Áo xanh mang tên Sông Mã anh hùng
- Cập nhật: Thứ tư, 23/7/2014 | 2:55:28 PM
YBĐT - Đội Thanh niên tình nguyện (TNTN) Sông Mã do một sinh viên Trường Đại học Ngoại thương quê Thanh Hóa thành lập năm 2007. Ban đầu, Đội chỉ có những sinh viên quê ở Thanh Hóa học tại Hà Nội nhưng nay đã có trên 300 thành viên thuộc nhiều trường và cả người đã tốt nghiệp đại học ở nhiều tỉnh.
Đội viên TNTN Sông Mã giới thiệu với các em cuốn sách “Cùng em tìm hiểu về Hoàng Sa - Trường Sa”.
|
Phương châm hành động của Đội là “Đi để sẻ chia - Đi để cống hiến -Đi để trưởng thành”. Với phương châm này, 7 năm qua, Đội đã đến nhiều tỉnh miền núi phía Bắc để thực hiện Chiến dịch mùa hè xanh. Riêng với Yên Bái thì Đội đã đến lần đầu năm 2012 tại xã Suối Bu (Văn Chấn) và lần này tại xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) với 40 thành viên là sinh viên các trường: Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa, Học viện Báo chí - Tuyên truyền, Học viện Quân y...
Chiến dịch mùa hè xanh mỗi năm diễn ra trong 10 ngày và thường nghỉ hè là đi ngay. Cùng đi với Đội TNTN Sông Mã lần này, được chứng kiến cuộc sống, công việc của họ đã để lại trong tôi thật nhiều ấn tượng và cả sự cảm phục. Hầu hết đội viên là sinh viên năm thứ nhất, thứ hai và họ đều là những người được cha mẹ chăm chút ăn học từ nhỏ, chưa phải chịu đựng những vất vả của những công việc chân tay, chưa phải trèo đèo, vượt núi. Thế mà tiết trời Mù Cang Chải đầu tháng 7 mưa tầm tã đã không ngăn nổi bước chân của họ từ mờ sáng đã tỏa đến các thôn bản, các điểm trường cách nơi ở từ 3 đến 5 cây số để hăng say với những việc làm tình nguyện.
Được biết, trước khi vào chiến dịch ở La Pán Tẩn, Đội đã khảo sát kỹ thực địa để xây dựng kế hoạch triển khai nên những công việc họ làm đều rất thiết thực với vùng cao. Chẳng hạn, thời điểm này, bà con người Mông ở La Pán Tẩn đang rất bận bịu với công việc cày cấy, thu hoạch ngô lúa… thì TNTN đã giúp họ san gạt nhiều điểm đường bị sạt lở ta-luy vì mưa lớn; tu sửa đường sá, phát cỏ ven đường, nạo vét rãnh thoát nước được trên 3 cây số đường về các bản; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc một số loại cây ăn quả ở vùng cao; phối hợp khám, cấp thuốc điều trị một số bệnh thông thường cho bà con trong xã. Vấn nạn buôn bán phụ nữ đang gây nhiều bức xúc thì họ tổ chức truyền thông bằng phim, ảnh về thủ đoạn của bọn buôn người và cách phòng chống.
Ngoài những công việc trên, hoạt động vì sự nghiệp giáo dục ở vùng cao đã được Đội dành nhiều sự quan tâm nhất. Điểm trường bản Pú Nhu - nơi còn khó khăn nhất về cơ sở vật chất đã được Đội đầu tư xây dựng gần 1km đường ống nhựa cứng dẫn nước sinh hoạt về; xây dựng nhà vệ sinh 6m2, 2 ngăn với tổng giá trị khoảng 15 triệu đồng. Đội đã tổ chức nhiều hoạt động dạy học, hoạt động ngoại khóa cho học sinh như triển lãm sách và “Ngày hội đọc sách”, “Ngày hội ước mơ”, “Ngày hội kết nối mọi miền Tổ quốc”; dạy kiến thức về lịch sử, địa lý, lôgic, tiếng Việt, dạy múa hát, hội họa… cho cả 5 điểm trường.
Nội dung giảng dạy khá phong phú như dạy lịch sử thì các TNTN đã kết hợp phổ biến lịch sử đất nước gắn với lịch sử biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Ngoài việc dạy các em nhỏ hát thuộc bài “Quốc ca” còn dạy nhiều bài hát của thiếu niên, nhi đồng về tình yêu quê hương, đất nước, trong đó có bài “Chú bộ đội ở đảo xa”.
Chương trình ngoại khóa “Ngày hội ước mơ”, các em nhỏ được tổ chức thi vẽ, tập viết thư gửi cho người thân nói về ước mơ tương lai của mình. Qua đó đã cho thấy, ước mơ của trẻ ở vùng cao thật phong phú: có nhiều em ước mơ lớn lên được trở thành bộ đội hải quân, ước trở thành phi công lái máy bay và em thì ước mơ được làm cô giáo, bác sỹ, ca sỹ… “Ngày hội kết nối mọi miền Tổ quốc”, các em nhỏ được tổ chức vui văn nghệ, viết thư gửi các chú bộ đội nơi đảo xa… Cách giúp các em tiếp cận những nội dung này cũng mang nhiều nét rất mới lạ và hấp dẫn như dạy lịch sử, các đội viên vừa kết hợp tài liệu sưu tầm vừa mô phỏng bằng tiểu phẩm nên các em rất hào hứng.
Các em nhỏ hái hoa rừng tặng các “cô giáo” tình nguyện.
Nguyễn Diệu Linh - Trưởng ban Truyền thông của Đội cùng nhiều bạn tâm sự: “Chúng em cảm động lắm! Lớp học buổi đầu còn thưa thớt nhưng mỗi ngày một đông dần. Mừng nhất là điểm trường bản Pú Nhu khó khăn là thế nhưng lại là điểm trường đông nhất với trên 40 học sinh ngày ngày đến lớp. Học sinh ở vùng cao rất ngoan, thân thiện, chăm học, thông minh nên những ngày ở đây, chúng em muốn dành mọi yêu thương cho bọn trẻ”.
Bao nhiêu công việc được giải quyết trong quãng thời gian 10 ngày thì quả là phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng không chỉ có vậy, bước chân của Đội TNTN Sông Mã lên La Pán Tẩn còn kết nối được sự sẻ chia của cả cộng đồng. Tạ Thu Thảo Trang - phụ trách vận động tài trợ cho biết, qua vận động tài trợ trên mạng, vận động trực tiếp, đợt này, số tiền thu được cùng sự ủng hộ bằng vật chất đã đạt trên 150 triệu đồng. Trong đó, Công ty Dược Hoàng Long, Công ty Dược Tùng Lộc ở Hà Nội đã ủng hộ thuốc trị giá khoảng 75 triệu đồng; tiền mặt ủng hộ mua được 800 đôi ủng tặng trẻ em, trị giá 23 triệu đồng; VTV6 ủng hộ hàng trăm đầu sách với số lượng hàng ngàn cuốn; Đoàn thanh niên Công ty Xuân Hòa tặng 10 giá sách cho cả 5 điểm trường…
Ngoài vật chất, Đội TNTN Sông Mã khi lên với vùng cao La Pán Tẩn còn nỗ lực mang đến hình ảnh lớp trí thức trẻ của đất nước theo đúng phương châm “Đi để sẻ chia - Đi để cống hiến - Đi để trưởng thành”. Ai cũng chung một tâm sự rằng, dù điều kiện ăn, ở có khó khăn, thiếu thốn đến mấy nhưng họ vẫn thấy vui vì được trải nghiệm, được hiểu thêm cuộc sống ở vùng cao. Thế nên, dù mưa dầm, gió rét, đường núi gập ghềnh cũng không khiến mọi người nao núng.
TNTN lắp ráp tủ sách và tặng sách cho các trường học.
6 giờ sáng, từng tốp lại vượt núi về những bản đã được phân công nhiệm vụ. Họ hành quân trong rộn vang những khúc ca tuổi trẻ hòa vào màn sương và mây núi. Khi làm việc, tiếp xúc với mỗi người dân, mỗi em học sinh thì các đội viên chan hòa tình cảm. Họ tổ chức cuộc sống ở cơ sở bằng lối sống gương mẫu, lành mạnh như không uống rượu và tích cực bảo vệ môi trường.
Đêm về, họ lại cùng nhau tổ chức công việc của ngày hôm sau rồi vui hát, múa những khúc ca trẻ trung, trong sáng, yêu đời lay động không gian chốn đại ngàn. 21 giờ 30 phút, Đội trưởng Triệu Sơn Tùng yêu cầu tất cả mọi thành viên đều phải đi ngủ, sáng sớm dậy tập thể dục vào lúc 5 giờ… Cách sống và tổ chức cuộc sống như thế khiến cho bà con ở đây rất vui khi có TNTN về bản. Đi đến điểm trường nào và hỏi bọn trẻ: “Nếu mai đây, các thầy cô tình nguyện về Hà Nội rồi thì các em có nhớ không?” thì tất cả đều ồ lên: “Ôi, chúng em nhớ các thầy cô lắm!”.
Đặc biệt, ở bản Trống Páo Sang, từ hôm đoàn lên đóng quân tại bản, các em: Chinh, Dông, Pủa, Giàng đêm nào cũng xuống ngủ với các thầy cô tình nguyện. Sáng sớm, các thầy cô gọi chúng dậy đánh răng, rửa mặt, ăn sáng để bước vào giờ học. Bọn trẻ tỏ lòng yêu mến các thầy cô tình nguyện bằng những đóa hoa rừng chúng mới hái buổi chiều. Nhiều đội viên trêu đùa: “Chinh, Dông, Giàng, Pủa không tặng hoa cô à?”, bọn trẻ vô tư đáp: “Hôm nay chỉ hái được thế thôi, ngày mai em tặng cô sau!”.
Dân bản coi TNTN như con cháu của mình nên thấy họ sinh hoạt kham khổ, thiếu hoa quả, rau xanh thì mang biếu dưa chuột, đào, ngô, rau bí, su su. Trưởng bản Trống Páo Sang ở liền kề với nơi ở của TNTN biết được một tuần nay, do mưa và bận bịu công việc, TNTN chỉ ăn cá khô, muối vừng, lạc rang nên đã lặn lội quanh bản tìm mua giúp 4kg gà đen cho 40 người cải thiện.
Những tấm lòng của TNTN Sông Mã với người Mông ở La Pán Tẩn và tình cảm của bà con với TNTN tựa như chất keo của tình đoàn kết ngược xuôi một nhà. Những TNTN thêm tin ở tương lai của mình sẽ vững vàng hơn vì sự trải nghiệm, vì sự tin yêu, gửi gắm trách nhiệm của người dân chốn non cao còn đang bộn bề gian khó. Tương lai ở vùng cao rồi cũng sẽ xán lạn hơn khi hàng trăm đứa trẻ được gieo vào lòng tình yêu đất nước, nỗi khát khao học hành để trở thành những trí thức trẻ như các thành viên của Đội TNTN mang tên dòng sông Mã anh hùng.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Sáng ngày 5/7, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức lễ xuất quân các đội trí thức trẻ tình nguyện hè 2014.
YBĐT - Trong những ngày này, cùng với học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trong cả nước, tuổi trẻ học đường và lớp lớp đoàn viên thanh thiếu niên tỉnh Yên Bái với những hành động thiết thực, thể hiện lòng yêu nước chính đáng của mình bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
YBĐT - Ngày 29/5, tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi, Tỉnh đoàn Yên Bái đã tổ chức Hội thi “Báo cáo viên giỏi cấp tỉnh” năm 2014.
Ngày 19/5, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đoàn học sinh Việt Nam tham dự Hội thi khoa học, kỹ thuật quốc tế Intel ISEF năm 2014 đã có hai dự án đạt giải Tư.