Mô hình "bốn mới" của thanh niên Nghĩa Lộ
- Cập nhật: Thứ ba, 6/5/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), phong trào “Bốn mới” trong thanh niên được phát huy, đã góp phần quan trọng góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều bạn trẻ, từng bước xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình.
Trong những năm vừa qua, phong trào thi đua lập nghiệp, lao động sáng tạo góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện mới của Thị đoàn Nghĩa Lộ đã được triển khai tích cực, rộng khắp với nhiều mô hình hay, cách làm mới, khai thác được một số tiềm năng về đất đai, nguồn nhân lực trẻ. Đặc biệt, phong trào “Bốn mới” trong thanh niên được phát huy, đã góp phần quan trọng góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều bạn trẻ, từng bước xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình.
Gia đình anh Vi Ngọc Trình, ở bản Đêu 3, xã Nghĩa An có 4 thế hệ sinh sống. Trong những năm trước đây, gia đình anh cũng gặp nhiều khó khăn, có những năm thiếu đói tới 2 tháng. Khi đến vụ thu hoạch, thóc lúa phải trả nợ vay mua vật tư nông nghiệp và những ngày giáp hạt hết hơn nửa số thóc sau thu hoạch, nên cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám.
Từ khi được Đảng ủy xã và các đoàn thể, đặc biệt là sự giúp đỡ của Đoàn thanh niên vận động chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo điều kiện được tham gia các lớp tập huấn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vay vốn để tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, gia đình anh cũng đã dần ổn định và có của ăn của để. Trong trồng trọt anh đã tận dụng hết tiềm năng từ đất vườn rừng, ao, ruộng vào sản xuất.
Hiện nay gia đình anh có 3 ha rừng thông 5 tuổi, 3 ha rừng khoanh nuôi tái sinh và 4.000m2 anh trồng 2 vụ lúa và 1 vụ màu. Với cây lúa, anh chọn trồng lúa lai F1 và lúa chất lượng cao đã cho thu nhập cao gần gấp đôi với trước đây, đồng thời trồng 3.000m2 ngô để chăn nuôi, thu nhập bình quân của trồng lúa và màu đạt trên 15 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, anh còn tận dụng thả cá xen lúa với 2 vụ/năm thu về cũng trên 2 triệu đồng. Trong chăn nuôi, anh thực hiện theo hướng bán công nghiệp, nuôi 2 con trâu để tận dụng phân bón và sức cày ruộng, riêng đàn lợn một năm anh xuất được hơn tấn lợn thịt, trừ các khoản chi phí cũng đã đạt 24 triệu đồng; ao cá 400m2 mỗi năm cho thu hoạch gần 7 tạ cá cũng thu về được gần 15 triệu đồng.
Ngoài quan tâm tới chăm sóc phát triển nông, lâm nghiệp, anh còn đầu tư phát triển dịch vụ xay xát, dịch vụ chở hàng hóa, cho thuê máy cày, máy tuốt mỗi năm trừ các khản chi phí cũng thu về trên 15 triệu đồng. Cộng lại, một năm anh để ra được trên 50 triệu đồng. Từ một gia đình nghèo, đến nay gia đình anh đã thoát nghèo và có của ăn, của để, mua sắm các vật dụng sinh hoạt và tiện nghi cho gia đình.
Bên cạnh mô hình của anh Vi Ngọc Trình, xã Nghĩa An còn có rất nhiều mô hình của các đoàn viên thanh niên khác như mô hình của anh Điêu Văn Tình xã Nghĩa An, Nguyễn Mạnh Hùng, Hoàng Văn Thắng phường Pú Trạng...
Các mô hình được áp dụng rộng rãi và có hiệu quả kinh tế cao như: mô hình sản xuất cá xen lúa, nuôi bò bán công nghiệp; mô hình sản xuất lúa lai F1 và trồng rừng kinh tế xã Nghĩa An; trồng dưa bao tử và ớt xuất khẩu ở các phường: Cầu Thia, Trung Tâm, Tân An... Mô hình trang trại trẻ được duy trì và phát triển mạnh trong việc xen lẫn cây trồng lâu năm, cây ngắn ngày và chăn nuôi gia súc gia cầm sinh sản đã đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần giải quyết lao động việc làm cho đoàn viên thanh niên.
Việc khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống như làm đệm bông lau, dệt thổ cẩm, làm chổi chít được các đoàn viên thanh niên tích cực áp dụng trong lúc nông nhàn. Đã có nhiều thanh niên đầu tư mua máy xay xát, máy bừa... để phục vụ nhân dân góp phần nâng cao thu nhập, ổn định mức sống cho thanh niên nông thôn.
Phong trào thanh niên lập nghiệp tại khu vực đô thị có nhiều bước chuyển biến mới, rõ nét ở 2 lĩnh vực dịch vụ và sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Hiện nay, toàn thị xã có 15 hiệu sửa chữa xe máy, 33 tiệm may, 1 trung tâm tin học trẻ, 3 cửa hàng hàn xì sắt thép và nhiều nhà hàng ăn uống, hiệu cắt tóc, xưởng mộc... do thanh niên làm chủ đã giải quyết cho trên 300 lao động trẻ có thu nhập ổn định từ 750.000 đồng/tháng trở lên.
Để góp phần vay vốn, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, Thị đoàn đã thực hiện tốt chương trình phối hợp giữa Đoàn thanh niên và Ngân hàng Chính sách Xã hội trong việc vay vốn tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo. Trong năm 2007, Thị đoàn đã giải quyết cho 68 hộ gia đình thanh niên tại phường Pú Trạng, xã Nghĩa An, Nghĩa Phúc vay 340 triệu đồng và đang tiếp tục rà soát, thẩm định nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình thanh niên xã Nghĩa Lợi, phường Cầu Thia và Trung Tâm; phối hợp tuyên truyền vận động 26 đoàn viên thanh niên đi lao động xuất khẩu ở Malaixia, Hàn Quốc, Đài Loan...
Để phong trào "Bốn mới" thực sự có hiệu quả và thiết thực đối với đoàn viên thanh niên, Thị đoàn Nghĩa Lộ tiếp tục vận động các đoàn viên tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhân rộng các mô hình điểm, mô hình tiên tiến để các đoàn viên thanh niên học tập; tiếp tục thực hiện tốt chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã trong việc vay vốn, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm; phối hợp với các đơn vị và các đoàn thể đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm...
Trên cơ sở đó, phong trào "thanh niên thi đua thực hiện 4 nội dung mới nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh: kỹ thuật mới, ngành nghề mới, mô hình mới và thị trường mới" trong đoàn viên thanh niên trên địa bàn đang phát huy hiệu quả.
Nguyễn Đức Phương
Các tin khác
Ngôi nhà bé nhỏ của tiến sĩ toán học Nguyễn Thịnh nằm cuối con ngõ sâu hun hút không đủ cho hai xe máy tránh nhau trên phố Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội. Bạn bè yêu mến thường đùa anh là bác học đãng trí trong khi bà con quanh xóm lại gọi anh là thầy với sự trân trọng. Song, chúng tôi lại thấy ở anh sự kiên định và tự tin của một nhà khoa học trẻ tuổi.
YBĐT - Chi đoàn Công an huyện Văn Yên (Yên Bái) có 30 đoàn viên, trong đó hơn nửa quân số công tác tại Đội Công an phụ trách xã về an ninh trật tự, luôn bám sát địa bàn thực hiện “Ba cùng” với đồng bào các xã vùng cao, vùng sâu.
YBĐT - Đại hội Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) lần thứ XII xác định: “Tuổi trẻ xã Túc Đán thi đua học tập, rèn luyện lao động sáng tạo, xung kích tình nguyện xây dựng và bảo vệ quê hương giàu đẹp, dân chủ văn minh”.
YBĐT - Vàng Thị Lỳ, sinh năm 1992, dân tộc Mông ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, là học sinh Trường Dân tộc Nội trú huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.