Dự án FDP: Cải thiện hiệu quả sản xuất lúa nước bền vững

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/11/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Công nghệ phân viên nén NK là sản phẩm nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội đã được công nhận và thử nghiệm ở nhiều nơi. Ở huyện Lục Yên (Yên Bái), lần đầu tiên đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật này vào khảo nghiệm bước I. Sau 2 năm thực hiện, hiệu quả của dự án đã được khẳng định và tiếp tục được nhân diện.

Tình nguyện viên Dự án xã Mường Lai hướng dẫn người dân cấy đúng kỹ thuật.
Tình nguyện viên Dự án xã Mường Lai hướng dẫn người dân cấy đúng kỹ thuật.

Dự án “Giúp các hộ dân nghèo tại các địa bàn dự án của huyện Lục Yên cải thiện hiệu quả sản xuất lúa nước một cách bền vững thông qua khuyến khích người dân tham gia vào thị trường phân viên dúi sâu FDP” do Tổ chức Codespa (Tây Ban Nha) tài trợ. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái làm chủ dự án; đơn vị phối hợp thực hiện là Tổ chức Phát triển Quốc tế IDE, Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Trung tâm Giới thiệu Việc làm Hội LHPN tỉnh Yên Bái, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái; đơn vị xây dựng tổ chức mô hình là Hội Phụ nữ huyện Lục Yên. Dự án FDP được triển khai từ vụ đông xuân 2006 - 2007 tại 3 xã: Khánh Thiện, Tô Mậu, Minh Xuân với 2,16 ha, có 60 hộ tham gia thử nghiệm. Các hộ này được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham gia các buổi truyền thông và được hỗ trợ phân bón trên diện tích cấy lúa thử nghiệm.

Trong quá trình triển khai, Hội Phụ nữ huyện cùng ba xã đã thành lập đội ngũ 620 tình nguyện viên tại các thôn bản để trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ, giám sát các hộ, tuyên tuyền kỹ thuật mới cũng như về gương người thật việc thật. Sau đó, dự án được mở rộng thêm ở các xã: Yên Thắng, Mường Lai, Lâm Thượng, Trúc Lâu và thị trấn Yên Thế.

Chị Bùi Thị Bích Thủy - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Lục Yên cho biết: “Với phương pháp tiếp cận thị trường, tăng cường tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, trang bị kiến thức, vận động các hộ nông dân chuyển đổi từ nhận thức sang thay đổi hành vi bằng cách tự người dân mua phân viên NK dúi cho lúa thay tập quán canh tác bón phân vãi thông thường.

Đặc biệt khuyến khích hộ nghèo áp dụng tiến bộ kỹ thuật này thông qua hoạt động khuyến mãi như mua một tặng một. Sau kết quả thử nghiệm tại một số xã, đến vụ mùa 2008, huyện đã có 6.354 hộ dân của 24 xã, thị trấn tự nguyện áp dụng kỹ thuật phân viên nén cho cây lúa nước với tổng diện tích 760ha; có 1.274 hộ nghèo được hưởng chương trình khuyến mãi trị giá 200 triệu đồng. áp dụng phương pháp này, năng suất lúa tăng 20%, lại tiết kiệm công lao động nên giúp chị em có cơ hội tham gia các hoạt động của cộng đồng, có thêm thời gian chăm sóc con cái và gia đình”.

Dự án cũng đã tổ chức 30 lớp tập huấn cho hàng trăm tình nguyện viên, các nhà sản xuất phân viên về kiến thức ma-két-tinh, đánh giá giám sát tài chính kế toán, tín dụng, tin học, cách sử dụng internet, khởi sự kinh doanh, lập kế hoạch hoạt động... Hiện nay, Lục Yên có 7 máy ép phân viên, 28 đại lý phân phối. Hình thức sản xuất, cung ứng phân bón tới các hộ dân cũng được hội phụ nữ các cấp chỉ đạo thực hiện linh hoạt, phục vụ kịp thời.

Chị Hoàng Thị Viện ở thôn 9, xã Minh Xuân cho biết: “Gia đình tôi ứng dụng phân viên trên diện tích 5 sào lúa nước từ vụ mùa năm 2007. Bón phân theo phương pháp này giảm được công cấy, tiết kiệm được thóc giống. Những ruộng bón phân NK tốt đều, bông to, hạt nhiều và mẩy, năng suất thu hoạch đạt 280 kg/sào, tăng 50kg/sào so với bón phân vãi thông thường”.

Nhiều chủ hộ tham gia mô hình và nông dân đều có chung nhận định: bón phân theo phương pháp này không bị rửa trôi, lượng phân trải đều, tiết kiệm được giống và công cấy. áp dụng FDP có thể đạt năng suất 110 tạ/ha, giá trị canh tác tăng lên 60 triệu đồng/năm. Dự án có ý nghĩa quan trọng giúp các hộ nông dân nghèo vùng dự án cải thiện hiệu quả sản xuất lúa nước một cách bền vững thông qua khuyến khích người dân tham gia sử dụng phân viên dúi sâu.

Để nhân rộng mô hình, Tổ chức Codespa đã tiếp tục ký kết dự án giai đoạn II đến năm 2010 với các huyện: Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái. Dự án FDP mở rộng giai đoạn 2008 - 2010 được triển khai sẽ góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược toàn diện về tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.   

Quỳnh Nga

Các tin khác
Hệ thống điện hiện có sẽ được tăng cường năng lực phân phối

Ngày 4/11, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký hiệp định tín dụng trị giá 150 triệu USD nhằm trợ giúp Việt Nam trong việc cải tạo và mở rộng mạng lưới điện nông thôn.

Ngày 3/11, tại công văn 7469/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Công Thương hướng dẫn các nhà đầu tư lập dự án đầu tư 13 dự án nhiệt điện than, trình duyệt theo quy định hiện hành.

Sáng 29/10, Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam cùng hai đối tác Na Uy là Hội Chữ Thập Đỏ Na Uy và Công ty đa quốc gia Det Norske Veritas đã ký Bản ghi nhớ hợp tác triển khai dự án nước sạch và vệ sinh môi trường tại tỉnh Phú Thọ.

Sáng 22-10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ký biên bản dự án hợp tác Việt Nam - Nhật Bản về phát triển năng lực ngành nghề nông thôn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục