Yên Bái khắc phục hậu quả cơn bão số 3 - Bài 1: Xót xa sau thiên tai

  • Cập nhật: Chủ nhật, 15/9/2024 | 3:59:41 PM

YênBái - Có lẽ chưa bao giờ, Yên Bái phải chịu một đợt thiên tai khủng khiếp đến thế. Hoàn lưu của cơn bão số 3 đã gây ngập lụt trên diện rộng khi mực nước sông Hồng đạt đỉnh ở cao nhất từ trước đến nay 35,73 m, trên báo động 3 là 3,73m (trên mức lũ lịch sử năm 1968 là 34,42m). Sạt lở đất liên tiếp xảy ra khiến nhiều người thiệt mạng, mất nhà cửa, nhiều gia đình phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn; nhiều công trình công cộng, đê điều, cầu cống bị phá hủy, hư hỏng nặng. Ước giá trị thiệt hại khoảng 4.635 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn kiểm tra công tác chỉ đạo khắc phục thiên tai trên địa bàn thành phố Yên Bái
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn kiểm tra công tác chỉ đạo khắc phục thiên tai trên địa bàn thành phố Yên Bái

Nỗi đau xé lòng

Khoảng 4 giờ sáng ngày 10/9, khi cả gia đình anh Sa Văn Ánh, thôn Bảo Tân, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đang chìm trong giấc ngủ thì vạt đồi phía sau nhà ập xuống, vượt qua cái ao rộng vài trăm mét vuông, vùi lấp và gây sập đổ một phần ngôi nhà của gia đình. Song đau thương nhất là cả 4 người trong gia đình không còn ai sống sót. Các lực lượng cứu hộ cùng chính quyền và người dân địa phương phải mất nhiều giờ sau mới tìm được thi thể 4 nạn nhân gồm anh Sa Văn Ánh, chị Hoàng Thị H (vợ anh Ánh) và 2 con là cháu Sa Văn T (5 tuổi), Sa Văn K (3 tháng tuổi). 

Ông Nguyễn Hữu Lợi – Chủ tịch UBND xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái cho biết: "Nghe tin sập đất, xã đã huy động lực lượng tập trung bới lớp đất đá, soi đèn tìm người sống sót nhưng do lớp bùn quá dày, phải mất 5 giờ sau, mới tìm thấy cả gia đình 4 người nằm ở góc tường. Lúc phát hiện hai cháu bé vẫn nằm trong vòng tay của bố mẹ. Xót xa lắm! Các nạn nhân sau đó được đưa về quê Sơn La để mai táng trong khi trời vẫn mưa không ngớt".

Đôi mắt đỏ hoe, ông Phạm Cả, ở thành phố Huế cứ nhìn mãi vào đống đổ nát do sạt lở đất tại Km 2, đường Điện Biên thành phố Yên Bái vào tối 10/9 với hy vọng 2 người con trai của mình không nằm lại ở đó. Hai con trai của ông từ thành phố Huế ra Yên Bái thuê cửa hàng là dịch vụ độ đèn xe ô tô, không may quả đồi phía sau sạt xuống làm sập đổ hoàn toàn ngôi nhà này và những nhà xung quanh. 

Nghe tin Yên Bái mưa to, sạt lở đất nhiều, từ trong Huế, ông rất lo lắng cho hai con nhưng gọi điện mãi mà không thấy đứa nào nghe máy. Linh tính báo điều chẳng lành, ông lặn lội đi xe khách ra đây để tìm hai con với hy vọng chúng đi đâu đó vài ngày, điện thoại không có sóng, rồi chúng nó sẽ gọi lại cho mình.

Nhưng phép màu đã không xảy ra. Nhìn vào đống đất với hàng nghìn mét khối sập xuống ngôi nhà, với linh tính mách bảo của người cha, ông biết hai con trai đã nằm lại trong đó. Ông Cả nghẹn ngào gọi các con: "Con ơi, sao lại thế này, đi về Huế với cha thôi!”. 


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy chia sẻ nỗi đau mất người thân của gia đình ông Phạm Cả ở thành phố Huế có hai con bị thiệt mạng trong đợt thiên tai này

Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy hai con ông Cả trong đống đổ nát. Khi rời Huế, chúng là những chàng trai khỏe mạnh mà ngày trở về bên cha chỉ còn là hai hũ tro cốt. Nhận lại thi thể hai con, dù xót xa song ông Cả cũng không quên nói lời cảm ơn các lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái đã nỗ lực hết mình trong thời tiết mưa gió để đưa các con về với gia đình. 

Không chỉ sạt đất, nước sông Hồng dâng lên rất cao và nhanh đã khiến nhiều khu vực ở thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên chìm trong biển nước. Đã từng bị ngập lụt và chủ động trong phòng chống song nhiều hộ dân tại khu vực đường Thanh Niên, phường Hồng Hà thành phố Yên Bái cũng không thể ngờ nước dâng cao đến thế, nhiều ngôi nhà đã ngập chìm trong nước, nhiều hộ nước dâng đến tầng 2. Nhiều khu vực nội thị thành phố nước dâng cao đến hơn 2m; nhiều địa phương trong thành phố chìm trong biển nước, bị cô lập nhiều ngày.

Ước thiệt hại khoảng 4.635 tỷ đồng

Hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây ảnh hưởng trực tiếp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đối với khu vực dọc sông Hồng (gồm các huyện Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái), mưa lớn cùng với lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Hồng đổ về gây ngập úng, giềnh nước kéo dài. Ddặc biệt trên địa bàn thành phố Yên Bái có 15/15 phường, xã bị ngập, đe dọa nguy cơ sập cầu Yên Bái; trong đó có 8 xã, phường  bị ngập hoàn toàn; huyện Trấn Yên có 12 xã bị cô lập do ngập nước và nhiều xã của huyện Văn Yên ngập sâu. 

Đối với khu vực sông Chảy (gồm 16 xã của huyện Lục Yên và 22 xã của huyện Yên Bình), mưa lớn cùng nước từ thượng nguồn đổ về dẫn đến mực nước hồ Thác Bà lên nhanh. Thời điểm ngày 10/9, nước hồ Thác Bà dâng cao, có nguy cơ vỡ đập Thủy điện. 

Đối với khu vực các huyện phía Tây (gồm Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu) do địa hình chia cắt bởi các suối, ngòi, nhiều dãy núi cao, lượng mưa lớn, kéo dài nhiều ngày, toàn bộ lượng nước mưa đổ về ngòi Thia gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại nhiều điểm. Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mưa lớn đã khiến toàn tỉnh có 2.700 điểm sạt lở đất tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố, riêng thành phố Yên Bái có gần 1 000 điểm sạt. 

Đặc biệt, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Tân Phượng, huyện Lục Yên làm chết 9 người. Tính đến 7 giờ ngày 15/9, thiên tai đã 54 người bị chết và mất tích, trong đó chết do sạt lở đất 50 người, do ngập lụt 3 người; 36 người bị thương; thiệt hại 23.535 nhà ở; thiệt hại, ảnh hưởng 5.369 ha cây trồng; 214.684 con gia súc, gia cầm bị chết; 494 ha diện tích nuôi cá truyền thống bị lũ tràn qua và vỡ bờ... 


Khu vực sạt lở đất nghiêm trọng tại Km 2, đường Điện Biên, thành phố Yên Bái.

Thiệt hại về hạ tầng giao thông, công trình công cộng, các tuyến đường quốc lộ sạt lở taluy dương 212 vị trí, tổng khối lượng khoảng 67.171 m3. Đường tỉnh sạt lở taluy dương với khối lượng khoảng 186.305 m3, sạt lở taluy âm 395 m3/21 vị trí. Các tuyến đường giao thông cơ sở bị sạt lở trên 1.000 điểm với tổng khối lượng đất đá khoảng 1.082.000 m3.179 công trình thủy lợi hư hỏng nặng, kè suối Thia sạt lở 40m. ZNhiều trường học, bệnh viện và trung tâm y tế bị sạt lở, ngập úng; một số khu vực bị ngập úng xảy ra mất điện, mất nước sinh hoạt kéo dài. 

Lưới điện 110 KV có 5 vị trí cột có nguy cơ sạt lở cao; 20 cột điện cao, trung áp bị đổ, gãy và 3.827 m dây cột cao, trung áp bị đứt; 208 cột hạ áp bị sạt lở, nghiêng, rạn nứt, gãy đổ và 10.000m dây bị đứt; 653 trạm thu phát sóng di động BTS bị ảnh hưởng mất liên lạc. Hư hỏng 1.013 ô tô, 30.000 xe máy; các tài sản khác của các hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp bị ngập, sạt lở đất chưa xác định được. Tổng giá trị thiệt hại ước tính 4.635 tỷ đồng. 

Sau thiên tai, toàn tỉnh đã huy động gần 105.000 người tham gia khắc phục hậu quả của thiên tai; huy động 129 máy xúc, 14 máy ủi, 322 ô tô, 63 xuồng máy, 24 thuyền máy, 11 thuyền nan, 38 máy phát điện, 168 máy cưa xăng…. Các lực lượng đã tập trung hót đất, đá sạt lở để đảm bảo thông các tuyến đường và hót đất đá bồi lấp, vệ sinh môi trường.... 

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Chỉ đạo tiếp tục rà soát, tìm kiếm quỹ đất để bố trí làm nơi ở mới cho các hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi, sập hoàn toàn; nhà phải di dời khẩn cấp. 

Đồng thời, hỗ trợ cho các gia đình có người bị chết 25.000.000 đồng/người, gia đình có người bị thương 5.000.000 đồng/người, gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn là 40.triệu đồng/hộ, nhà bị hư hỏng nặng là 20 triệu đồng/hộ. 

Tỉnh đã thực hiện di dời và bố trí chỗ ở tạm thời về nhà người thân đối với 171 nhà bị sập đổ hoàn toàn. Đối với 14.080 nhà phải di dời người và tài sản đã bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ gia đình tại các nhà văn hóa, trụ sở ủy ban nhân dân xã và xen ghép vào các hộ gia đình không bị ảnh hưởng. Hiện tại có 8.315 hộ quay về nhà sau khi nước rút và giảm nguy cơ sạt lở. 

Đến nay đã đảm bảo giao thông bước 1 của một số tuyến đường trọng yếu, tuyến quốc lộ 32, 2D, 32C lưu thông bình thường; khôi phục hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống điện cho các vùng bị thiệt hại. Các lực lượng tổ chức hót dọn hàng triệu mét khối bùn đất và hỗ trợ nhân dân di chuyển đồ đạc, tài sản, dựng lại nhà cửa để ổn định cuộc sống, sản xuất. 

16/21 trạm y tế bị ngập lụt đã khắc phục và tổ chức khám chữa bệnh. Ngành y tế đã sử dụng 704 kg Cloramin B, 800 viên Aquatasb cho hoạt động khử khuẩn, xử lý nguồn nước, vệ sinh môi trường cho các đơn vị, hộ gia đình, tiến hành phun thanh khiết môi trường và xử lý giếng nước bị ngập.

Hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây hậu quả rất nặng nề cho tỉnh Yên Bái song cũng rất nhanh, công tác ứng cứu đã được triển khai kịp thời, hiệu quả theo đúng phương châm "4 tại chỗ". Cấp ủy hành động, chính quyền và ngành chức năng phản ứng nhanh trước mất mát của nhân dân và sự vào cuộc của cả cộng đồng đã tạo nên một nhịp "kết đoàn" ngay giữa trong những ngày bão tố, dần xoa dịu những mất mát, đau thương, đưa cuộc sống của người dân sớm trở lại bình thường như trước thiên tai.

Mạnh Cường

(Bài 2: Nỗ lực lớn,  quyết tâm cao, hành động quyết liệt)

Tags Yên Bái bão số 3 thiên tai sạt lở đất ngập lụt thành phố Yên Bái

Các tin khác
Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà xả lũ từ 9h ngày 15/9/2024.

Ngày 15/9, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà bắt đầu tăng cửa xả lũ qua đập công trình Thủy điện Thác Bà, lưu lượng qua đập tràn 1.280m3/s; tổng lưu lượng nước xả và phát qua 2 tổ máy xuống hạ lưu 1.550m3/s. Mực nước hạ lưu sẽ tăng lên từ 2m đến 3m so với thời điểm hiện tại.

Sáng nay – 15/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 26 tỉnh, thành phía Bắc địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (Yagi) về tình hình hậu quả, thiệt hại do bão và hoàn lưu bão; triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng diễn ra chậm.

Theo dự báo, quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng diễn ra chậm, nên tình trạng ngập còn diễn ra tại các vùng trũng, vùng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê.

Tìm kiếm nạn nhân trong sự cố sập cầu Phong Châu, ngày 14-9.

Ngày 14-9, tại khu vực cầu Phong Châu bị sập, nước sông Hồng đã rút nhiều, lực lượng chức năng gồm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ, Lữ đoàn 543 (Quân khu 2), Lữ đoàn 249 (Bộ Quốc phòng), huyện Lâm Thao, Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) tiếp tục tổ chức trục vớt phần dầm cầu bị rơi xuống sông và tìm kiếm 8 nạn nhân mất tích.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục