Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến, quán triệt các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo; nâng cao ý thức cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng hưởng lợi từ Chương trình; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025; nghị quyết, chương trình của Trung ương, của tỉnh.
Cùng đó là phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và cơ quan, đơn vị trong lãnh, chỉ đạo thực hiện Chương trình; công tác triển khai các các dự án giảm nghèo, mô hình giảm nghèo, gương điển hình tiên tiến trong nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình tại cơ sở.
Là người có uy tín ở thôn Suối Xuân, xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, ông Sùng A Đơ đã có đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Ông đã thường xuyên tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình giảm nghèo bền vững; chương trình xây dựng nông thôn mới; các Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất, làm đường giao thông nông thôn... trực tiếp vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất tăng thu nhập.
Từ đó đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong thôn qua các năm: năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo trong thôn là trên 70%, đến năm 2022 đã giảm được 38 hộ, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới còn 67%.
Ông Đơ cho biết: "Thôn Suối Xuân có 104 hộ với 553 nhân khẩu, trong đó 100% là dân tộc Mông. Đời sống của bà con chủ yếu sản xuất là nông, lâm nghiệp. Để bà con thay đổi tư duy phát triển kinh tế, giảm nghèo, tôi và gia đình luôn phải làm gương, đi đầu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới, người dân thấy được hiệu quả rồi thì sẽ học tập làm theo. Cái gì biết thì tuyên truyền, chia sẻ, cái nào thấy chưa đúng thì bằng kinh nghiệm và hiểu biết của mình mà phân tích, góp ý cho mọi người hiểu, cùng nhau làm để xây dựng thôn bản đoàn kết, văn minh".
Là tổ chức Hội với 169.970 hội viên sinh hoạt tại 196 cơ sở Hội và tương đương, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động cho Hội viên phụ nữ và nhân dân về các văn bản của tỉnh, của địa phương về công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới; tích cực hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, "Yên Bái xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững”; "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với việc thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch” …
Gần đây nhất, giữa tháng 9/2023, Hội đã tổ chức chương trình truyền thông về giảm nghèo đa chiều dành cho hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tại sự kiện truyền thông, thông qua hình thức sân khấu hóa, tọa đàm về tạo dựng sinh kế bền vững, hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã được cung cấp thêm thông tin, kiến thức về các chính sách, chủ trương hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Bà Đặng Thị Hương - hội viên phụ nữ thôn Khe Đát, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Qua tham dự sự kiện truyền thông về giảm nghèo đa chiều, bản thân tôi cũng như các hội viên đã được cung cấp thêm thông tin, kiến thức về các chính sách, chủ trương hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước để từ đó biết tìm kiếm các cơ hội thoát nghèo, xây dựng kinh tế phát triển bền vững”.
Để đạt mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3,3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo trong các dân tộc thiểu số, tỷ lệ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm bằng 1,5 lần so với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh, cùng với thực hiện hiệu quả các chương trình, các chính sách, dự án, giải pháp giảm nghèo bền vững, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng mục tiêu của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đến các cấp, các ngành, người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua đó, giúp người dân hiểu rõ hơn về cách tiếp cận mới về giảm nghèo đa chiều để thay đổi cách nghĩ, cách làm, phát huy nội lực, tích cực tham gia các chương trình giảm nghèo, tiếp thu các kiến thức khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi phương thức sản xuất, mô hình kinh tế, nắm bắt thông tin về thị trường để có định hướng đúng trong phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thanh Chi