Phó Giáo sư ở tuổi 33
- Cập nhật: Thứ năm, 17/1/2008 | 12:00:00 AM
Thầy Trần Hoài Linh, hiện là thầy giáo, Phó Trưởng khoa Điện, ĐH Bách Khoa Hà Nội, được phong tặng chức danh PGS vào năm 2007, khi 33 tuổi. Vậy anh đã phải làm việc và lao động miệt mài như thế nào để "chạy đua" với thời gian ngắn ngủi, đạt được các tiêu chuẩn xét phong chức danh PGS ở tuổi 33?
PGS-TSKH Trần Hoài Linh (ngoài cùng bên trái) và các Giáo sư Ba Lan.
|
Trong đợt phong tặng chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) năm 2007 vừa được tổ chức, thầy giáo Trần Hoài Linh, Phó Trưởng khoa Điện, ĐH Bách Khoa Hà Nội và thầy giáo Nguyễn Quang Diệu, giảng viên Khoa Toán học, ĐH Sư phạm Hà Nội đã trở thành hai PGS trẻ tuổi nhất (33 tuổi) trong số các PGS đang làm việc tại Việt Nam.
Thú vị hơn nữa là họ có cùng ngày tháng năm sinh (sinh ngày 17/7/1974).
Tuy nhiên, hiện PGS Nguyễn Quang Diệu đang công tác ở Hàn Quốc nên chúng tôi chỉ gặp được PGS Trần Hoài Linh để trò chuyện.
Thật bất ngờ, PGS Trần Hoài Linh lại là con trai thứ hai của Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Trần Đình Long, người đã gắn cả cuộc đời khoa học của mình với khoa Điện, ĐH Bách Khoa Hà Nội và là "kiến trúc sư trưởng" của công trình đường dây điện 500 kV…
Sinh năm 1974, PGS Trần Hoài Linh còn rất trẻ tuổi nhưng đã được nhận chức danh PGS. Vậy anh đã phải làm việc và lao động miệt mài như thế nào để "chạy đua" với thời gian ngắn ngủi, đạt được các tiêu chuẩn xét phong chức danh PGS ở tuổi 33?
Cũng cần phải nói thêm là, trong hồ sơ đề nghị xét chức danh thì tiêu chuẩn điểm công trình khoa học rất quan trọng, điểm đó được tính từ bài báo khoa học quốc tế, sách giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh…
Tính đến nay, PGS Trần Hoài Linh đã có 45 bài báo khoa học được đăng trên nhiều tạp chí lớn uy tín của Ba Lan, Mỹ, Italia, Đức, Braxin, Bungari, Ucraina, Trung Quốc, trong đó có 7 bài được đăng trên các tạp chí hàng đầu của chuyên ngành, 35 bài được báo cáo và in trong kỷ yếu hội thảo trong nước và quốc tế,
PGS Trần Hoài Linh nhớ lại, năm 1990, khi đó anh là học sinh phổ thông khối chuyên Toán A0 của ĐH Tổng hợp Hà Nội đã đoạt giải nhì Tin học quốc tế. Tin học lúc đó còn khá mới mẻ với Việt Nam và đây là năm thứ hai chúng ta có đoàn dự thi Tin học quốc tế. Sau đó, năm 1991, anh được cử đi học về tin học ứng dụng tại Trường ĐH Bách Khoa Vacsava, Ba Lan - đất nước của những nhà toán học nổi tiếng của thế giới.
Sau khi tốt nghiệp ĐH, anh làm tiếp nghiên cứu sinh; năm 2000, anh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ và năm 2005, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học tại Ba Lan. Khi đó anh mới 31 tuổi.
Tại Ba Lan, từ năm 1999, PGS Trần Hoài Linh đã tham gia giảng dạy 12 môn học thuộc lĩnh vực kỹ thuật điện, đo lường và tin học công nghiệp đạt chất lượng tốt và được phía bạn tín nhiệm, đánh giá cao.
Hiện các kết quả nghiên cứu của PGS Trần Hoài Linh về phần mềm tính toán mô phỏng mạng nơ - rôn; về phương pháp và thiết bị đo "thông minh" đã được tổng hợp thành tài liệu giảng dạy hệ ĐH và cao học ở ĐH Bách Khoa Vacsava.
Từ năm 2003, PGS Trần Hoài Linh đã về giảng dạy tại Khoa Điện, ĐH Bách Khoa Hà Nội, như một cơ duyên vì đó là nơi cha mẹ anh đã gắn trọn cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy của mình.
Anh đã bỏ qua nhiều lời mời giảng dạy tại Mỹ, Pháp, Đức với suy nghĩ giản dị: Cơ hội thì ở đâu cũng có, quan trọng là mình nắm bắt thực hiện nó như thế nào, mình chỉ cần suy nghĩ và tư duy nghiêm túc về một vấn đề thì chắc chắn sẽ thành công.
Hiện PGS Trần Hoài Linh đang tham gia chuẩn bị một số môn học cho Chương trình đào tạo tiên tiến Cơ điện tử của Trường ĐHBK Hà Nội và sẽ trực tiếp giảng dạy môn Lý thuyết mạch tuyến tính bằng tiếng Anh cho chương trình này.
Con đường làm khoa học của PGS Trần Hoài Linh gắn liền với một lĩnh vực nghe rất trừu tượng, đó là trí tuệ nhân tạo, hiểu nôm na thì đó là cách mô phỏng những khả năng tư duy, suy luận, ước lượng và ra quyết định của con người bằng máy móc.
Tại Việt Nam, anh là chủ nhiệm một đề tài NCKH cấp Bộ, đồng chủ nhiệm 1 đề tài cấp cơ sở. Còn tại Ba Lan, anh đã tham gia 3 đề tài cấp Nhà nước.
13 năm học tập và nghiên cứu ở Ba Lan, được làm học trò của nhiều GS hàng đầu của Ba Lan trong lĩnh vực điện như GS Stanislaw Osowski đã ảnh hưởng sâu sắc tới anh ở tính nghiêm túc, sự cẩn trọng và quyết liệt, hết lòng vì sinh viên; đã đặt ra mục tiêu gì thì phải nỗ lực thực hiện bằng được, phải tạo thói quen nghiên cứu như một công việc thường xuyên, không nên theo "hứng", "nước đến chân mới nhảy".
Và bây giờ, các học trò của PGS Trần Hoài Linh lại đang ảnh hưởng phong cách đó từ chính người thầy của mình…
(Theo CAND)
Các tin khác
Tham vọng lớn của những bạn trẻ 8X này là đưa website tìm kiếm www.monava.vn của mình làm một cuộc "tiếm ngôi" Google trên đất Việt.
YBĐT - Sinh năm 1985 tại xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, Nguyễn Thị Lê (ảnh) - sinh viên khoa Mầm non, Lớp Cao đẳng sư phạm Mầm non năm thứ 3, Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Yên Bái luôn là một lớp trưởng, chi hội trưởng và một đoàn viên gương mẫu.
YBĐT - Chi đoàn Phòng Kỹ thuật là một chi đoàn trực thuộc Đoàn Bộ CHQS tỉnh Yên Bái có 20 đoàn viên với nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật, đạn dược, sửa chữa ô tô, xe máy cho lực lượng vũ trang, phục vụ công tác chiến đấu.
“Tôi có hiếu thắng không?" Có. Nếu không hiếu thắng thì làm sao có sự đam mê. Mọi thứ đều coi như không và bằng phẳng thì sẽ chẳng còn động lực nào khác. Chơi một môn thể thao mà thắng hay thua cũng thế thì chơi làm gì nhỉ?. Vậy hiếu thắng không hẳn đã là tính xấu.”