụng các phương tiện đường thủy để di chuyển, đánh bắt cá trên hồ Thác Bà. Đối với cấp xã, huyện chỉ đạo bám sát địa bàn xung yếu, có nguy cao sạt lở, ngập úng để kịp thời nắm bắt tình hình, huy động lực lượng thanh niên xung kích, dân quân, tổ dân quân tự quản, công an, quân đội; huy động các hộ gia đình có ô tô, máy xúc, thuyền máy tham gia hoạt động phòng, chống thiên tai tại địa phương...
UBND huyện cũng đã kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ xử lý các điểm sạt lở lớn ở thôn Trung Tâm, xã Yên Thành và thôn Tân Lập, xã Hán Đà để sớm ổn định cuộc sống cho người dân.
Hoài Văn