Hoàn lưu bão số 3 (Yagi) đã gây hậu quả hết sức nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khắc phục khó khăn, hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại với không khí lao động khẩn trương để kịp hoàn thành sản phẩm cho các chuyến hàng xuất xưởng.
Những ngày này, hơn 70 công nhân của Công ty TNHH Ngành gỗ Sâm Duệ Việt Nam ở thị trấn Yên Bình đã quay trở lại làm việc bình thường. Bà Nguyễn Hồng Hạnh - Phó Giám đốc Công ty cho biết: "Với sự chủ động theo phương châm "bốn tại chỗ", mưa bão đã không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của Công ty. Đến ngày 13/9, Công ty đã trở lại hoạt động sản xuất bình thường. Để đạt doanh thu trên 130 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 13 tỷ đồng, doanh nghiệp tiếp tục tập trung mở rộng sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, đối tác mới, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm để duy trì các thị trường đã có”.
Tại Công ty TNHH Unico Global YB, Khu Công nghiệp Âu Lâu, sau một tuần gián đoạn sản xuất do ảnh hưởng mưa bão, đến nay, 95% công nhân trong tổng số 1.300 công nhân của đã có mặt tham gia vào các dây chuyền sản xuất với không khí lao động khẩn trương để kịp hoàn thành sản phẩm cho các đơn hàng xuất khẩu. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, do chủ động các biện pháp phòng tránh nên Công ty không bị ảnh hưởng cũng như thiệt hại do mưa lũ. Tuy nhiên, người lao động của Công ty hiện gặp nhiều khó khăn trong công tác khắc phục sau lũ, đặc biệt là mất nhà, mất tài sản, đời sống nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đang tổng hợp thiệt hại cụ thể để Công ty và Công đoàn Công ty có chính sách hỗ trợ người lao động để họ yên tâm sản xuất.
Hiện nay, trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh có tổng số 85 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng mức đầu tư 14.229 tỷ đồng, trong đó có 47 dự án chạy thử, đi vào hoạt động sản xuất. Các doanh nghiệp trong các KCN đang giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động.
Để ứng phó với bão số 3, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư hạ tầng KCN cùng các doanh nghiệp tăng cường rà soát, bảo đảm hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hướng dẫn doanh nghiệp triển khai kịp thời việc gia cố, sửa chữa, che chắn nhà xưởng, văn phòng, nhà kho, bãi chứa. Từ đó, giúp doanh nghiệp hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra cũng như đảm bảo an toàn cho người lao động.
Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Vũ Minh Tuấn cho biết: "Ban Quản lý các KCN tỉnh đã triển khai thực hiện công tác khắc phục sau bão và yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương vệ sinh dọn dẹp và hỗ trợ người lao động để sớm ổn định lại hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Đến ngày 13/9, các doanh nghiệp trong các KCN đã đi vào hoạt động sản xuất, tuy nhiên còn một số doanh nghiệp thiếu nhân lực do nhiều gia đình người lao động bị ảnh hưởng do bão và đang khắc phục sau bão”.
Theo ghi nhận của phóng viên, đến nay, các doanh nghiệp đã khắc phục khó khăn quay trở lại sản xuất bình thường. Tuy nhiên, hậu quả sau mưa bão để lại cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hết sức nặng nề, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thủy điện, sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, chăn nuôi thủy sản và đặc biệt là các cơ sở kinh doanh ở khu vực trọng yếu có hàng hóa bị nhấn chìm trong nước.
Vì vậy, điều các doanh nghiệp cần trợ lực lúc này là được Nhà nước khoanh nợ, hoãn, giãn nộp thuế, lãi suất ngân hàng và mong muốn được tiếp cận với nguồn vốn vay mới với mức lãi suất ưu đãi nhất, thậm chí là "0 đồng” để có nguồn lực tái hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước thực tế này, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Theo đó, Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ quy định tại khoản 4, Điều 147, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024 về việc phân loại tài sản, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3; chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại.
Đây là hành động hết sức kịp thời để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các chính sách, giải pháp hỗ trợ này phải nhanh chóng, kịp thời triển khai để tạo động lực vượt khó cho doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Thông Nguyễn