Yên Bái: Hiệu quả của phương pháp tiếp cận mới trong xoá đói giảm nghèo

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Với mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân địa phương một cách bền vững, các hộ nghèo được tiếp cận tốt với các nguồn lực xoá đói giảm nghèo, Dự án Chia Sẻ tỉnh Yên Bái được thực hiện ở 18 xã, 156 thôn, bản của huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải.

Dự án phát triển tổng hợp cấp thôn, hỗ trợ máy khâu cho phụ nữ xã Bản Công (huyện Trạm Tấu). (Ảnh: Quỳnh Nga)
Dự án phát triển tổng hợp cấp thôn, hỗ trợ máy khâu cho phụ nữ xã Bản Công (huyện Trạm Tấu). (Ảnh: Quỳnh Nga)

Qua 4 năm triển khai thực hiện, dự án đã hỗ trợ hàng ngàn con gia súc, dụng cụ sản xuất nông nghiệp các loại cho hộ nghèo phát triển sản xuất, khai hoang hàng trăm ha ruộng nước; xây dựng, phát triển nhiều công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ tại các xã vùng sâu, vùng xa mà các dự án khác không vươn tới được.

Trong một chuyến đi công tác ở bản Nả Háng A, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tình cờ được gặp ngày hội làm đường của bà con trong thôn. Lực lượng lao động của cả thôn được huy động để mở rộng, hạ thấp con đường liên thôn. Toàn tuyến đường dài 2km, mỗi buổi lao động có từ 70 - 80 người trong thôn tham gia. Được biết vốn đầu tư cho con đường liên thôn ấy chính là từ Dự án Chia Sẻ. Chỉ có 6,3 triệu đồng cho cả tuyến đường, mỗi ngày công lao động chỉ khoảng 10 - 15 nghìn đồng, song bà con rất hăng hái tham gia. Đúng với phương châm đầu tư thiết thực, trực tiếp và hiệu quả đến người dân, dự án đã vươn tới tận thôn bản đầu tư vào những công trình nhỏ phục vụ sinh hoạt của cộng đồng.

Anh Mùa A Tồng - Phó chủ tịch UBND xã Púng Luông, Giám đốc Ban quản lý Dự án Chia Sẻ của xã cho biết: Năm 2007 xã Púng Luông mới được hưởng Dự án Chia Sẻ với tổng số vốn đầu tư khoảng trên 800 triệu đồng cho 6 lĩnh vực. Dự án đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân trong vùng được hưởng dự án.

Dự án Chia Sẻ ở Yên Bái được thực hiện trong 5 năm từ 2003 - 2008 với tổng ngân sách 134 tỷ đồng, đầu tư cho 6 lĩnh vực gồm: quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, giáo dục và đào tạo, y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ, sản xuất tạo thu nhập và an sinh xã hội. Dự án này thí điểm một phương pháp tiếp cận mới trong xoá đói giảm nghèo, thực hiện phân cấp, trao quyền mạnh cho cơ sở theo cơ chế phân cấp quản lý đến cấp xã, phân quyền đến cấp thôn; người dân tại thôn bản tham gia lập kế hoạch và quyết định việc sử dụng nguồn lực. Trong quá trình đó, Ban quản lý cấp huyện chỉ đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát việc lập kế hoạch ở cấp xã, thôn... Cách thức thực hiện này đã mang lại nhiều ưu điểm trong quá trình triển khai Dự án.

Qua 4 năm triển khai từ 2003 - 2007, ngoài việc đầu tư trực tiếp các công trình hạ tầng cơ sở trong dân, dự án còn góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ và người dân vùng dự án, đặc biệt là năng lực về lập kế hoạch, năng lực điều hành, quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện dự án...; phát huy được tính dân chủ ở cơ sở và sự tham gia của người dân vào các hoạt động của Dự án, qua đó nâng cao được vai trò của người dân, tăng tính hiệu quả của dự án. Sau 4 năm thực hiện Dự án Chia Sẻ, tỉnh Yên Bái đã giải ngân được 103,9 tỷ đồng.

Nguồn vốn này đã được đầu tư hỗ trợ mua con giống với 2.104 con trâu, 5.046 con lợn giống và 1.906 con ngựa, dê, bò các loại; đầu tư hỗ trợ tạo thu nhập đã hỗ trợ người dân mua 1.922 chiếc máy nông nghiệp, khai hoang 247 ha ruộng nước, cung cấp 162.978 cây giống, xây dựng 25 mô hình nông nghiệp, cung cấp 298.561m ống dẫn nước; đối với đầu tư cơ sở hạ tầng dự án đã sửa chữa và xây dựng được 337 công trình nhà cộng đồng, trạm y tế, trường học, nhà bán trú, kênh mương...; kiên cố hoá và mở mới 84 km đường liên thôn, xã, xây 558 cống thoát nước và giếng; Dự án đã tổ chức được 423 khoá tập huấn cho 9.840 lượt người là cán bộ và người dân trong vùng dự án. Trong đó, mở 63 lớp tập huấn cho cán bộ dự án và các ban ngành của tỉnh về kỹ năng quản lý, lập kế hoạch, quản lý tài chính kế toán; 360 lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, xoá mù chữ, thú y thôn, bản...

Dự án Chia Sẻ đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ đói nghèo ở các xã, thôn trong vùng dự án. Quá trình điều tra, đánh giá cho thấy những vùng được hưởng dự án tỷ lệ đói nghèo giảm từ 3 - 4%/năm, trong khi bình quân mỗi năm tỉnh chỉ giảm từ 1-2%. Dự án đã có nhiều hoạt động hỗ trợ trực tiếp nhằm cải thiện đời sống cho người dân vùng dự án đặc biệt là một số hoạt động mang lại hiệu quả cao và bền vững như: khai hoang, hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ mua ống dẫn nước phục vụ cho sinh hoạt và tưới tiêu góp phần mở rộng diện tích canh tác, thâm canh tăng vụ tăng năng suất...

Ông Bùi Ngọc Hùng – Phó giám đốc Dự án Chia Sẻ tỉnh Yên Bái cho biết: Dự án sẽ kết thúc trước 31/12/2008, thời gian tới Dự án sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động tại cơ sở những vùng được hưởng dự án; tổ chức các khoá tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ trong ban quản lý dự án các cấp; tập hợp, đánh giá những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai dự án để tài liệu hoá và nhân rộng phương pháp lập kế hoạch có sự tham gia và phân cấp chủ đầu tư cho cơ sở đối với các chương trình, dự án khác.

Ngọc Tú

Các tin khác
Qui hoạch tổng mặt bằng Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương 4.400MW, lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm này (Ảnh tư liệu dự án).

Ngày 8/4, tại Hà Nội, các hợp đồng nhằm thực hiện dự án Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương 4.400MW và cảng trung chuyển nước sâu tại quần đảo Nam Du với tổng vốn đầu tư khoảng 7,7 tỉ USD được ký kết...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa chỉ đạo tỉnh Phú Thọ làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai cụ thể việc tìm nguồn ODA hỗ trợ cho các danh mục dự án quan trọng của tỉnh, xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về cội nguồn.

YBĐT - Năm 2008, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) được đầu tư xây dựng 16 công trình hạ tầng thông qua nhiều chương trình, dự án với tổng số vốn 16 tỷ 854 triệu đồng.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, trong việc thực hiện dự án “Lập quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng - đoạn qua Hà Nội”, chính quyền thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã thỏa thuận góp 90% kinh phí lập dự án, Hà Nội góp 10% kinh phí (việc góp 90% kinh phí lập dự án không có nghĩa là được ưu tiên trong đầu tư sau này).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục