Yên Bái: Đến ngày 30/12 phải tiến hành khởi công 70% số lượng công trình trường, lớp học và nhà công vụ
- Cập nhật: Thứ năm, 4/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ngày 4/12, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai Đề án thời gian qua, đề ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Ngành giáo dục phải phối hợp với các huyện rà soát lại hệ thống trường lớp để chỉ đạo có hiệu quả.
|
Đến nay, Yên Bái là một trong tám tỉnh có tiến độ triển khai Đề án chậm nhất cả nước. Toàn tỉnh mới có 78 công trình được khởi công, chưa được 10% số công trình theo kế hoạch.
Nguyên nhân của tình trạng này là do đề án thực hiện trên phạm vi rộng, quy mô lớn và phải tuân thủ nghiêm theo trình tự. Về chủ quan là do lãnh đạo địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, ban chỉ đạo các huyện và chủ đầu tư chưa quyết liệt, chưa có kế hoạch phối hợp chặt chẽ, cụ thể, việc giao cho các đơn vị tư vấn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Sự phối hợp giữa các ngành chuyên môn với cấp huyện chưa tốt, một số chủ đầu tư còn chưa thực hiện tốt trách nhiệm; năng lực của một số ban quản lý dự án và một số đơn vị tư vấn thiết kế còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; trách nhiệm một số ngành trong tháo gỡ khó khăn cho cơ sở chưa cao...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu các ngành thành viên, ban chỉ đạo các cấp phải đẩy nhanh tiến độ công tác đảm bảo đến ngày 30/12 khởi công được 70% số công trình trong kế hoạch của năm 2008, Ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ thực hiện giao ban với các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn vào trước ngày 10 hàng tháng để đánh giá tiến độ thực hiện Đề án, từ đó kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đến ngày 30/3/2009 toàn bộ các công trình phải hoàn thành khâu khảo sát thiết kế để tiến hành xây dựng công trình vào dịp hè để không ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.
Các huyện cần rà soát lại toàn bộ các điều kiện, nhu cầu để xây dựng kế hoạch sát thực, cần ưu tiên cho các trường xây dựng chuẩn, khu vực đô thị. Các ngành thành viên ban chỉ đạo cấp tỉnh cần tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị tư vấn, đồng thời phải đánh giá để lựa chọn đơn vị tư vấn riêng cho thực hiện Đề án.
Đối với sở Giáo dục - Đào tạo phải chủ trì trong việc thực hiện kế hoạch năm 2009, phối hợp chặt chẽ với các huyện rà soát lại hệ thống trường lớp để chỉ đạo có hiệu quả. Sở Kế hoạch - Đầu tư cần có biện pháp cụ thể, chi tiết trong thẩm định đảm bảo tiến độ chung. Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước cần tạo điều kiện cho các chủ đầu tư ứng vốn theo đúng nguyên tắc, tất cả các công trình đã khởi công cho ứng 50% vốn...
Sở Xây dựng phải tăng cường kiểm tra, thẩm định thiết kế kỹ thuật thông qua tổ công tác với nòng cốt là Trung tâm kiểm định chất lượng; lựa chọn công trình để chỉ đạo điểm, mỗi huyện cần chọn 2 – 3 công trình mẫu để rút kinh nghiệm trong thực hiện những năm tới; xác định tính đặc thù của trường học cho các đơn vị tư vấn thiết kế...
UBND các huyện cần chỉ đạo các nhà thầu thiết kế, thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình, phối hợp với các cơ quan quản lý vốn để nghiệm thu, thanh toán nhanh, gọn. Các Phòng Giáo dục cần phối hợp với các xã, vận động nhân dân tham gia thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, phối hợp tốt với địa phương trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường học...
Khánh Linh
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn đồng ý bổ sung 230 triệu USD vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) cho Dự án Nâng cấp cải tạo mạng lưới đường bộ (Dự án WB 4).
Bộ Công thương vừa phê duyệt chương trình sản xuất vải dệt thoi phục vụ xuất khẩu đến năm 2015. Theo đó sẽ dành hơn 2,5 tỉ USD cho các khu, cụm công nghiệp dệt nhuộm tập trung, dự án sợi dệt nhuộm, nhà máy sản xuất xơ...
Sáng 1-12, Cục Đường bộ Việt Nam - chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 27 - đã tổ chức khởi công gói thầu số 1 và 2 nằm trên địa phận tỉnh Lâm Đồng với chiều dài hơn 25km, đoạn từ thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương đến ngã ba Finôm, huyện Đức Trọng.
Ngày 25/11, trong khuôn khổ Hội thảo đánh giá giữa kỳ Chương trình 135 giai đoạn II (Chương trình phát triển kinh tế, xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn, các vùng dân tộc thiểu số và vùng núi của Việt Nam) do Ủy ban dân tộc chủ trì, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh và bà Maeve Collins, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ireland tại Việt Nam, đã ký kết Thỏa thuận viện trợ không hoàn lại cho Chương trình 135 giai đoạn II (2007-2010) với tổng trị giá lên tới 30 triệu euro.