- Xin đồng chí cho biết, những kết quả trong công tác giảm nghèo của huyện Lục Yên trong thời gian qua?
Đồng chí Nông Thu Hà: Xác định giảm nghèo là một nhiệm vụ quan trong trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, huyện Lục Yên đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn cùng tham gia tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác giảm nghèo bền vữn. Trong đó đã cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo gắn với phân công trách nhiệm cho các cấp, các ngành, đơn vị trong thực hiện, đồng thời huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn nguồn lực của Trung ương, của tỉnh, huyện và nguồn xã hội hóa để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo.
Nhờ vậy, từ năm 2022 đến nay, bình quân mỗi năm toàn huyện hộ nghèo giảm trên 6,44% (trong đó, năm 2022 số hộ nghèo giảm 2.087 hộ, tương ứng 7,18%; dự kiến kết quả năm 2023 số hộ nghèo giảm 1.649 hộ, tương ứng 5,71%), góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 7,6%
- Xin đồng chí cho biết huyện đã làm thế nào để đạt được kết quả này?
Đồng chí Nông Thu Hà: Trước hết, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Yên Bái, huyện Lục Yên đã đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo bền vững, đặt hộ nghèo, người nghèo vào vị trí chủ thể của hoạt động giảm nghèo, lấy sự phát triển của người nghèo, hộ nghèo làm trung tâm trong các chương trình, dự án giảm nghèo. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động để khơi dậy khát vọng vươn lên thoát nghèo; loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của hộ nghèo vào sự trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng.
Đồng chí Nông Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên
Hàng năm, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn; các phòng ban chuyên môn, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến thôn, tổ dân phố xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ nghèo để tìm hiểu nguyên nhân nghèo và giải pháp phù hợp với thực tế cho từng hộ gia đình như hỗ trợ giống cây trồng, giống con nuôi, vật tư, phân bón, máy móc nông cụ…; chú trọng đến phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, nâng cao thể chất lực lượng lao động; đào tạo nghề, việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người nghèo.
Các chính sách giảm nghèo được chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nhất là các chính sách liên quan trực tiếp đến đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, nhà ở… tạo điều kiện và là động lực để hộ nghèo cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo.
- Bên cạnh những thành quả đạt được, huyện Lục Yên đang phải đối mặt với những khó khăn nào trong công tác giảm nghèo, thưa đồng chí?
Đồng chí Nông Thu Hà: Có thể khẳng định, kết quả giảm nghèo của huyện trong thời gian qua là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của người dân, song Lục Yên vẫn gặp không ít khó khăn như: Công kết quả giảm nghèo chưa bền vững; chất lượng cuộc sống của nhóm hộ thoát nghèo và hộ cận nghèo còn ở mức thấp, các hộ thoát nghèo thực chất chỉ là vượt qua ngưỡng chuẩn nghèo, cuộc sống còn khó khăn; một bộ phận người nghèo, đối tượng được hưởng lợi còn thụ động trong tiếp nhận nguồn vốn, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo.
Nguyên nhân là do mặt bằng dân trí tại các vùng khó khăn còn thấp, chưa đồng đều; công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về giảm nghèo có mặt còn hạn chế; còn một bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo để hưởng các chế độ, chính sách của nhà nước. Một số hộ còn ngại vay vốn sản xuất, kinh doanh để cải thiện điều kiện sống.
- Để phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 3% vào năm 2025, trong thời gian tới, huyện có các giải pháp gì để đạt mục tiêu trên, thưa đồng chí?
Đồng chí Nông Thu Hà: Nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 3% vào năm 2025, trong thời gian tới, huyện tiếp tục phổ biến, quán triệt, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững, trọng tâm là Chỉ thị số 05 ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”, Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 20/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục lãnh đạo hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Chương trình hành động số 28-CTr/HU ngày 08/3/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 61-NQ/TU và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trên địa bàn cùng chung tay thực hiện công tác giảm nghèo.
Đồng thời, gắn trách nhiệm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững với trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy, chính quyền các cấp; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.
Cùng với đó, huyện tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo của các hộ nghèo; phân tích hiện trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo của toàn huyện, từng xã để phân nhóm và có giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao thu nhập và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp, thiết thực với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, trong đó tập trung vào các nhóm chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, hỗ trợ các mô hình sinh kế... nhằm cải thiện thu nhập và mức sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Trong năm 2023, huyện Lục Yên đã tổ chức tập huấn cho trên 500 cán bộ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp
Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án về phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn, tăng cường đào tạo nghề và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để giải quyết việc làm, nâng cao năng suất, thu nhập cho người lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp, nhất là cấp cơ sở ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, gắn với các phong trào thi đua và các cuộc vận động vì người nghèo nhằm huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nguồn lực từ các cộng đồng dân cư cho công tác giảm nghèo....
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Văn Tuấn (thực hiện)