Một sinh viên Việt Nam nhận học bổng 6 tỷ đồng
- Cập nhật: Thứ ba, 4/9/2007 | 12:00:00 AM
Ngày 4/9, ĐH Stanford của Mỹ bắt đầu đào tạo học vị tiến sĩ kinh tế kéo dài 5 năm cho một sinh viên Việt Nam ưu tú. Đó là Nguyễn Chí Hiếu, 25 tuổi, cựu học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Sinh viên Nguyễn Chí Hiếu.
|
Sau khi đạt danh hiệu Sinh viên giỏi nhất nước Anh, được Viện Giáo dục quốc tế (IIE) bầu chọn là một trong 100 sinh viên xuất sắc thế giới, Nguyễn Chí Hiếu tiếp tục giành được suất học bổng toàn phần trị giá 375.000 USD (tương đương 6 tỷ đồng) của ĐH Stanford.
Hiếu đã có cuộc trò chuyện cùng phóng viên.
Bí quyết nào giúp Hiếu chỉ thời gian ngắn liên tục nhận được nhiều giải thưởng quốc tế?
Thật ra chẳng có bí quyết gì cả. Khi học thì cũng chẳng có ý nghĩ là phải ráng học để được giải thưởng này, giải thưởng kia. Mình chỉ biết cố gắng học, để được tốt nghiệp loại giỏi. Có lẽ bí quyết quan trọng nhất là biết cân bằng giữa việc học tập và cuộc sống.
Hiếu có nhận xét gì về môi trường học tập ở Anh?
Khi học ở Anh (Học viện Kinh tế - Chính trị London), mình cảm thấy có một vài điểm nổi bật như: sự tự do, tôn trọng 2 chiều giữa thày và trò; sự hiện đại và flexibility (uyển chuyển); các phương tiện hỗ trợ việc học tập được chú trọng đầu tư rất kỹ; tính áp dụng cao; sự công bằng và đặc biệt là nhiều hoạt động ngoại khóa...
Có nhiều trường cấp học bổng chương trình tiến sĩ, vì sao Hiếu lại chọn Stanford?
Mình được 2 trường ở Anh (Cambridge và LSE) và 3 trường ở Mỹ (Columbia, Northwestern và Stanford University) nhận và cấp học bổng đào tạo tiến sĩ. Về lý do mình chọn Stanford thì trước hết là do chất lượng giáo dục của Stanford là một trong những trường hàng đầu nước Mỹ và trên toàn thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.
Hiếu sẽ tập trung nghiên cứu về lĩnh vực nào trong thời gian ở Stanford?
Thường một nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Stanford sẽ chọn 4 lĩnh vực để nghiên cứu: 2 lĩnh vực chính và 2 lĩnh vực phụ. Không biết mình có thay đổi sau này hay không, nhưng hiện tại dự định của mình là chọn Kinh tế tài chính (Financial Economics) và Kinh tế phát triển (Development Economics) là 2 lĩnh vực chính; còn 2 lĩnh vực phụ sẽ là Kinh tế vi mô (Microeconomics) và Kinh tế lượng (Econometrics).
Dự định của Hiếu cho công việc tương lai?
Có lẽ sau khi tốt nghiệp, mình sẽ khởi đầu với ngành Tài chính để học hỏi thêm, vì đây là một lĩnh vực đang rất phát triển trên toàn thế giới... Khi được bạn bè hỏi về kế hoạch tương lai thì mình hay trả lời "Wherever the wind blows me to, I'll just fly with it, happily!" (Dù gió thổi mình đến bất cứ nơi đâu, mình cũng sẽ vui vẻ bay cùng với gió)...
(Theo TNO)
Các tin khác
Công sở không phải là địa ngục để chúng ta nhìn với nhau với ánh mắt dè chừng. Việc cơ quan cũng không nhiều đến nỗi bạn không còn thời gian để chào đồng nghiệp. Mỗi ngày ở công sở sẽ là một ngày vui nếu bạn bắt đầu nó bằng những việc đơn giản sau:
Bạn bè cho chúng ta nhiều thứ: Tình yêu, những lời động viên, sự giúp đỡ và tình bạn chân thành... Và có lẽ, điều giá trị nhất họ mang đến cho chúng ta đó chính là những lời khuyên.
YBĐT - Hưởng ứng phong trào tình nguyện hè năm 2007, đoàn viên thanh niên chi đoàn Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái đã có nhiều hoạt động trong các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt ngày 17 tháng 7 các đoàn viên thanh niên đã trích quỹ Đoàn mua 20 suất quà và tổ chức trao cho 20 gia đình chính sách, có công với cách mạng tại xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên.
Nhiều người ngạc nhiên khi biết tin cặp song sinh Võ Tiến Duy và Võ Hữu Tân thi đỗ 4 trường trong kỳ thi đại học vừa qua. Nhà nghèo, bố mẹ làm nghề nông, chung sống cùng bà nội đã gần 90 tuổi, nhưng các em luôn học giỏi, làm nức danh gia đình.