Trấn Yên tuy là huyện vùng thấp nhưng lại là địa bàn có nhiều điểm nguy cơ sạt lở ta luy cao như: tuyến đường Hồng Ca - Lương Thịnh (điểm gần Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca); điểm sạt lở taluy âm trên tuyến đường Hưng Khánh - Hồng Ca tại thôn Bản Cọ; tại thôn Khuôn Bổ, khu vực đồi phía sau Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Hồng Ca.
Ngay sau khi có công điện của UBND tỉnh và chỉ đạo của huyện Trấn Yên, xã Hồng Ca đã chủ động triển khai các hoạt động: tuyên truyền 8 hộ dân có nguy cơ sạt lở taly di chuyển đến nơi an toàn trước khi bão đi vào đất liền; huy động máy xúc và lực lượng sẵn sàng ứng phó khi có sạt lở trên các tuyến đường; chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết sử dụng trong 7 ngày; tuyên truyền người dân thường xuyên cập nhật diễn biến của bão để có các phương án gia cố, chằng chống vật dụng trong gia đình, phát huy tinh thần tương thân tương ái tại khu dân cư.
Anh Vừ A Đấu, một hộ dân tại thôn Khuôn Bổ chia sẻ: "Qua các phương tiện thông tin đại chúng và xã tuyên truyền, gia đình tôi đã nhận thức được mức độ nguy hiểm của cơn bão số 3. Tôi đã liên hệ với nhà anh em ở nơi an toàn để khi bão đến gia đình tôi sẽ ở tạm, phòng tránh sạt ta luy. Không riêng gia đình tôi mà cả 8 hộ ở đây đều nhất trí di chuyển đến nơi an toàn để tránh bão”.
Hiện điểm Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Hồng Ca đã
tạm thời di dời đến điểm trường Mầm non Hồng Ca để đảm bảo an toàn. "Địa phương cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm dễ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua lại; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) xã cũng bố trí lực lượng, phương tiện trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai với 13 đội tại 13 thôn, trên 100 thành viên tham gia” - ông Hà Thanh Chương, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết.
Là địa phương có 3 đoạn đê bao (đê bà Cát Vân, ông Lộc, ông Thành) có nguy cơ sạt lở, thị trấn Cổ Phúc đã chủ động rà soát đoạn xung yếu, di dời 2 hộ tại khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Ông Nguyễn Ngọc Bắc - Chủ tịch UBND thị trấn Cổ Phúc cho biết: "Để chủ động ứng phó với bão và hoàn lưu sau bão, thị trấn yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và 11 tổ trưởng tổ dân phố chủ động theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ".
Thị trấn Cổ Phúc triển khai công tác phòng, chống lụt bão trên địa bàn, theo phương châm "bốn tại chỗ” không để bị động, bất ngờ.
Theo thống kê, trên toàn huyện Trấn Yên hiện có 7 khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở ta luy cao do hoàn lưu bão số 3 như: khu vực đang thi công kè chống sạt lở sông Hồng khu vực thị trấn Cổ Phúc; khu vực đang thi công ngầm số 2 xã Tân Đồng; điểm trên tỉnh lộ 166 đoạn qua địa phận xã Y Can - Quy Mông; các khu vực khai thác khoáng sản tại các xã Lương Thịnh, Hưng Khánh, Hưng Thịnh; các điểm tại xã Hồng Ca với tổng số 1.811 hộ có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi hoàn lưu cơn bão số 3, trong đó có 1.135 hộ trong vùng nguy cơ sạt lở đất.
Ngay sau khi có công điện của UBND tỉnh, huyện Trấn Yên đã triển khai các biện pháp ứng phó, đồng thời chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân và thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sống trong khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất, ngập úng chủ động phòng tránh, huy động lực lượng xung kích triển khai việc di dời các hộ dân đang sống ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN bố trí lực lượng, phương tiện trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Sáng 6/9, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Trấn Yên đã tổ chức 3 đoàn công tác đi kiểm tra tại các địa phương. Qua kiểm tra, các địa phương đã tổ chức họp triển khai các phương án ứng phó, huy động lực lượng dự kiến 2.818 người; chuẩn bị trên 300 phương tiện các loại, 74 bộ nhà bạt, trên 700 áo phao cứu sinh và các trang thiết bị khác nhằm chủ động ứng phó bão số 3.
Đồng chí Trần Ngọc Thư - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho hay: "Huyện đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống sạt lở ta luy tại những khu vực xung yếu dễ xảy ra sạt lở; chỉ đạo các địa phương cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm; bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua khu vực đã sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở hay các ngầm tràn; không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn; kiên quyết di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; nghiêm cấm người và vật nuôi ra vào khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời, các xã chủ động làm việc với các đơn vị khai thác khoáng sản có phương án chủ động đảm bảo an toàn các hồ chứa thải và an toàn cho các hộ dân sinh sống trong khu vực”.
Cùng với đó, huyện Trấn Yên cũng chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp khi mưa to kéo dài cần huy động lực lượng tại chỗ ứng trực các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở, huy động phương tiện để khắc phục hậu quả; Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các địa phương cần nghiêm túc trực 24/24h, thường xuyên cập nhập thông tin, dự báo diễn biến bão số 3 để thông báo, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, qua hệ thống tin nhắn, nhóm Zalo trên điện thoại, trên hệ điều hành để nhân dân biết.
Địa phương khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà khi bão đổ bộ, gia cố, bảo vệ mái nhà sử dụng vật liệu dễ bị tốc, vỡ; thu hoạch sớm hoặc che chắn bảo vệ rau màu, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Minh Huyền