Theo báo cáo của Sở TT-TT tỉnh, mưa lũ những ngày qua trên địa bàn ở một số huyện, thành phố Yên Bái đã khiến hạ tầng bưu chính, viễn thông bị thiệt hại. Toàn tỉnh có 639 trạm thu phát sóng di động (gọi tắt là trạm BTS) bị ảnh hưởng, sự cố mất điện và một số tuyến cáp quang bị đứt cũng đã làm gián đoạn công tác truyền tín hiệu.
Để đảm bảo an toàn điện cho người dân các vùng ngập úng, sạt lở đất và ngăn ngừa sự cố lưới điện tại các địa phương, các điện lực trực thuộc Công ty Điện lực Yên Bái đã chủ động tạm dừng cấp điện. Mất điện đồng nghĩa với nhiều trạm BTS của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn không thể phát sóng.
Ngay tại thành phố Yên Bái, nhiều khu vực thông tin liên lạc cũng bị gián đoạn do mạng 4G bị mất. Chị Lê Thị Hồng Dương ở phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái cho biết: "Mấy ngày nay, tôi như ngồi trên đống lửa khi nước lũ dâng cao, sóng di động phập phù nên tôi rất khó có thể thông tin liên lạc với người thân đang ở trong khu vực phường Hồng Hà, nơi ngập chìm trong nước. Tôi cũng khó vào các trang mạng để đọc báo, hay nắm tình hình thông tin do không có sóng 4G”.
Là nhà mạng có số trạm BTS gặp sự cố nhiều nhất trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Viettel Yên Bái đã có 312 trạm gặp sự cố do mất điện. Một số mã trạm BTS trong khu vực bị ngập, cô lập phải tắt sóng để đảm bảo an toàn cho người dân; trong đó, tại huyện Văn Yên có 80 trạm và thành phố Yên Bái nhiều nhất với 116 trạm...
VNPT Yên Bái cũng là doanh nghiệp viễn thông bị ảnh hưởng sự cố trạm BTS do mưa lũ với 252 trạm.
Do mưa lớn, lũ nhiều khu vực bị cô lập, sạt lở đã gây thiệt hại, ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống đường truyền viễn thông, gây gián đoạn thông tin của các tổ chức, cá nhân. Hiện tại, một số vị trí do nước ngập, chia cắt giao thông bị cô lập, cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp viễn thông chưa thể tiếp cận được để thực hiện công tác "nối mạch" thông tin.
Trong các cuộc họp nhanh chỉ đạo ứng phó, khắc phục thiên tai khẩn cấp, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều nhấn mạnh việc phải đảm bảo an toàn cao nhất về người là ưu tiên số 1. Song song với đó là đảm bảo thông tin thông suốt để người dân trong vùng lũ gặp nguy hiểm phát tín hiệu cấp cứu và cũng để chính quyền, lực lượng cứu hộ dễ dàng nắm được thông tin, ứng cứu kịp thời.
Xác định được nhiệm vụ trong tình huống thiên tai khẩn cấp, Sở TT-TT tỉnh đã họp bàn và chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn chủ động tiếp cận hiện trường, báo cáo kịp thời những thiệt hại với Sở và chỉ đạo UBND các địa phương thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ”; đồng thời xây dựng phương án, tập trung huy động mọi nguồn lực và tổ chức khắc phục sự cố.
Đơn cử đối với Viettel Yên Bái, đơn vị đã thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương đặt tại tòa nhà Viettel Yên Bình từ ngày 8/9 để chỉ đạo mọi hoạt động của doanh nghiệp do trụ sở chính bị ngập sâu. Toàn bộ cán bộ, nhân viên, công nhân kỹ thuật của Viettel đang chạy đua với thời gian để sửa chữa, khắc phục sự cố đảm bảo công tác thông tin liên lạc của tỉnh đến các địa phương. Hiện tại, riêng với các khu vực vừa bị ngập, trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, Viettel phấn đấu có điện là có mạng để đảm bảo thông tin liên lạc cho tất cả khách hàng.
Ngoài ra, Viettel Yên Bái cũng thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng do mưa lũ như: cộng tài khoản khuyến mại cho trên 100.000 khách hàng bị ảnh hưởng mất sóng từ ngày 10 - 12/9 với 20.000 đồng/khách hàng, giá trị tặng 2 tỷ đồng; tặng cho khách hàng đang dùng wifi bị đứt dây, hỏng thiết bị mỗi khách hàng 5Gb data 4G trong 7 ngày, với 50.000 đồng/khách hàng, tổng giá trị khoảng 450 triệu đồng. Từ ngày 10/9, đơn vị triển khai Roaming dùng chung sóng các nhà mạng trên địa bàn.
Cùng với đó, Viettel Yên Bái đã triển khai 9 điểm phục vụ sạc pin và chăm sóc khách hàng không có điện và mở lại 8/9 cửa hàng phục vụ tại các địa phương trên địa bàn. Đến nay, cơ bản những nơi có điện lưới đều đã có sóng di động, nhiều nơi chưa có điện nhưng các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai các giải pháp như máy phát điện, pin dự phòng để duy trì hoạt động của các trạm BTS.
Theo thống kê đến 6h ngày 13/9, toàn tỉnh có 652 trạm BTS bị ảnh hưởng, sự cố (trong đó: VNPT: 252 trạm, Viettel 312 trạm, Mobifone: 88 trạm). Sở TT-TT đã tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp xử lý, khắc phục, đến nay đã khắc phục được 570/652 trạm (VNPT 288; Viettel: 277; Mobifone: 65); chưa khắc phục: 82 trạm (VNPT: 24 trạm; Viettel: 35 trạm; Mobifone: 23 trạm).
Ông Nguyễn Thúc Mạnh - Phó Giám đốc Sở TT-TT tỉnh cho biết: Để nhanh chóng khắc phục những thiệt hại, đảm bảo thông tin liên lạc sau mưa lũ, Sở tập trung chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông huy động nhân lực, vật lực khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục sự cố mạng lưới viễn thông của đơn vị. Phấn đấu hoàn thành việc khắc phục, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt sớm nhất có thể.
Các đơn vị viễn thông chú trọng xử lý khắc phục ngay tại các địa phương có nhiều thiệt hại về cơ sở vật chất, con người, nhiều trạm BTS bị sự cố, mất liên lạc; đồng thời ưu tiên các khu vực trọng điểm như: Thành ủy, UBND thành phố Yên Bái; UBND các xã, phường, thị trấn để phục vụ công tác chỉ huy, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong chỉ đạo khắc phục bão lũ.
"Sở cũng phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông trong quá trình khắc phục sự cố về thông tin liên lạc để khôi phục lại toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc thông suốt trên địa bàn đảm bảo an toàn” - ông Mạnh nói.
Thu Hiền