Đây là thông tin mới nhất được Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú công bố chiều 20/9 tại Hội nghị triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Cũng theo Phó Thống đốc, các địa phương có dư nợ thiệt hại lớn bao gồm: Yên Bái chiếm 18,55% tổng dư nợ trên địa bàn, Hải Phòng chiếm 10,65%, Quảng Ninh chiếm 7%, Hải Dương chiếm 8,64%...
"Quy mô thiệt hại do bão số 3 gây ra lần này lớn và nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những đợt thiên tai trước nên chính sách hỗ trợ và trách nhiệm đồng hành của các ngân hàng với khách hàng vay vốn cũng đòi hỏi phải lớn hơn nhiều", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Giảm đến 50% tiền lãi vay
Tại hội nghị, đã có 17 ngân hàng công bố các chương trình hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3. Bên cạnh chính sách cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ, hầu hết các ngân hàng triển khai giảm lãi suất cho vay trên dư nợ hiện hữu và dư nợ vay mới, phổ biến ở mức từ 1 - 2%. Đáng chú ý, có ngân hàng giảm tới 50% tiền lãi hiện tại cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng của bão lụt.
Theo đó, đại diện Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết đã dành hơn 2.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân với mức giảm lên đến 50% tiền lãi hiện tại, đồng thời mức lãi suất ưu đãi này sẽ được giữ cố định đến muộn nhất là 31/1/2025. Tương tự với khách hàng doanh nghiệp, TPBank cũng dành 2.000 tỷ đồng; trong đó có 1.200 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho khách hàng hiện hữu và 800 tỷ đồng dành cho khách hàng vay mới với lãi suất giảm tối đa đến 2%.
Còn theo ông Hồ Nam Tiến, Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank), qua rà soát, có khoảng 29.000 tỷ đồng dư nợ của ngân hàng với 63.200 khách hàng bị ảnh hưởng do bão số 3 và mưa lũ sau bão, đặc biệt là khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở khu vực miền núi. LPBank giảm đến 2%/năm lãi suất đối với khách hàng hiện hữu, áp dụng từ nay đến hết năm 2024 với số tiền giảm tương ứng khoảng 85 tỷ đồng. Đồng thời, xây dựng gói cho vay mới quy mô 8.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay từ 6 - 6,5%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), tùy theo mức độ thiệt hại, năng lực tài chính... của khách hàng, MB giảm tối đa đến 2% lãi suất cho khách hàng hiện hữu; trong đó, đối với khoản vay dài hạn giảm từ 1 - 2%/năm, ngắn hạn giảm từ 0,5 - 1%/năm, áp dụng từ hôm nay (20/9) đến hết năm 2024. Ngoài ra, MB cũng bổ sung thêm 7.000 tỷ đồng cho gói vay mới với khách hàng cá nhân, nâng quy mô gói lên thành 9.000 tỷ đồng, lãi suất giảm 1% so với lãi suất thông thường.
Đại diện Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) ước tính có gần 2.000 tỷ đồng dư nợ và 500 khách hàng bị thiệt hại sau bão. HDBank đã chủ động từ hội sở xuống các đơn vị thuộc 26 tỉnh phía Bắc làm việc trực tiếp với khách hàng để làm căn cứ giãn, hoãn nợ. Ngoài cơ cấu nợ, HDBank còn triển khai gói 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất, gồm: 3.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho khách hiện hữu và 7.000 tỷ đồng cho vay mới, tập trung vào khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vừa khách hàng cá nhân.
Trước đó, lãnh đạo 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cũng cho biết đã thực hiện giảm lãi suất từ 0,5 - 2% cho khách hàng.
Ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nhấn mạnh Vietcombank chủ động giảm lãi suất đến 2% cho tất cả các khách hàng bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 mà không phải chờ khách hàng làm đơn đề nghị. Tổng dư nợ hỗ trợ khoảng 160.000 tỷ đồng.
"Trên cơ sở đánh giá lại thiệt hại, Vietcombank đã bổ sung các tiêu chí về khu vực, ngành nghề... để có chính sách riêng hỗ trợ. Một số khách hàng thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp bị thiệt hại rất nặng nề, Vietcombank sẽ làm việc riêng với khách hàng có những hỗ trợ cụ thể ngoài việc giảm lãi suất", ông Vinh chia sẻ.
Tương tự, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng chủ động giảm lãi suất cho 100% khách hàng chịu ảnh hưởng, không thu lãi chậm trả. Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank dự kiến dư nợ hiện hữu được giảm lãi suất là khoảng 40.000 tỷ đồng, đồng thời đối với các dư nợ phát sinh mới cũng được giảm lãi suất từ 0,5 - 2%, áp dụng đến hết 31/12/2024.
Tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), thống kê sơ bộ có khoảng 40.000 tỷ đồng dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp và 20.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân bị thiệt hại do bão. VietinBank dành gói hỗ trợ lãi suất 1%, quy mô 100.000 tỷ đồng hỗ trợ ngay với cả khách hàng cũ và mới, áp dụng đến hết năm 2024.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ước tính hơn 1.000 khách hàng chịu ảnh hưởng do bão với dư nợ hơn 40.000 tỷ đồng. BIDV giảm từ 0,5 - 2% lãi suất tùy theo mức độ thiệt hại của khách hàng. Ngoài ra, ngân hàng này còn triển khai gói tín dụng 60.000 tỷ đồng cho vay khách hàng mới với lãi suất ưu đãi.
Không riêng các ngân hàng trong nước, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay và tiếp tục cho vay mới khách hàng bị ảnh hưởng do bão. Lãi suất giảm tối đa 1% với khách doanh nghiệp và đến 1,5% với khách hàng cá nhân vay vốn bị thiệt hại do bão.
Chủ động nguồn lực, triển khai đồng bộ
Đánh giá cao việc các ngân hàng chủ động công bố chính sách hỗ trợ đến khách hàng và trên các phương tiện truyền thông, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định hầu hết các ngân hàng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và chủ động xây dựng các gói hỗ trợ.
"Các gói đưa ra rất tích cực, hầu hết giảm từ 1 - 2%, có ngân hàng giảm đến 50% lãi hiện tại tùy theo mức độ thiệt hại, chủ động giảm không chờ khách đề nghị như Vietcombank, Agribank..., ngân hàng quy mô nhỏ cũng có chính sách rất tích cực, thời gian hỗ trợ kéo dài đến hết năm, có đơn vị đến sang cả đầu năm sau", Phó Thống đốc đánh giá.
Ông Đào Minh Tú bày tỏ quan điểm rằng ngành ngân hàng phải chia sẻ tích cực bằng chính nguồn lực của các ngân hàng thương mại, cụ thể là chia sẻ lợi nhuận, thông qua giảm lãi suất, tiết kiệm tất cả chi phí quản lý, vận hành, tùy theo năng lực của các ngân hàng để mức hỗ trợ tương xứng với quy mô.
Đồng thời, phải hỗ trợ kịp thời, đồng bộ, đúng đối tượng, chủ động xử lý, không để khách hàng phải làm đơn đề nghị, thực hiện đúng như cam kết, triển khai công khai minh bạch chính sách, không để trục lợi chính sách...
Trước đó, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiến nghị cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ dân trồng rừng, nuôi trồng thủy sản bị mất trắng sau bão với thủ tục, hướng dẫn cụ thể. Còn với các hộ vay mới, hiện không còn tài sản thế chấp thì ngân hàng cần hướng dẫn thủ tục, phương án cho vay cụ thể.
"Đề nghị các ngân hàng tiếp tục có giải pháp đồng bộ, chính sách ưu đãi cho khách hàng vay vốn. Chính quyền địa phương cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân", ông Huy kiến nghị.
Ngoài đề xuất về cơ cấu nợ, khoanh nợ và cho vay mới với người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại, ông Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn còn đề xuất ngành ngân hàng tạo điều kiện bố trí nguồn vốn tài sợ an sinh xã hội, giúp địa phương phục hồi sau bão.
Kết luận tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, tạo ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn vốn hỗ trợ, khắc phục thiệt hại do bão lũ...
Đồng thời, nghiên cứu và sớm trình Chính phủ cơ chế về trích lập dự phòng rủi ro, làm căn cứ xây dựng chính sách riêng cho việc giãn, hoãn nợ cho những đối tượng bị thiệt hại do bão số 3. Việc này vừa là hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhưng cũng giúp cả ngân hàng thương mại có hành lang pháp lý phù hợp, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và quản lý được rủi ro.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xây dựng chương trình hành động của ngành ngân hàng; trong đó có chỉ thị của Thống đốc, về việc triển khai hỗ trợ bão lụt.
Đối với các tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc chỉ đạo tiếp tục đánh giá để có báo cáo thống kê, xác thực sớm nhất những thiệt hại của khách hàng, tránh làm méo mó vấn đề, trục lợi chính sách. Có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện ngay các chi nhánh về các gói ưu đãi đã công bố, làm sao để tất cả những cam kết, công bố đi vào cuộc sống...
Đồng thời, tăng cường truyền thông các giải pháp hỗ trợ rộng rãi, cho vay mới khẩn trương, linh hoạt, để người dân tiếp cận được chính sách, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn; tham mưu, tư vấn cho địa phương và khách hàng phương án khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, nhất là với người dân đã mất trắng sau bão, nhằm giúp ổn định lại cuộc sống. Đồng thời yêu cầu các ngân hàng phải kịp thời báo cáo vướng mắc khó khăn trong thực hiện để có sự đồng thuận và chỉ đạo", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
(Theo Báo Tin tức)