Hai kịch bản vào đất liền của bão số 4

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/9/2024 | 6:05:33 PM

Áp thấp nhiệt đới hình thành ở vùng biển phía đông Philippines dự báo đi vào Biển Đông trong ngày mai (17/9), mạnh lên thành bão khoảng ngày 18/9, sau đó có thể xảy ra hai kịch bản đổ bộ đất liền nước ta.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia chia sẻ về áp thấp nhiệt đới.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia chia sẻ về áp thấp nhiệt đới.

Vào 13h chiều nay (16/9), tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 123,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía đông đảo Luzon của Philippines với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), giật cấp 9.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia), khoảng sáng ngày 17/9, áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào Biển Đông. Tuy nhiên, do gặp điều kiện môi trường không thuận lợi (phải chia sẻ lượng ẩm và năng lượng cho cơn bão đang hoạt động ở Tây Bắc Thái Bình Dương) nên áp thấp nhiệt đới mất 1-2 ngày để ổn định cấu trúc sau khi vào Biển Đông.

Dự báo khoảng 18/9, áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, tiến về giữa Biển Đông, gần khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo ông Hưởng, khi đến khu vực này, đường đi của bão sẽ rất phức tạp do sự biến động của dòng dẫn đường quy mô lớn từ áp cao cận nhiệt đới và tác động của không khí lạnh từ sau ngày 19/9.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định 2 kịch bản có thể xảy ra.

Ở kịch bản thứ nhất, bão sẽ di chuyển thẳng vào khu vực miền Trung nước ta, trọng tâm là các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ. Theo kịch bản này, bão sẽ ảnh hưởng khá sớm đến đất liền nước ta, khoảng ngày 19-20/9.

Kịch bản thứ hai, khi đi đến khu vực quần đảo Hoàng Sa, bão đổi hướng tây tây bắc, tiến về khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ của nước ta. Với kịch bản này, bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta vào cuối tuần này.

Về cường độ của bão, theo nhận định của Việt Nam và các đài khí tượng lớn trên thế giới, sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, phụ thuộc vào sự chi phối của nhiều điều kiện. Tuy nhiên, cơn bão này ít có khả năng bùng nổ và mạnh như siêu bão YAGI.

Ông Hưởng lưu ý, từ sáng ngày 17/9, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía đông của khu vực Bắc Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9 (75-88km/h), biển động, sóng biển cao từ 2-4m. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Các chuyên gia cũng lưu ý, do đường đi và cường độ của bão diễn biến rất phức tạp, cần liên tục cập nhật các bản tin dự báo mới nhất.

(Theo TPO)

Các tin khác
Lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy và lãnh đạo tỉnh Yên Bái  chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại thành phố Yên Bái.

Thời gian gần đây, những diễn biến cực đoan của thời tiết đã gây nên nhiều cơn bão kèm theo mưa lũ dồn dập đổ bộ vào nước ta với cường độ “cơn sau mạnh hơn cơn trước”. Điển hình là hoàn lưu của siêu bão số 3 đã tàn phá nặng nề về người và tài sản của nhiều tỉnh, thành phía Bắc, trong đó có Yên Bái.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 hỗ trợ nhu yếu phẩm cho gia đình ông Hoàng Văn Bình .

Nhằm kịp thời hỗ trợ nhân dân vùng lũ tỉnh Yên Bái, Quân khu 2 đã huy động cán bộ, chiến sĩ thuộc nhiều đơn vị trực thuộc, huy động tối đa nhân lực, vật lực tham gia hỗ trợ nhân dân, chính quyền địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại vùng lũ Yên Bái đã xuất hiện nhiều hình ảnh đẹp, thắm tình quân dân.

Người dân cuốc bộ, băng rừng tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân Tân Phượng trong những ngày bị cô lập

Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề đối với xã vùng cao Tân Phượng, Lục Yên, Yên Bái. Mưa lũ, sạt lở núi đã làm 2 người ở thôn Khe Bín thiệt mạng, 16 ngôi nhà bị sập và hư hỏng nặng, 6 nhà bị sạt taluy, tuyến đường giao thông từ Lâm Thượng lên Tân Phượng bị ách tắc nghiêm trọng, Tân Phượng bị cô lập. Địa phương vùng cao này đã phát huy cao độ phương châm "4 tại chỗ" để khắc phục hậu quả thiên tai.

Dự báo hướng đi của áp thấp nhiệt đới gần biển Đông. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông có thể mạnh lên thành bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện gửi các bộ ngành, địa phương để ứng phó.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục