15 dự án và hành trình của giám đốc tuổi 19

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/9/2007 | 12:00:00 AM

Ðam mê kinh doanh, yêu thích khoa học, Nguyễn Thị Ngọc Thúy đã tạo cho mình một bản lĩnh của tuổi trẻ. Đề án "Trung tâm sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng tái chế Ðất Việt" của em đã đoạt giải nhất, cho nhà kinh doanh nhỏ tuổi nhất giành được số vốn cao nhất 200 triệu đồng từ cuộc thi "Khởi nghiệp 8".

Thúy bắt đầu "kinh doanh" khi mới học lớp sáu. Chỉ có 20 nghìn đồng tiền vốn, em đã âm thầm đi mua vật liệu phế thải về tự tay thiết kế. Cô bé có năng khiếu "nghịch phế liệu" đã làm được ba cái thiếp chúc mừng sinh nhật rồi lân la khắp các cửa hàng bán đồ lưu niệm trong thành phố để ký gửi nhưng không ai nhận vì chê thiếp xấu. Mãi rồi cũng có một cửa hàng đồng ý với điều kiện khi nào bán được thì gọi cho biết, không thì thôi.

Gần ba tháng sau vẫn không nhận được hồi âm, em nhờ một người bạn đến hỏi mua những tấm thiếp mà em đã làm thì được trả lời khách hàng đã mua từ lâu rồi. Em rất buồn nhưng tự an ủi, "dù sao sản phẩm của mình cũng đã được một cửa hàng chấp nhận cho ký gửi, thế là được rồi".     

Sau lần thất bại đó, Thúy lao vào nghiên cứu thị trường, cách làm, học hỏi kinh nghiệm từ sách vở, những người đi trước rồi lại làm thiếp, quần áo đồng phục nhưng không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc.

Ðến năm học lớp 9, em quyết định làm lại. Lần này hàng hóa của Thúy không chỉ gói gọn ở những tấm thiếp sinh nhật, mà còn thêm nhiều sản phẩm khác như dép làm bằng cói, túi sách bằng bao bố, đồ trang sức, dụng cụ học sinh... tái chế từ những vật phế liệu thải. Em không đem ký gửi như lần trước mà có hẳn một chiến lược kinh doanh đàng hoàng bằng cách chào bán hàng trên mạng internet qua website Liktinhop.net.tf. Từ đó em bán được nhiều hàng, đơn giản và hiệu quả. Khách hàng của Thúy ở khắp nơi, từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, cho đến cả khách nước ngoài.

Thúy kể: "Thực ra đề án lấy hàng tiêu dùng phế thải để chế tác thành hàng tiêu dùng mới chính là cách mà em đã làm túi sách, hàng lưu niệm, giày, dép, thiếp... để bán từ nhiều năm nay, nên khi gửi dự thi em chỉ hoàn thiện thêm cho hoàn chỉnh về phần lý thuyết, và những đánh giá, cách phòng ngừa rủi ro, chiến lược quảng cáo"... Với tiêu chí trẻ hóa công việc, sau cuộc thi, Thúy đã đổi tên công ty mình là 8TEEN. "Em muốn đánh dấu sự nghiệp của mình ở tuổi 18, và sau này 8TEEN sẽ có nhiều những mặt hàng đẹp, lạ, độc đáo phù hợp với tiêu chí và thị hiếu của lứa tuổi 18".

Ý tưởng về các dự án của Thúy thường xuất phát từ nhu cầu chung quanh. Mỗi năm, trường của em đều tổ chức cuộc thi bảo vệ môi trường, tái chế đồ cũ thành mới, hữu ích. Từ những sản phẩm, em bắt đầu xây dựng các đề án sản xuất kinh doanh và gửi dự thi, với mong muốn hiện thực hóa những ý tưởng và sản phẩm hữu ích đó.

Khi được biết một trong những lý do khiến sông Hương không được UNESCO công nhận là di sản Thế giới vì sông Hương chưa có dự án quy hoạch cụ thể để bảo vệ nguồn nước, em đã nghĩ ngay đến ý tưởng làm kè lọc nước  bằng hai nguyên liệu chính là tre và bèo tây. Năm 2005, Thúy đã đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi "Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước" do Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo Khoa học và Ðời sống tổ chức với dự án "Làm kè lọc nước bằng tre trên sông Hương".

Và cũng với dự án này, trong cuộc thi năm 2006, với tính thực tế đưa vào, vượt qua hơn một nghìn đối thủ trong toàn quốc, dự án của em đã đoạt giải nhì.

Ðam mê kinh doanh, yêu thích khoa học, Nguyễn Thị Ngọc Thúy đã tạo cho mình một bản lĩnh của tuổi trẻ,  tìm mọi cách để vượt lên chính mình.

(Theo Nhân Dân)

Các tin khác
Sinh viên Nguyễn Chí Hiếu.

Ngày 4/9, ĐH Stanford của Mỹ bắt đầu đào tạo học vị tiến sĩ kinh tế kéo dài 5 năm cho một sinh viên Việt Nam ưu tú. Đó là Nguyễn Chí Hiếu, 25 tuổi, cựu học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Công sở không phải là địa ngục để chúng ta nhìn với nhau với ánh mắt dè chừng. Việc cơ quan cũng không nhiều đến nỗi bạn không còn thời gian để chào đồng nghiệp. Mỗi ngày ở công sở sẽ là một ngày vui nếu bạn bắt đầu nó bằng những việc đơn giản sau:

Bạn bè cho chúng ta nhiều thứ: Tình yêu, những lời động viên, sự giúp đỡ và tình bạn chân thành... Và có lẽ, điều giá trị nhất họ mang đến cho chúng ta đó chính là những lời khuyên.

YBĐT - Hưởng ứng phong trào tình nguyện hè năm 2007, đoàn viên thanh niên chi đoàn Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái đã có nhiều hoạt động trong các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt ngày 17 tháng 7 các đoàn viên thanh niên đã trích quỹ Đoàn mua 20 suất quà và tổ chức trao cho 20 gia đình chính sách, có công với cách mạng tại xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục