Thời gian qua, Hội Phụ nữ xã Thạch Lương là đơn vị tham gia tích cực vào triển Dự án truyền thông về giảm nghèo. Hội có 954 hội viên, trong đó có 263 hội viên thuộc diện hộ nghèo. Xác định giúp hội viên được tiếp cận với các thông tin cần thiết về áp dụng các chính sách, kỹ thuật vào sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm, Hội đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, đặc biệt tuyên truyền cho chị em phụ đưa các mô hình mới vào sản xuất.
Được sự tuyên truyền, vận động của Hội về đưa các giống mới vào sản xuất, chị Hà Thị Đức, thôn Nậm Tọ, xã Thạch Lương đã mạnh dạn đưa toàn bộ 1.500 m2 ruộng vào trồng mướp đắng. "Trước đây, số diện tích này trồng lúa, trồng ngô năng suất không cao lắm nhưng từ khi chuyển sang trồng mướp đắng lấy hạt, mỗi vụ gia đình thu về trên 50 triệu đồng tiền lãi”, chị Đức cho biết.
Chị Hà Thị Toán - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạch Lương cho biết: "Hội đã lên kế hoạch, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể giúp đỡ hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế; tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhất là đưa các mô hình mới vào sản xuất như trồng mướp đắng, dưa chuột, bí.. cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, đã có 35 hộ trồng bí với 27,5 ha, 13 hộ trồng dưa chuột với 11.700m2. Nhờ vậy trong năm 2023, Hội đã có 5 hội viên thoát nghèo”.
Phù Nham là địa phương điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở Nghĩa Lộ. Để giúp người dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, những năm qua, xã Phù Nham đã khuyến khích người dân thành lập các tổ hợp tác (THT) cùng nhau phát triển kinh tế.
Một trong những cây trồng chủ lực được người dân xã Phù Nham lựa chọn là chanh leo. Ông Quách Văn Nguyện, thành viên THT Chanh leo xã Phù Nham cho biết: Thực hiện liên kết sản xuất, một số hộ có diện tích liền kề đứng ra thành lập THT. Hiện, THT có trên 50 hộ dân sản xuất tập trung trên diện tích 10 ha. Nhờ hỗ trợ nhau sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, diện tích chanh leo của THT phát triển tốt, một năm 4 lứa, năng suất bình quân 300 kg/ha/lứa.
Hợp tác xã mây tre đan của Hội Phụ nữ xã Nghĩa An giúp hội viên có việc làm ổn định, góp phần xóa đói nghèo
Với 10 ha, vào năm thứ nhất, THT thu hái được trên 10 tấn/ha, tăng lên 20 - 30 tấn vào năm thứ 2 và thứ 3. Đầu ra sản phẩm được Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc ký hợp đồng bao tiêu hàng năm. Hiệu quả kinh tế từ cây chanh leo cao gấp 2 - 3 lần so với cây lúa giúp các thành viên ổn định được cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
"Khi có chủ trương trồng chanh leo, gia đình tôi đã chuyển đổi 1.000m2 trồng màu sang trồng loại cây này. Ban đầu trồng, gia đình được cán bộ hỗ trợ tận tình về kỹ thuật. Nhờ chăm sóc tốt nên sản lượng quả trung bình đạt 8 tạ/1.000m2. Nhờ chanh leo mà gia đình tôi không những thoát nghèo mà vươn lên làm giàu”, chị Lò Thị Diêu, thôn Chanh, Phù Nham chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Phù Nham Lương Văn Hà cho biết: "Toàn xã đã thành lập được 19 THT trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 5 THT chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng giá trị cao gắn với tiêu thụ sản phẩm. Liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm đang là hướng đi bền vững cho sản xuất nông nghiệp. Hiện nhiều THT đã và đang phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người nông dân”.
Những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thị xã Nghĩa Lộ đã phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo; tập trung hỗ trợ về kinh tế thông qua hỗ trợ về dịch vụ sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, đặc biệt là phong trào giúp đỡ các hộ nghèo làm nhà ở được triển khai sôi nổi, rộng khắp, góp phần giúp hàng trăm hộ nghèo có nhà ở kiên cố. Riêng năm 2023 đã có 67/67 hộ nghèo được hỗ trợ, hoàn thành nhà ở theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn thị xã.
Cùng với đó, thị xã còn quan tâm dành nguồn lực triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là đồng bào khu vực đặc biệt khó khăn, khu vực nông nghiệp.
Theo đó, trong năm 2023 có trên 1.470 hộ nghèo và cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như: hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong, nuôi cá; trồng dưa hấu; hỗ trợ máy móc, công cụ sản xuất; hỗ trợ làm chuồng trại, hỗ trợ phân bón.
Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ Đỗ Thị Thanh Nga cho biết: "Từ năm 2021 đến nay, nhờ tập trung mọi nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nên bình quân mỗi năm thị xã giảm 4,02% hộ nghèo. Để đạt được kết quả này, thị xã tăng cường khảo sát thực tế, nắm bắt nhu cầu nguyện vọng của người dân để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai chính sách giảm nghèo đến các thôn bản”.
"Cùng với đó, Nghĩa Lộ chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung nâng cao mức sống của người dân thông qua phát huy thế mạnh địa phương như trồng chè, lúa hàng hóa, cỏ ngọt xuất khẩu, cây ăn quả, phát triển du lịch… Đặc biệt là hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết người dân sản xuất theo hướng tập trung. Đây cũng là cơ sở quan trọng đề thị xã tiếp tục kết quả thực hiện mục tiêu giảm 660 hộ nghèo trong năm 2023,”, bà Nga cho biết thêm.
Văn Tuấn