Do chịu ảnh hưởng của bão số 3, nên các khu vực trong tỉnh Yên Bái từ đêm 07/9 đến ngày 08/9 có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa từ 19h ngày 07/9 đến 16h00 ngày 08/9 phổ biến từ 50 – 150mm, một số nơi cao hơn 400 mm như: Phình Hồ 413,8 mm;Tà Xi Láng 372 mm; Làng Nhì 332,6 mm; Suối Giàng 297,0 mm; Bản Mù 262,4 mm; Sơn Thịnh 235,8 mm; Xà Hồ 215 mm.
Trên sông Thao tại Yên Bái, lũ đang lên nhanh, mực nước lúc 16h/08/9 là 31,77m (trên BĐ2: 0,77 m). Trên ngòi Thia, lũ đang dao động ở mức cao, mực nước lúc 16h/08/9 là 45,81 m (trên báo động (BĐ) 2: 0,31 m). Trong 06 -12 giờ tới, lũ trên sông Thao tiếp tục lên, khả năng đạt mức BĐ3 vào đêm nay (08/9); lũ trên Ngòi Thia tiếp tuc ̣dao động ở mức cao.
Trong 12-24 giờ tới, lũ trên sông Thao tiếp tục lên; lũ trên sông Ngòi Thia tiếp tục dao động ở mức cao.
Theo Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thị xã, thành phố mưa lũ đã làm 1 người chết. Nạn nhân là cháu Sùng Thị Trang, 10 tuổi, thôn Suối Lót, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tử vong do sập nhà gỗ 3 gian đè vào người. .
Số nhà bị thiệt hại đã tăng lên 570 nhà ( thống kê lúc 11 giờ trưa nay là 439 nhà) trong đó: 2 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 3 nhà bị hư hỏng nặng; 32 nhà bị sạt lở, taluy ảnh hưởng; 306 nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn; 14 nhà bị ngập nước; 6 nhà bị tốc mái trên 70%, còn lại dưới 70%.
Mưa lớn đã làm trên 954 ha cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng; trong đó có 804,81 ha lúa; 118, 71 ha ngô, rau màu; 23 ha cây lâm nghiệp; trên 200 gia cầm, gia súc chết.
Mưa lớn làm sạt lở taluy âm ở quốc lộ 32 tại vị trí Km256+400 (chiều dài khoảng 15m, cao 3m); sạt lở taluy dương 01 vị trí Km147+500 (chiều dài khoảng 22m, rộng 8m; cao 2m) khối lượng sạt lở 352m3, hiện tại đã thông đường cho xe lưu thông; sạt lở taluy âm 01 vị trí Km233+750 khoảng 250m3 đất, hiện đang xử lý hót sụt để thông xe.
Trên đường tỉnh 174, mưa lớn làm sạt lở taluy dương vị trí Km20+100, cây đổ xuống đường, đất sụt tràn mặt đường gây tắc đường cục bộ, khối lượng dự kiến 90m3. Sạt lở taluy dương vị trí Km26+00, đất đá tràn mặt đường gây tắc đường cục bộ; sạt lở taluy dương vị trí Km29+700, cây đổ xuống đường, đất sụt tràn mặt đường gây tắc đường cục bộ.
Sạt lở taluy dương vị trí Km16+750, đường tỉnh 175B, đất đá sạt xuống mặt đường; sạt lở taluy dương vị trí Km17+900, đất đá sạt xuống mặt đường. Đường Sơn Thịnh – Suối Giàng sạt lở 17 vị trí.
Huyện Trạm Tấu đang là nơi chịu nhiều thiệt hại nhất về hạ tầng giao thông. Xã Tà Xi Láng xuất hiện nhiều điểm sạt lở tại các thôn Tà Cao, Chống Chùa, Tà Đằng; sạt lở nhiều điểm tại đường đi UBND xã. Xã Bản Mù, khu vực thôn Mảnh Tào bị ngập lụt (do nước lũ lớn) ảnh hưởng 9 hộ dân. Xã Làng Nhì sạt lở đất đá tại đường lên xã hướng Phình Hồ - Làng Nhì và hướng Bản Mù - Làng Nhì; cuốn trôi 01 cầu tạm từ Bản Cại đi thôn Tà Chơ và Chống Tầu; sạt lở đường của 02 thôn Chống Tầu, Tà Chơ khiến giao thông bị chia cắt.
Thị trấn Trạm Tấu sạt đường đi hướng thị trấn đến 2 thôn Bản Công, Sán Trá, xã Bản Công (tuyến đường độc đạo của thôn Bản Công). Xã Pá Hu, cầu Gái Bản nối liền Chống Tầu sang Pá Hu bị trôi 2 mố cầu không lưu thông được; sạt lở đường từ Km21 đi thôn Cang Dông; ước tính 30m3, không lưu thông được. Xã Hát Lừu sạt lở 02 điểm taluy dương tuyến đường từ cầu Hát Lừu và UBND xã Hát Lừu, khối lượng khoảng 50m3.
Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu bị sạt taluy dương với khối lượng đất đá khoảng 2.000m3 gây lấp toàn bộ lò đốt rác, lấp kín phòng giặt, hấp sấy dụng cụ; Vùi lấp không hoàn toàn 2 phòng đầu khu nhà Đại thể (Nhà xác); dãy nhà 3 tầng số 06 gẫy các cột trụ ở góc tầng 1 phía bên phải,; khu vực nhà vệ sinh tại tầng 1). Hiện đang khắc phục.
Tại huyện Văn Chấn, mưa lớn làm trôi 01 cầu phao dẫn vào thôn Đá Đen và thôn Khe Trầu xã An Lương, tạm thời chia cắt khoảng 30 hộ dân; Một số tuyến đường bị sạt lở (xã Nậm mười, Sùng Đô, Suối Giàng) nhưng không gây ách tắc hoàn toàn, hiện đang khắc phục. Mất điện hoàn toàn thôn Làng Cò, xã Nâm Mười, Văn Chân làm ảnh hưởng 120 hộ dân đang sinh sống.
Thị xã Nghĩa Lộ: Sạt lở đất xuống đường giao thông nông thôn ở thôn Nậm Đông, xã Nghĩa An; Ngập cục bộ một số tuyến đường giao thông (thôn 7 xã Nghĩa Lộ; bản Đoàn Kết, bản Vãn, xã Sơn An; Năm Hăn Thượng, xã Phù Nham; Khá Hạ, xã Thanh Lương; Đập tràn Phù Nham, đập tràn Nậm Đông, xã Nghĩa An).
Huyện Mù Cang Chải, đường 175B đoạn gần ngã ba vào Làng Sang bị sạt taluy dương gây ách tác giao thông không đi lại được; Đường giao thông nông thôn bị sạt lở nhiều đoạn hiện đang thống kê; lũ cuốn trôi cầu tạm Tu San 1, xã Nậm Có; ngầm tràn cầu bản Nậm Khắt, Pú Cang, cầu gỗ bản Cáng Dông, xã Nậm Khắt bị ngập sâu không đi qua lại được.
Huyện Trấn Yên, mưa lớn gây lũ trên các sông, suối làm ngập một số ngầm tràn và các tuyến đường tại các xã: Hồng Ca ngập 09 ngầm tràn, Tân Đồng ngập ngầm tràn số 3; Minh Quán ngập ngầm tràn đường vào UBND xã không đi qua lại được.
Huyện Lục Yên, xã Tân Lập có 02 điểm bị sạt lở với chiều dài 55 m, tổng khối lượng đất bị sạt lở ước khoảng 120 m3 , hiện tuyến đường giao thông đi lại bình thường. Xã Minh Tiến,1 điểm giao thông bị ách tắc do ngập úng (đoạn Km 10 đường Đông Hồ thuộc thôn Tồng Táng, xã Minh Tiến), hiện nay xã đã bố trí lực lượng hướng dẫn người dân đi lại tại điểm này (có đường tránh xe máy đi lại được).
Mưa lớn làm tường rào và pano tại cổng Ủy ban nhân dân xã Việt Cường, huyện Trấn Yên bị đổ sập; gẫy đổ nhiều cây xanh và các pano, biển báo trên các tuyến đường huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái.
2 công trình thủy lợi là thủy lợi Phai Mòn, thon Nậm Tăng, xã Thạch Lương, Nghĩa Lộ vỡ, gãy 2,5m, sạt lở giáp thành kênh 8m, hiện vẫn còn nguy cơ sạt lở và gãy tại kênh chính; thủy lợi Nà Cỏn Hươn xã Hát Lừu lũ cuốn trôi ống.
Kè bờ suối Thia sạt lở 40m và vẫn tiếp tục nguy cơ cao sạt lở đê, kè tại địa phận thôn Nậm To, xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ.
Ngoài ra, mưa lớn làm đổ, gẫy 20 cột điện hạ thế; 02 trạm thu phát sóng di động BTS của Mobifone tại xã Đông Cuông, Văn Yên mất sóng do sét đánh nguồn cấp điện trạm phát (đã khôi phục và trở lại hoạt động bình thường.
Ước thiệt hại khoảng 18 tỷ đồng
Trước diễn biến hoàn lưu cơn bão số 3, đến nay, toàn tỉnh đã huy động các lượng lượng tham gia khắc phục hậu quả trên 609 người (bộ đội 55 người; dân quân 257 người và lực lượng khác 297 người) để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Về phương tiện đã huy động phương tiện của Công ty Quản lý đường bộ và các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn (máy xúc, xe ô tô, máy bơm nước….) tập trung hót đất, đá sạt lở để đảm bảo thông các tuyến đường và hót đất đá bồi lấp, vệ sinh môi trường.
Công tác di dời các hộ bị ảnh hưởng và rà soát các hộ phải di dời được triển khau nhanh chóng. Đối với 294 nhà phải di dời khẩn cấp đã tổ chức di dời và bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ tại các nhà văn hóa, trụ sở Ủy ban nhân xã và xen ghép vào các hộ gia đình không bị ảnh hưởng.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương:
Thăm hỏi hỗ trợ, động viên gia đình có người bị chết, người bị thương và mất nhà, tài sản; tiếp tục rà soát, di dời các hộ dân ở những khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn. Chỉ đạo chính quyền các huyện, thị xã, thành phố; các xã, thị trấn cùng với nhân dân khẩn trương tìm quỹ đất xây dựng nhà mới cho số hộ dân bị mất nhà cửa, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
Tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức kiểm tra, rà soát, cảnh báo những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, các công trình giao thông, thủy lợi có nguy cơ mất an toàn; thông báo đến các thôn bản và người dân biết để chủ động phương án phòng ngừa; nghiêm cấm mọi phương tiện và người dân đi qua nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; tuyên truyền, vận động nhân dân không đi lại, xúc cá, vớt củi khi có mưa lũ.
Thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo ổn định đời sống cho các hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai. Tổ chức tiếp nhận tiền, hàng hóa cứu trợ và phân bổ hỗ trợ kịp thời cho nhân dân đảm bảo công bằng, minh bạch, khách quan.
Tổ chức khắc phục các công trình giao thông đảm bảo thông suốt, các công trình thủy lợi đảm bảo cho sản xuất, các công trình điện, nước sạch đảm bảo đời sống nhân dân; có biện pháp khắc phục sản xuất các diện tích đất sản xuất nông nghiệp bi ảnh hưởng.
Tăng cường công tác nắm tình hình, đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, chủ động giải quyết kịp thời, dứt điểm những phát sinh ngay từ cơ sở. Làm tốt công tác thông tin liên lạc phục vụ tìm kiếm cứu nạn.
Tiếp tục chỉ đạo rà soát thống kê toàn bộ thiệt hại do đợt mưa lũ gây ra, đề xuất và tổ chức thực hiện các giải pháp khắc phục.
Văn Tuấn