Mù Cang Chải kỳ vọng thoát nghèo từ du lịch

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/9/2023 | 7:49:16 AM

YênBái - Hai nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ huyện Mù Cang Chải là quyết tâm trở thành huyện du lịch - là điểm đến “Bản sắc - An toàn - Thân thiện” và cơ bản không còn là huyện nghèo. 2 nhiệm vụ này đang được thực hiện đồng bộ với kỳ vọng du lịch phát triển sẽ thúc đẩy giảm nghèo bền vững.

Du lịch phát triển giúp đồng bào có thêm việc làm, thêm thu nhập từ nhiều công việc: biểu diễn văn nghệ, hướng dẫn viên bản địa, bán nông sản…
Du lịch phát triển giúp đồng bào có thêm việc làm, thêm thu nhập từ nhiều công việc: biểu diễn văn nghệ, hướng dẫn viên bản địa, bán nông sản…


Có thể khẳng định, du lịch phát triển sẽ giúp đồng bào Mông ở Mù Cang Chải tự tạo thu nhập từ nhiều công việc: mở homestay, biểu diễn văn nghệ, hướng dẫn viên bản địa, bán nông sản… Bởi vậy, thời gian qua, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào Mông thay đổi tư duy, cách làm, mạnh dạn đầu tư du lịch cộng đồng tại các địa phương có thế mạnh. Khởi nghiệp với mô hình homestay, bạn trẻ Hờ Thị Dinh ở xã La Pán Tẩn kỳ vọng sẽ thoát khỏi đói nghèo và làm giàu trên chính quê hương. 

Dinh chia sẻ: "Năm 2022, khi Homestay Winds của em đi vào hoạt động, em đã vận động em trai tham gia học nghề pha chế đồ uống; cùng với bố mẹ lên thực đơn và chế biến các món ăn dân tộc sao cho vừa giữ được nét độc đáo, vừa tinh tế và hợp với khẩu vị của các thực khách hiện đại. Từ đó, mọi thành viên trong gia đình đều có việc làm và thu nhập. Mới đi vào hoạt động, lượng khách chưa nhiều nhưng cũng bước đầu giúp gia đình em cải thiện cuộc sống”. 

Với các hoạt động hỗ trợ về xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nghề về các kỹ năng phục vụ du lịch, người Mông ở Mù Cang Chải đã ngày càng mạnh dạn hơn để đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Chỉ tính riêng năm 2022, huyện đã hỗ trợ thành lập 2 tổ tự quản thu gom rác thải, mở 2 lớp truyền dạy biểu diễn khèn Mông, duy trì và thành lập mới 19 đội văn nghệ; xây dựng 2 nhà vệ sinh đạt chuẩn tại điểm du lịch… 

Nhờ đó, đã có 9 homestay mới được hình thành và đi vào hoạt động, nâng tổng số homestay toàn huyện lên 105 cơ sở, có khả năng phục vụ trên 3.000 người nghỉ/đêm. Nhiều mô hình đã đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm như: Hello Mù Cang Chải của vợ chồng Giàng A Dê, Sùng Thị Lỳ; A Su Homestay của Thào A Su… 

Để du lịch phát triển bền vững, ngoài việc xây dựng các hạng mục, cơ sở hạ tầng du lịch, huyện còn tích cực chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển các sản vật đặc trưng theo hướng hàng hoá, hình thành sản phẩm phục vụ du lịch.

Đến nay, một số vùng sản phẩm nông sản đặc trưng như: 6.000 ha sơn tra, 50 ha lê tai nung, 30 ha hồng giòn, 100 ha ngô tí hon… được hình thành và nhân rộng ở Mù Cang Chải, phục vụ nhu cầu nội tiêu và du lịch. 

Chị Vừ Thị Chía ở xã Hồ Bốn phấn khởi chia sẻ: "Phải hơn 5 năm rồi, toàn bộ diện tích đất đồi của gia đình tôi chỉ trồng ngô nếp xám mi ni. Bây giờ, người ta đến huyện du lịch ngày càng nhiều; giống ngô này lại là một đặc sản của địa phương mà không phải nơi nào cũng có nên dễ bán lắm. Mang ra chợ bán một lúc là hết cả vài trăm bắp, còn có cả thương lái đặt mua nữa. Vụ ngô năm nay tôi cũng thu được 32 triệu đồng, số tiền này để dành lo cho lũ trẻ học hành và một phần trả nợ ngân hàng khoản vay mua trâu bò của gia đình”. 

Một số điểm dừng chân, gian hàng bày bán nông sản, sản phẩm văn hóa và các đồ lưu niệm cũng từng bước được hình thành, trở thành nơi để người dân buôn bán hàng hóa, nông sản do mình làm ra.

Những lợi ích từ hoạt động du lịch mang lại cho người dân đã được khẳng định, đó là tối đa hóa việc sử dụng lao động, sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ địa phương, từ đó, người dân có thêm việc làm, thêm thu nhập và vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. 

Tuy nhiên, để du lịch thực sự trở thành công cụ giảm nghèo bền vững, chính quyền địa phương cần tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách nhằm thu hút nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự để thu hút du khách thập phương. 

Đồng thời, có giải pháp hữu hiệu phục hồi, phát huy các hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào, tạo dấu ấn riêng phục vụ khách du lịch trải nghiệm. Có như vậy, người dân mới không đứng ngoài cuộc và được hưởng những lợi ích mà ngành du lịch mang lại.

Hoài Anh

Tags du lịch ruộng bậc thang thoát nghèo bản sắc an toàn thân thiện

Các tin khác
Chăn nuôi đại gia súc là một trong những giải pháp giúp người dân Văn Chấn phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Huyện đặc biệt tránh các biểu hiện ưu tiên cho anh em, dòng họ của một bộ phận cán bộ làm công tác giảm nghèo trong quá trình thực hiện chính sách và xét duyệt, đánh giá hộ nghèo.

Ảnh minh hoạ

Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tại Quyết định số 90.

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu kiểm tra mô hình chăn nuôi ở cơ sở.

Đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là một trong những giải pháp quan trọng để Yên Bái thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững.

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn.

Trong 3 ngày 15 - 17/9, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Bình đã tổ chức tập huấn công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2023 cho trên 700 cán bộ là thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo rà soát cấp huyện, cấp xã, các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn và đội ngũ rà soát viên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục