Một tấm gương vượt khó
- Cập nhật: Thứ bảy, 10/11/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Một tiết học ở tuần đầu tiên của năm học 2006 - 2007, vừa ra câu hỏi đã có một số em giơ tay, tôi chăm chắm nhìn, định sẽ gọi một học sinh phát biểu ý kiến. Bỗng dưng, có một cậu học trò quay sang bên cạnh: "Cho tớ mượn cái thước!". Nhìn vào sơ đồ của lớp, tôi biết đó là Hưng.
Đội tuyển của trường đoạt giải nhất cuộc thi "Theo chân Bác" trên sóng PTTH tỉnh Yên Bái lần I năm 2007.
|
Tức thì Hưng đứng lên: "Em xin lỗi cô, em chưa đủ dụng cụ học tập, em phải mượn ạ!". Không nỡ trách, tôi cho phép em ngồi xuống và tiếp tục giờ học. Ra chơi tôi gặp cô Sen, chủ nhiệm lớp 12A8 để hỏi về Hưng. Cô Sen cho biết: "Hoàn cảnh của Hưng éo le lắm. Đi học Hưng có đủ cơm ăn là đã hạnh phúc lắm rồi. Hơn một năm qua, kể từ khi biết hoàn cảnh của Hưng, em và các cháu 12A8 đã tế nhị để giúp đỡ Hưng". Việc làm của cô, trò 12A8 khiến tôi xúc động và tôi đã tìm đến nhà Hưng...
Đó là một ngôi nhà gỗ đã quá cũ kỹ, nền đất, nằm sâu trong hẻm Km3 thuộc khu phố Tân Hiếu 2, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái. Chủ nhà là bà cụ Cúc (bà nội của Hưng) đã 84 tuổi, đầu tóc bạc phơ, lưng còng rạp.
Bà cụ vừa khóc vừa kể: "Gia đình tôi bất hạnh, cháu nó khổ lắm cô ạ! Bố cháu tính cách bất thường, mẹ Hưng chán chường bỏ nhà ra đi. Mẹ đi rồi, bố cũng đi nốt, thế là Hưng thành côi cút khi mà cha mẹ vẫn còn. Lúc ấy, Hưng mới 7 tháng tuổi. Tôi đã già, không có lương, không nguồn thu nhập ngoài mảnh vườn bé trước cửa và khoảnh chè nhỏ sau nhà. Không có điều kiện, cứ cơm muối nhai từ mồm bà nhả sang mồm cháu thế mà ơn trời Phật, cháu cứ ăn và cứ lớn...".
6 tuổi, Hưng vào lớp 1 Trường Tiểu học Kim Đồng. Không có tiền nên Hưng không học bán trú như các bạn. Ở với bà bữa no, bữa đói nhưng Hưng học rất say mê. Nhiều tối học xong, Hưng gọi: "Bà ơi, cháu đói!", bà lại ôm Hưng vào lòng kể "Cô Tấm", "Anh Khoai", thế là Hưng ngủ trong vòng tay của bà với những nhân vật cổ tích. Năm năm học tiểu học, Hưng đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện và là tấm gương sáng cho cả trường noi theo về tinh thần vượt khó.
Lên cấp II, Hưng học Trường THCS Quang Trung. Nhà có chiếc xe đạp cà tàng, Hưng tập đi xe và đã có cơ hội để giúp bà. Sáng Hưng đi học, chiều về đèo bà, đèo rau, đèo chè ra chợ Km4 để bà bán. Bà bán hết mới có tiền đong gạo. Bà cụ nói trong nước mắt: "Món ngon nhất của bà cháu tôi là lạc rang và cá mắm nướng cô ạ". Bốn năm học ở Quang Trung, Hưng đều là học sinh giỏi toàn diện.
Học xong cấp II, Hưng thi đỗ vào Trường THPT Nguyễn Huệ với 10 điểm Toán, 7 điểm Văn và được vào lớp A8 (lớp chọn của Ban khoa học tự nhiên). Hưng say mê môn Toán, Lý và Hóa. Ba môn ấy bao giờ Hưng cũng đạt điểm trên 9,0. Lớp 10, lớp 11, kết quả học tập của Hưng đạt 8,0 và 7,9 trung bình môn các kỳ và cả năm. Bà cụ thở dài: "Còn một năm nữa cô ạ, không biết rồi sẽ ra sao? Tôi lo quá!". Tôi động viên, an ủi cụ Cúc rất nhiều và ra về...
Năm cuối cùng Hưng học ở trường ra sao, tôi biết. Hưng đã vượt lên khó khăn để học, em học trong sự giúp đỡ của bạn bè và thầy cô, nhất là cô Sen, cô Hạnh, cô Thuần. Kết quả học tập lớp 12 của Hưng đạt 7,9 trung bình môn cả năm.
Một năm nữa lại trôi qua. Hưng đã đỗ đại học. Tôi mừng lắm và lại tìm đến nhà thăm bà cụ Cúc. Bà cụ lưng lại còng thêm. Hỏi chuyện Hưng, cụ lại khóc. Khóc vì mừng, vì tủi, vì lo, vì thương thân mình và thương cháu nội. "Năm học vừa rồi là năm gian nan nhất của bà cháu tôi. Hưng học suốt ngày còn tôi tay chống gậy, tay cắp rổ chè hoặc rau ra chợ bán. Ngồi ở cổng chợ thôi, các chú công an và quản lý chợ dẹp hành lang, đuổi ai thì đuổi chứ tôi thì không, các chú ấy biết gia cảnh của tôi rồi. Cháu Hưng đang sức ăn, sức học, không có cái cho cháu ăn thì tội lắm. Mà cháu say học quá cơ cô ạ.
Học ở trường cả ngày, đêm 1, 2 giờ sáng mới đi ngủ. Và đêm nào cũng vậy, cứ học xong là: "Bà ơi, cháu đói!" nhưng rồi lại chui vào màn ôm bà lấy giấc ngủ làm no... Tháng 7 vừa rồi, tôi có tiền đâu, cô chú xóm giềng cho cháu mỗi người một tý, thế là tự cháu đi thi. Về, cháu phấn khởi lắm và nói sẽ đỗ đại học. Thế mà đỗ thật, cháu thi Đại học Bách khoa Hà Nội được 28 điểm. Tôi lo quá, biết lấy gì nuôi cháu học hả cô?". Cụ lại kể: "12 năm qua, cháu được nhà trường miễn học phí, kể cả học thêm cũng không phải đóng góp gì. Bây giờ vào đại học, tiền ăn, tiền học, tiền nhà, phải làm sao đây? Hôm cháu nhập học, tôi cũng chẳng có tiền đâu, lại cô bác xóm giềng cho cháu người ba chục, người năm chục cùng cái giấy chứng nhận hộ nghèo do phường cấp nữa. Nhưng cô ơi, cháu nó học giỏi nên cũng đỡ được một phần kinh tế đấy".
Về trường đại học, Hưng đã thi vào lớp tài năng và trúng tuyển. Được miễn học phí, lại có học bổng, nhưng cũng còn nhiều khoản phải chi phí. Chia tay cụ Cúc, tôi cứ day dứt, nghĩ suy nhiều lắm... Con đường trước mặt của Hưng còn rất dài, còn rất gian nan, vất vả, ai sẽ giúp Hưng trong những tháng năm sắp tới? Nhưng tôi tin, cậu bé Hưng với nghị lực và bản lĩnh của mình sẽ vượt qua được tất cả để bước tới một ngày mai tươi sáng..
Ở Trường THPT Nguyễn Huệ, khóa học nào cũng có một vài tấm gương vượt khó như thế. Mời các bạn đọc Báo Yên Bái số ra ngày 8/10/2007 với bài viết "Cổ tích giữa đời thường" của tác giả Nguyễn Thúy Mai để thấy em Nguyễn Văn Nghĩa đã học tập như thế nào...
Nếu có cá nhân hoặc tổ chức xã hội nào có lòng hảo tâm, có tấm lòng vàng giúp đỡ em Hưng, em Nghĩa có điều kiện học tập tốt hơn cũng là điều may mắn và hạnh phúc cho các em.
Địa chỉ của em Hưng: Nguyễn Mạnh Hưng, Lớp Vật lý Kỹ thuật, Trung tâm Đào tạo Tài năng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đỗ Biên Thùy
Các tin khác
YBĐT - Đinh Thị Huyền dân tộc Mương Trường THPT bán công Nguyễn Du, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) là học sinh nhiều năm liền luôn đạt được những thành tích cao trong học tập với các danh hiệu như được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình; đạt giải thưởng “Nữ sinh Việt Nam”...
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Tân Kỳ (Nghệ An), Hòa vừa đi học, vừa làm thuê để có tiền giúp mẹ nuôi em và còn âm thầm luyện tập trong các lò võ. Trở thành tỷ phú với nghề võ, anh Hòa đã giúp đỡ nhiều thanh niên nghèo khó ở quê ra, đào tạo rồi tìm việc làm ổn định cho họ.
Bốn năm trước, Mark Zuckerberg hãy còn là một sinh viên tâm lý tại Đại học Harvard (Mỹ). Giờ đây, ở tuổi 23, cậu trở thành một tỉ phú thời web 2.0 và thường được so sánh với Chủ tịch Microsoft, Bill Gates hay Tổng Giám đốc hãng Apple, Steve Jobs.
Đôi khi, với những sức ép trong công việc tại văn phòng khiến bạn trở nên căng thẳng mệt mỏi. Ông Burt Woolf, nhà sáng lập, đồng thời là giám đốc điều hành Trung tâm chất lượng cuộc sống, gợi ý 8 cách để cải thiện cuộc sống văn phòng.