Tiểu dự án GPMB đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Nhiều khó khăn cần giải quyết

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai là một dự án trọng điểm quốc gia nằm trong chương trình hợp tác Việt Nam - Trung Quốc về xây dựng và phát triển hai hành lang và một vành đai kinh tế trọng điểm. Trên địa bàn Yên Bái, Dự án được triển khai từ đầu năm 2008, với chiều dài 80,37 km đi qua 15 xã thuộc địa phận hai huyện Trấn Yên và Văn Yên.

Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được kỳ vọng sẽ tạo ra những động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội Yên Bái ngày càng phát triển. Tuy nhiên, đi kèm với những kỳ vọng đó là những khó khăn, thách thức lớn đặt ra cho các chủ đầu tư, các cấp chính quyền trong việc bảo đảm đúng tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án quan trọng này.

Thực hiện chức năng chủ đầu tư, Sở Giao thông vận tải Yên Bái đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp đẩy nhanh tiến độ GPMB. Đến nay, các đơn vị tư vấn đã hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ thu hồi đất ngoài hiện trường của 15/15 xã có tuyến đường đi qua. UBND tỉnh đã phê duyệt hồ sơ thu hồi đất của 7 xã gồm: Minh Quân, Bảo Hưng, Hợp Minh, Âu Lâu, Y Can (Trấn Yên), Đông An, Châu Quế Hạ (Văn Yên).

Công tác kiểm kê đền bù GPMB đang được khẩn trương tiến hành tại các xã: Bảo Hưng, Hợp Minh (Trấn Yên), Đông An, Châu Quế Hạ (Văn Yên). Ngành giao thông vận tải cũng đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ thu hồi đất của 3 xã gồm: Quy Mông (Trấn Yên), Hoàng Thắng và Yên Hợp (Văn Yên). Các xã còn lại đang hoàn chỉnh thủ tục trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Chủ đầu tư hiện đang triển khai thủ tục lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn 15 xã. Theo thống kê sơ bộ, diện tích đất phải thu hồi phục vụ Dự án (đoạn đi qua địa phận tỉnh Yên Bái) có 1.133 hộ, trong đó 583 hộ dân phải di chuyển nhà ở đến nơi khác với tổng diện tích đất phải thu hồi toàn Dự án là 5.924 ha.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác GPMB phục vụ Dự án trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc áp giá đền bù và xây dựng các khu tái định cư. Nhìn chung, những chính sách bồi thường, hỗ trợ theo Quyết định 06 của UBND tỉnh ngày 24/4/2008 về cơ bản đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Song, do những biến động giá cả thị trường nên một số đơn giá hỗ trợ đền bù tài sản, cây trồng, hoa mầu cho người dân dù đã được điều chỉnh nhưng đến nay vẫn chưa phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt là việc bồi thường cho đất sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, rất nhiều người dân ở các khu vực ảnh hưởng trực tiếp mong muốn Nhà nước điều chỉnh lại một số chính sách bồi thường thiệt hại cho người dân khi bị thu hồi đất để xây dựng đường cao tốc.

Đối với những hộ gia đình bị thu hồi hết đất sản xuất ngoài việc đền bù theo đúng chính sách thì Nhà nước cần có hỗ trợ thêm để người dân ổn định cuộc sống. Mặt khác, do đặc thù là một tỉnh miền núi nên việc bố trí khu tái định cư gặp rất nhiều khó khăn. Một số địa phương không đủ điều kiện để xây dựng khu tái định cư theo yêu cầu của chủ đầu tư (Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam) là phải từ 8 – 10 hộ mới được xây dựng một khu tái định cư hoàn thiện. Vì vậy, nếu như người dân tự tái định cư, bên cạnh việc đề nghị Nhà nước không nên thu thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rất nhiều người dân cũng mong muốn Nhà nước mở các trường dạy nghề để thu hút  lao động dôi dư. 

Là xã nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Dự án, Đông An có diện tích đất phải thu hồi là 668.735,5 m2 thuộc 312 hộ, trong đó có 55 hộ và 2 trường học phải di dời đến nơi khác. Thực hiện kế hoạch của Hội đồng GPMB huyện, ngoài việc tích cực tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác GPMB, Đông An đã chủ động phối hợp với các đơn vị tư vấn, các nhà thầu hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, hoàn thành hồ sơ thu hồi đất ngoài hiện trường của các hộ bị ảnh hưởng và xây dựng thiết kế 5 khu tái định cư: khu khe Đá Mài (thôn Chèm), khu thôn Đức Tiến (đoạn ra thôn Đức An), khu tuyến 2 của thôn Tam Quan, khu Gốc Đa (thôn Gốc Đa), khu đường vào thôn Trà.

Ông Đỗ Phan Thiết – Phó chủ tịch UBND xã Đông An, Phó chủ tịch Hội đồng GPMB huyện Văn Yên cho biết: “Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho việc thu hồi đất phục vụ việc GPMB đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đoạn qua xã đã hoàn tất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, rất nhiều người dân đã có ý kiến đề nghị nâng mức giá đền bù cho một số hạng mục bị thu hồi như: đất ruộng, đất hoa mầu, vật kiến trúc, nhà cửa. Ngoài ra, do đặc thù là một xã miền núi, người dân đề nghị Nhà nước và Công ty đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam nên bố trí các khu tái định cư một cách hợp lý để thuận tiện canh tác, các khu này không nhất thiết phải xây dựng theo đúng thiết kế”.

Các cấp, các ngành có liên quan đã và đang khẩn trương, tích cực triển khai công tác đền bù, GPMB và tái định cư theo kế hoạch đề ra. Những thắc mắc, đề nghị của người dân cần được tỉnh cũng như chủ đầu tư xem xét để người dân không thiệt thòi khi nhượng lại nhà cửa, ruộng vườn, để đến nơi ở mới có điều kiện tốt hơn và cuộc sống bớt khó khăn hơn.

Đức Thành

Các tin khác

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nỗ lực triển khai ba nhóm giải pháp để giải ngân được trên 2 tỷ USD vốn trong năm nay.

Tổ hợp dự án này là liên doanh 4 bên gồm: Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PetroVietnam), TCty Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Cty hoá chất ximăng Thái Lan (SCG Chem) và Cty nhựa và hoá chất Thái Lan (TPC), có tổng vốn đầu tư lên tới 3,786 tỉ USD vừa được BQL các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận đầu tư và chuẩn bị ra mắt.

Bộ GT-VT và Cơ quan Thương mại phát triển Hoa Kỳ vừa ký thỏa thuận về việc Hoa Kỳ tài trợ tiếp giai đoạn 2 và 3 cho dự án nâng cao năng lực giám sát an toàn hàng không của Việt Nam.

Bất chấp những khó khăn về kinh tế mà Việt Nam đang phải đối mặt, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục chảy mạnh mẽ vào Việt Nam với những dự án trị giá tới hàng tỷ USD.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục