Hàng tuần, trong các buổi sinh hoạt cộng đồng của tổ dân phố số 14, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, ngoài tập luyện văn nghệ, thể thao, hội họp thì đọc sách, trao đổi thông tin cũng là hoạt động được đông đảo người dân tham gia.
Tủ sách tại nhà văn hóa tổ dân phố 14 được xây dựng từ hơn 10 năm nay với hàng trăm đầu sách các loại. Để tạo nguồn sách phong phú phục vụ nhu cầu tìm đọc, tra cứu thông tin của người dân, tổ dân phố đã thường xuyên cập nhật sách mới từ ngành văn hóa của thành phố và Thư viện tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, trong năm 2023, Đoàn thanh niên Thư viện tỉnh phối hợp với tổ dân phố tiếp tục đầu tư, bổ sung thêm hàng trăm đầu sách thuộc các thể loại và hỗ trợ nghiệp vụ quản lý sách nên tủ sách được khai thác thường xuyên hơn.
Ông Phan Văn Minh - tổ dân phố 14, phường Đồng Tâm cho biết: "Dù ngày nay việc tiếp cận thông tin qua thiết bị công nghệ như tivi, máy tính, điện thoại đã trở nên phổ biến nhưng văn hoá đọc sách vẫn không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Những thông tin trên sách luôn chính thống, đặc biệt là những thông tin về chính trị, pháp luật, sách văn học, lịch sử, sách khoa giáo. Do vậy, tôi thấy việc xây dựng tủ sách cộng đồng là hết sức cần thiết và hữu dụng, đảm bảo cho nhân dân được tiếp cận thông tin đầy đủ”.
Cũng từ tủ sách cộng đồng, anh Sùng A Dâu ở thôn Làng Ca, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn có cơ hội nghiên cứu, tìm kiếm những thông tin liên quan đến phát triển kinh tế, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình, giảm nghèo bền vững. Nhờ đó đến nay, Sùng A Dâu đã là chủ mô hình phát triển kinh tế với nhiều giống cây trồng mới như: ổi Đài Loan, mít Thái, cây sa nhân. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc nên các cây đều phát triển tốt, bước đầu đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Anh Dâu cho biết: "Trước đây tôi trồng thử nghiệm cây nhãn, nhưng do không tìm hiểu kỹ về khí hậu, thổ nhưỡng lại không có kỹ thuật nên đã không thành công. Giờ đây, nhờ được tiếp cận thông tin qua sách báo chính thống, đặc biệt là những đầu sách được trang bị ở tủ sách cộng đồng đã giúp tôi có thêm kiến thức phục vụ phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập”.
Thư viện tỉnh Yên Bái bàn giao Tủ sách cộng đồng cho xã Suối Bu, huyện Văn Chấn.
Thực hiện Kế hoạch số 123/KH-VHTTDL ngày 06/6/2023 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, thuộc Dự án 6 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, dưới sự chỉ đạo của Sở, Thư viện tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 176/KH-TV triển khai hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Thư viện tỉnh đã lựa chọn 25 xã thuộc 4 huyện: Lục Yên, Văn Chấn, Văn Yên, Mù Cang Chải đủ tiêu chí theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng.
Bà Đồng Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: "Đến hết tháng 9/2023, Thư viện tỉnh đã
bàn giao tủ sách cộng đồng cho 25 xã được hỗ trợ thuộc 4 huyện: Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn và Mù Cang Chải. Theo đó, mỗi tủ sách cộng đồng được hỗ trợ xây dựng với tổng kinh phí 30 triệu đồng, gồm hai giá sách, 173 tên sách với 376 bản sách".
Bà Hạnh nhấn mạnh: "Việc hỗ trợ xây dựng các tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Yên Bái nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường khả năng tiếp cận thông tin tri thức cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần hỗ trợ tài nguyên thông tin thư viện cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa đọc chất lượng, hiệu quả. Qua đó cũng hình thành thói quen đọc sách và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Yên Bái”.
"Xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống, điều kiện còn rất nhiều khó khăn. Tôi rất vui khi xã là một trong những địa phương được thụ hưởng chương trình này. Tủ sách sẽ giúp chúng tôi xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ và bà con trong xã, từ đó nâng cao nhận thức của bà con về pháp luật, hôn nhân gia đình, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống"- ông Sùng Thành Công, Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải chia sẻ.
Có thể nói, việc xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ tạo điều kiện cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn thông tin, tri thức hiện đại nâng cao đời sống văn hóa tinh thần mà còn góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Thu Trang