Thủ lĩnh thanh niên người Tày tiên tiến
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/11/2014 | 8:56:34 AM
YBĐT - Từ hai bàn tay trắng, đến nay, gia đình anh Hà Văn Hưng - Bí thư Đoàn xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm. Với những kinh nghiệm của bản thân, anh đã mạnh dạn đề xuất với chi bộ thôn, bản xây dựng chương trình hành động của chi bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên phải tiên phong gương mẫu làm trước để quần chúng nhân dân làm theo.
Anh Hà Văn Hưng (người ngồi giữa) cùng đoàn viên thanh niên xã Sơn Lương tham gia làm cầu qua suối.
|
Việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế giờ đây đã được bà con áp dụng nhưng khoảng hơn chục năm về trước thì lại khá lạ lẫm với phần đa bà con nhân dân ở xã Sơn Lương (Văn Chấn). Cũng phải, bởi bất kể điều gì cũng cần có thời gian để khẳng định ưu điểm. Điều quan trọng là ai sẽ đi đầu thử nghiệm, tiên phong áp dụng. Phát huy sức trẻ, Hà Văn Hưng - Bí thư Đoàn xã Sơn Lương là một trong những người tiên phong áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo Sơn Lương, thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn lo toan sao có “của ăn, của để”, con cái học hành trong khi trình độ canh tác lạc hậu, chủ yếu sử dụng lúa thuần, năng suất thấp, sâu bệnh nhiều, chàng thanh niên người dân tộc Tày Hà Văn Hưng luôn canh cánh nỗi lòng làm sao để có thể tăng năng suất lúa, cải thiện được đời sống.
Với trăn trở đó, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh đã mạnh dạn chuyển đổi gần 2.000m2 ruộng của gia đình vốn trồng các loại giống địa phương, năng suất thấp, tối đa cũng chỉ được 40 - 50 tạ/ha sang trồng lúa lai và tiến hành áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật, năng suất lúa đã tăng lên gấp đôi. Sau khi khẩn trương thu hoạch vụ hè thu, anh đã tiến hành làm đất ngay để trồng cây ngô và cây khoai tây ngắn ngày đồng thời tận dụng thân lá làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Ngày đó, vụ ba còn xa lạ với người dân thì thu nhập từ vụ này của gia đình anh cũng đã đáng kể. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình anh được cải thiện.
Thấy được lợi ích của trồng vụ ba, thanh niên trong xã đã học tập làm theo. Song Hà Văn Hưng vẫn chưa bằng lòng với kết quả đạt được: "Canh tác vụ 3 tuy đã đủ ăn nhưng tôi vẫn trăn trở nhiều lắm. Tôi quyết định đi nhiều nơi, tìm hiểu đủ cách làm kinh tế. Tôi nhận thấy với diện tích đất ít ỏi khó có thể làm giàu bằng trồng trọt nên hướng phù hợp nhất với điều kiện của tôi là chăn nuôi". Từ đó, anh bắt tay cải tạo mảnh đất của mình, lập dự án vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Từ nguồn vốn vay cùng vốn gia đình, vay mượn anh em họ hàng, anh xây dựng một trang trại chăn nuôi tổng hợp, nuôi lợn kết hợp xây hầm khí sinh học bioga, nuôi chim bồ câu theo hình thức nuôi nhốt, mua máy xay xát phục vụ gia đình và bà con trong thôn, bản. Từ những lứa lợn đầu tiên vài chục con xuất chuồng, anh đã thấy hướng đi của mình là đúng. Phần lợi nhuận thu được anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất với 30 cặp chim bồ câu Pháp, 40 cặp chim bồ câu lai và áp dụng hình thức nuôi nhốt tập trung.
Anh cho biết: "Mô hình này dễ áp dụng, đầu tư ban đầu vừa phải mà hiệu quả kinh tế lại cao, rất phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình". Đàn chim bồ câu của anh trưởng thành, sinh sản rất tốt, cho giá trị kinh tế cao. Thấy mô hình hay, nhiều thanh niên trong vùng tìm đến học tập, anh đều chia sẻ kinh nghiệm, tận tình giúp đỡ, chỉ bảo kỹ thuật.
Từ hai bàn tay trắng, đến nay, gia đình anh đã có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm. Với những kinh nghiệm của bản thân, anh đã mạnh dạn đề xuất với chi bộ thôn, bản xây dựng chương trình hành động của chi bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên phải tiên phong gương mẫu làm trước để quần chúng nhân dân làm theo. Từ đó, đời sống của người dân đã dần được cải thiện. Đồng thời, KHKT, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp được người dân áp dụng vào sản xuất như máy cày, máy bừa, máy gặt đập liên hoàn, giảm bớt công lao động, rút ngắn thời vụ, đưa cây vụ 3 vào trồng kịp thời, tăng thu nhập trên một diện tích canh tác.
Thủ lĩnh thanh niên người Tày ấy đã không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân mà còn luôn trăn trở làm sao có nhiều sáng kiến tập hợp thanh niên, xây dựng các mô hình làm kinh tế giúp đoàn viên thoát nghèo, luôn tiên phong trong việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Vì vậy, anh luôn được các bạn đoàn viên thanh niên tín nhiệm, được bà con nhân dân tin yêu.
Minh Tư
Các tin khác
YBĐT - Anh Hà Quang Hành - Bí thư Đoàn xã Phù Nham (huyện Văn Chấn) được nhiều người biết đến không chỉ bởi chàng trai này là một thủ lĩnh Đoàn gương mẫu mà còn năng động trong phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh.
YBĐT - Thành lập từ đầu năm 2011, với nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, Hội Thầy thuốc trẻ Yên Bái đã bước đầu khẳng định vai trò xung kích của đội ngũ các y, bác sỹ trẻ trong việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân.
YBĐT - 5 năm qua, phong trào “Thanh niên tình nguyện (TNTN) vì cuộc sống cộng đồng” trên địa bàn huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
YBĐT - Huyện Mù Cang Chải hiện có gần 20 nghìn thanh niên độ tuổi từ 16 - 35, chiếm 37% dân số toàn huyện, trong đó 15.942 người được tập hợp vào tổ chức Đoàn và Hội. Trong những năm qua, cùng với xây dựng, phát triển tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.