Về con người, bão đã khiến 11 người tử vong do sạt lở đất vào nhà và 6 người khác bị thương. Đây là những mất mát đau lòng, đánh dấu những tổn thất nhân mạng trong chuỗi thiên tai liên tiếp mà huyện phải gánh chịu.
Bên cạnh đó, thiệt hại về nhà ở cũng rất đáng lo ngại, theo thống kê sơ bộ đã có 2.019 hộ dân phải di dời, 53 căn nhà bị sập đổ hoàn toàn, 495 nhà bị sạt taluy dương, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân; 1.200 ngôi nhà bị ngập nước.
Mưa lũ cũng tàn phá nặng nề hệ thống giao thông của huyện Lục Yên. Tổng cộng có 102 điểm bị sạt lở, trong đó có 6 điểm trên quốc lộ 70 và nhiều điểm khác trên các tuyến đường xã, thôn. Những tuyến đường huyết mạch nối liền giữa các xã, thôn đã bị cắt đứt, gây khó khăn lớn trong việc di chuyển và vận chuyển hàng hóa.
Nhiều xã bị cô lập, không thể tiếp cận được, đặc biệt là những vùng bị ngập úng sâu. Một số tuyến đường tỉnh lộ, như tỉnh lộ 171 và tuyến Tân Lĩnh – Minh Chuẩn, cũng bị ngập lụt với 35 điểm ngập, gây khó khăn cho việc cứu trợ và tiếp cận hiện trường.
Các cây cầu, ngầm tràn cũng không thoát khỏi tình trạng ngập úng, làm cô lập hoàn toàn các thôn xã, khiến việc ứng cứu và di chuyển gặp nhiều trở ngại. Bão lũ không chỉ làm gián đoạn giao thông mà còn gây ra thiệt hại lớn về hạ tầng điện và viễn thông. Huyện ghi nhận 33 cột bê tông bị gãy đổ, cùng với 1000 mét cáp viễn thông bị đứt.
Đặc biệt, một cột viễn thông cao 42 mét bị nghiêng đổ, khiến liên lạc tại 5 trạm BTS bị gián đoạn. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng liên lạc và hỗ trợ khẩn cấp trong vùng.
Đến nay, trạm BTS tại Tân Phượng 1 vẫn chưa thể kết nối lại do nước lũ dâng cao, gây ngập úng nghiêm trọng. 12 xã trên địa bàn huyện cũng đang trong tình trạng mất điện, làm cho cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn hơn.
Ngay sau khi cơn bão qua đi, chính quyền huyện Lục Yên đã khẩn trương tổ chức các hoạt động kiểm tra, hỗ trợ khắc phục hậu quả. Các lực lượng tại chỗ, bao gồm công an, quân đội, dân quân tự vệ, và nhân dân, đã được huy động tối đa để giúp đỡ các hộ dân bị ảnh hưởng.
Hơn 1.148 người cùng với các trang thiết bị như máy cưa, máy cẩu, đã được triển khai để khắc phục những thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã chú trọng thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết và bị thương, đồng thời đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ theo quy định.
Đoàn công tác của tỉnh do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước dẫn đầu chỉ đạo trực tiếp công tác khắc phục hậu quả mưa lũ ở Lục Yên
Các lực lượng cũng tham gia giải tỏa các tuyến đường bị sạt lở để nhanh chóng khôi phục lại lưu thông. Trong các khu vực bị cô lập do ngập lụt và sạt lở, chính quyền đã bố trí lực lượng canh gác để đảm bảo an toàn, đồng thời kịp thời thông tin đến người dân về tình hình hiện tại.
Với những điểm sạt lở ít, lực lượng xung kích đã nhanh chóng khắc phục, đảm bảo giao thông tạm thời để người dân có thể di chuyển trong khu vực.
Trong thời điểm khắc nghiệt này, không thể không nhắc đến những hành động đầy nhân văn của cộng đồng. Các thầy cô giáo Trường tiểu học Trần Phú đã góp gạo, nấu cơm hỗ trợ những gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Người dân xã Minh Tiến đưa xuồng đến các vùng ngập lụt để cứu trợ, tiếp tế người dân ở các khu vực đang bị cô lập.
Những phần quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa này đã góp phần xoa dịu nỗi đau và khó khăn của các hộ dân, thể hiện tinh thần "lá lành đùm lá rách" truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Thiên tai không chỉ gây ra thiệt hại vật chất mà còn để lại những vết thương tinh thần khó lành. Tuy nhiên, với sự đoàn kết của chính quyền và nhân dân huyện Lục Yên, những nỗ lực khắc phục hậu quả đang được triển khai quyết liệt và hiệu quả.
Những hành động kịp thời trong việc cứu hộ, hỗ trợ đã và sẽ giúp người dân vượt qua những thời điểm khó khăn nhất.
Anh Dũng