Chàng trai “vàng” Vật lý của Việt Nam
- Cập nhật: Thứ ba, 29/7/2008 | 12:00:00 AM
Dáng người gày gò, cao 1m64, nặng 50kg, Nguyễn Tất Nghĩa đã gây bất ngờ liên tiếp cho thầy cô, bạn bè và gia đình với “bộ sưu tập” 3 huy chương vàng (HCV).
Nguyễn Tất Nghĩa và chiếc HCV kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế 2008.
|
Đó là những chiếc huy chương Nghĩa giành được trong kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2007, 2008 và kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á - Thái Bình Dương 2008.
Tự lập từ năm 12 tuổi
Đó là Nguyễn Tất Nghĩa. Sinh ra trong gia đình nghèo khó, bố là thương binh hạng 4/4, mẹ quanh năm tần tảo với ruộng vườn để nuôi 4 chị em Nghĩa ăn học, ngay từ nhỏ Nghĩa đã có ý thức học chăm chỉ và quyết tâm vươn lên nhờ sự học.
Là em thứ ba trong nhà, Nghĩa cũng nhìn gương anh chị của mình để theo học (chị gái Nghĩa đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm Vinh, hiện đang học cao học, anh trai là sinh viên của Học viện Kỹ thuật quân sự, đang du học ở Nga). Từ các kỳ thi nhỏ đến các kỳ thi lớn, bố mẹ Nghĩa luôn ở bên động viên em.
Từ năm 12 tuổi, Nghĩa đã phải xa nhà, lên trường huyện học lớp 6. Lên học lớp 10 ở trường THPT Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ An) Nghĩa lại tiếp tục đi ở trọ, tự nấu ăn, đi chợ, giặt quần áo, tự lo cuộc sống cho mình với tiền học bổng ít ỏi cùng 500.000 đồng mẹ cho hằng tháng. Vượt lên mọi khó khăn, Nghĩa đã không phụ lòng mong mỏi của mọi người.
Người đầu tiên Nghĩa gọi điện báo tin khi biết lần thứ 3 đạt huy chương vàng là mẹ. Mẹ là người luôn theo sát Nghĩa trong mỗi cuộc thi từ cấp huyện, tỉnh đến kỳ thi quốc gia, quốc tế. Ở nhà, mẹ vẫn tần tảo với 3 sào ruộng để nuôi 4 chị em Nghĩa ăn học.
“Em cũng chưa biết sẽ mua quà gì về tặng mẹ sau lễ bế mạc kỳ thi, có lẽ em sẽ tặng mẹ một bộ quần áo thật đẹp, nhưng chiếc HCV là món quà ý nghĩa nhất rồi” - Nghĩa cười, nói.
Bà Trần Thị Tuất, mẹ của Nghĩa kể: “Nhận được tin Nghĩa đạt được HCV trong kỳ thi lần này, gia đình tôi rất mừng. Gia đình khó khăn, không có đủ điều kiện đầu tư nhiều cho Nghĩa ăn học, nhưng bù lại Nghĩa rất có ý thức vươn lên.
Sau lần được HCV quốc tế năm ngoái, lên lớp 12 Nghĩa nhận được học bổng của tỉnh 1 triệu đồng/tháng, gia đình không phải chu cấp nữa. Điều tôi mừng nhất là Nghĩa có ý chí, quyết tâm cao trong học tập và dần trưởng thành hơn”.
Ý chí và đam mê làm nên “hattrick” vàng
Nguyễn Tất Nghĩa nổi tiếng ở trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) từ năm lớp 11, khi được tham gia vào đội tuyển Việt Nam thi Olympic Vật lý quốc tế tại Iran (năm 2007). Lần đầu “xuất trận”, nhưng Nghĩa đã giành HCV với số điểm rất cao: 47/50.
Không phụ lòng tin của bố mẹ, thầy cô, bạn bè, đầu năm 2008, “cậu bé vàng” Nguyễn Tất Nghĩa tiếp tục giành HCV trong kỳ thi Olympic Châu Á - Thái Bình Dương. Đến kỳ thi Olympic quốc tế Vật lý được tổ chức tại Việt Nam năm nay, Nghĩa tiếp tục giữ được màu huy chương, với số điểm 34,05/50.
Với những người biết Nghĩa, thành tích hôm nay của “chàng trai vàng” của đoàn Vật lý Việt Nam là sự phát triển hợp logic, bởi trước đó, khi tham dự những kỳ thi học sinh giỏi môn Vật lý, Nguyễn Tất Nghĩa luôn đứng đầu.
Năm học lớp 7 và 8, Nghĩa giành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi huyện Đô Lương (Nghệ An). Lớp 9, 10, 11, Nghĩa liên tục giành giải nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An môn Vật lý.
Đã từng “đem chuông đi đánh xứ người” thành công, lần này thi ở Việt Nam, Nguyễn Tất Nghĩa có phần tự tin hơn, nhưng cũng có nhiều lo lắng. Nghĩa tâm sự : “Trước khi bước vào cuộc thi năm nay em chịu nhiều áp lực phải giữ màu huy chương. Vì thế, em cũng hơi lo…”.
Đề thi lý thuyết được đánh giá là dài và khó, nên Nghĩa có phần mất bình tĩnh. Nghĩa bảo, sẽ làm tốt hơn phần thực hành, nhưng có lẽ cũng vì áp lực, nên đã mất bình tĩnh ngay từ phút đầu tiên.
“Em làm xong bài phần 1 rồi mới nhận ra có sự nhầm lẫn. Em quên không đậy nắp mẫu đo, thao tác đầu tiên còn lúng túng, lại nhầm lẫn nên phải làm lại từ đầu, phải đổi dụng cụ”.
Cuối cùng, Nghĩa cũng hoàn thành tốt bài thực hành với số điểm 17,75/20. Năm ngoái Nghĩa đạt 18,5/20 điểm thực hành, em lý giải: “Đề thi năm nay do Việt Nam ra khó hơn đề thi năm ngoái ở Iran”.
Được sự dìu dắt của thầy giáo chủ nhiệm Trần Văn Nga, sự thông minh của Nghĩa ngày càng được khẳng định. Nói về bí quyết để liên tiếp giành được các giải thưởng cao quý, Nghĩa chân thành: “Em chẳng có bí quyết gì đặc biệt cả. Quan trọng là có niềm đam mê, sự giúp đỡ của thầy cô, gia đình cộng với nỗ lực cố gắng của bản thân”.
“Đoàn Việt Nam được bạn bè đánh giá cao không phải chỉ riêng phần lý thuyết mà ngay cả phần thực hành vốn xưa nay không được coi là thế mạnh. So với đoàn Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, mình không thua kém gì, đó cũng là do nỗ lực của từng thành viên và sự giúp đỡ của thầy cô giáo. Điều em muốn nói tới, để thành công, phải có đam mê trước đã” - Nghĩa chia sẻ.
Sẽ đi Mỹ du học và trở về…
Với những thành tích đạt được, Nghĩa đã được tuyển thẳng vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành Điện tử - Viễn thông. Tuy nhiên, chàng trai “vàng” tiết lộ đang có kế hoạch phấn đấu để đi du học tại Mỹ.
Thở phào nhẹ nhõm khi biết kết quả thi, Nghĩa hồ hởi: “Vậy là em đã hoàn thành nhiệm vụ rồi, lại chuẩn bị lao vào “cuộc chiến” mới...”. Nguyễn Tất Nghĩa bảo, “cuộc chiến” mới đó là học Anh văn, chuẩn bị cho việc du học trong thời gian sắp tới.
“Em không theo chuyên sâu nghiên cứu về Vật lý lý thuyết mà sẽ theo học Vật lý ứng dụng. Nếu không được học bổng du học của Chính phủ, em sẽ cố gắng tự tìm kiếm học bổng khác” – Nghĩa bộc bạch.
“Sau khi đi du học, em mong sẽ sớm được trở về làm việc và cống hiến cho đất nước” – Chàng trai “vàng” cho biết.
(Theo TPO)
Các tin khác
Đào Ngọc Mai, 17 tuổi, hiện đang sống và học tập tại thành phố Dresden, Đức đã giành giải Nhất trong Cuộc thi thiết kế Logo Doodle 4 Google nhân dịp vòng chung kết Euro 2008 vừa mới diễn ra.
Mỗi sáng sớm, trong tiết trời se lạnh của Đà Lạt, có một cô bé vai lệch với cánh tay bị liệt, mặt nghiêng một bên, chạy trên nhiều con phố, mồ hôi chảy ròng...
Lê Trung Hiếu (sinh ngày 24/6/1990) vừa trở thành tân thủ khoa trường ĐH Hàng hải Việt Nam (ĐHHH) với tổng số điểm làm tròn là 30 (Toán: 9,75, Lý: 10, Hóa: 10).
YBĐT - Không đợi đến khi Đội Thanh niên tình nguyện của tỉnh ra quân, ngay từ những ngày đầu tháng 5, Chiến dịch "Thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện hè năm 2008" đã được các bạn đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tự tuyên truyền rộng rãi trên toàn tỉnh Yên Bái.