Cơn bão số 3 đã đi qua hơn 1 tuần nhưng người dân và nhân viên ga đường sắt Lâm Giang (huyện Văn Yên, Yên Bái) vẫn âu lo vì nguy cơ núi đá tiếp tục sạt lở bất cứ lúc nào.
Anh Nguyễn Sơn Hải (39 tuổi, ở thôn Thọ Lâm) chỉ tay về đỉnh Núi Lở bị sạt trượt hôm 10/9 và cho biết, phần lớn cây cối, hoa màu được gia đình anh trồng mấy năm nay đã bị hư hại.
"Cây cối, hoa màu đã bị đất đá vùi lấp gần hết. Sau hôm xảy ra sạt lở, tôi muốn xem có thu hoạch được gì không nhưng được chính quyền cảnh báo nguy cơ Núi Lở tiếp tục sạt nên không thể làm gì”, anh Hải nói.
Anh Nguyễn Sơn Hải mất gần hết cây cối, hoa màu sau vụ sạt lở tại Núi Lở.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng ga Lâm Giang cho biết, khu ga nằm sát taluy âm của tỉnh lộ 164, bên trên là đồi núi cao, nên khi xảy ra sạt trượt, hàng chục ngàn khối đất đá đã vùi lấp cả đoạn đường; một phần đường sắt cùng một nhà dân cạnh ga cũng bị vùi lấp.
Nhà dân nằm cạnh ga Lâm Giang bị vùi lấp.
Ông Linh nhớ lại, hôm đó (10/9), sau nhiều ngày mưa lớn, khoảng 5h30, lượng lớn đất đá từ Núi Lở sạt xuống khi nhân viên đường sắt Trịnh Xuân Huy đang làm nhiệm vụ trực ban chạy tàu.
Lượng đất đá sạt xuống rất nhanh đã đè lên toàn bộ phần thân khiến anh Huy bị thương nặng, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Không may mắn như anh Huy, bà Vũ Thị P. (47 tuổi, có nhà ngay cạnh ga Lâm Giang) đã bị đất đá vùi lấp khi chưa kịp tỉnh giấc lúc sáng sớm. Lực lượng cứu hộ tìm thấy bà P. thiệt mạng trong tư thế quấn chăn quanh người.
Cảnh báo nguy cơ sạt lở rất cao
Ngay sau sự cố sạt lở, toàn bộ nhân viên tại ga Lâm Giang đã được sơ tán lên vị trí an toàn để vận hành chạy tàu. Một bên đường ray bị đất đá phủ đầy không thể đưa vào khai thác.
Trao đổi với VietNamNet, ông Hà Đức Anh, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, hiện nay UBND tỉnh Yên Bái đang giao Sở GTVT triển khai cho xúc đất tại 3 điểm sạt lở lớn trên tỉnh lộ 164, trong đó có điểm ga Lâm Giang.
Ga Lâm Giang cảnh báo sạt lở, không cho người đi vào.
Chủ tịch huyện Văn Yên cho biết thêm, do ga Lâm Giang có nguy cơ sạt lở rất lớn nên địa phương đã cảnh báo nguy hiểm, đồng thời yêu cầu ngành đường sắt có phương án khắc phục phù hợp. Trong đó cần phải có phương án trước mắt và lâu dài để đảm bảo an toàn.
Di dời ga Lâm Giang tới vị trí mới
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trước mắt đơn vị sẽ cho dọn khối lượng đất đá sạt lở ở khu vực đường ray, đồng thời bố trí rọ đá giữ chân taluy sát đường ray để ngăn sạt trượt tiếp tục xảy ra. Trong trường hợp vài ngày tới tiếp tục có mưa, sẽ phải tạm dừng chạy tàu, nhất là tàu khách, vì nguy cơ sạt lở rất lớn.
Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, năm 2017, ga Lâm Giang từng xảy ra sạt lở dài 100m ở khu vực phía nam, đẩy 4 toa tàu chở hàng xuống sông Hồng. Sau đó ngành đường sắt đã xử lý cả taluy dương và taluy âm nên đoạn này đã ổn định.
Về phương án xử lý lần này, theo ông Cảnh, trước mắt các đơn vị cần xúc dọn bớt đất đá ở khu vực mái taluy dương có nguy cơ sạt trượt tiếp xuống nhà ga để đảm bảo chạy tàu, sau đó cho thông tuyến đường bộ phía trên.
Ông Cảnh cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải cho khảo sát địa chất, địa hình thật kỹ để có giải pháp xử lý đảm bảo bền vững lâu dài.
Riêng với nhà ga Lâm Giang và các đơn vị tác nghiệp chạy tàu, phương án cho xây nhà ga mới phía bờ sông Hồng (đối diện nhà ga) đã được đưa ra nhưng cần phải khảo sát kỹ địa chất, đảm bảo an toàn trước lo ngại sạt lở bờ sông.
(Theo Vietnamnet)