Kỳ tích chàng trai mù hằng ngày bơi xuồng, lội sông bắt cá
- Cập nhật: Thứ ba, 13/8/2013 | 1:33:26 PM
Gia cảnh vốn đã tận cùng cùng khó nhọc, bất ngờ cơn bạo bệnh ập đến, từ đó, đôi mắt anh Võ Văn Tâm (tổ 8, ấp Phú Sơn, xã Long Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) không còn nhìn thấy được nữa. Không đầu hàng số phận, anh Tâm học cách bươn chải theo con nước.
Mù đôi mắt, nhưng anh Tâm vẫn có thể cùng người em trai bơi xuồng, ra sông bắt cá.
|
Và bằng những nỗ lực không ngừng, chàng trai tật nguyền đáng thương đã tạo nên nhiều kỳ tích.
Tận cùng bất hạnh
Mất gần cả tiếng đồng hồ “oằn lưng” trên con đường đất bét nhè, chúng tôi mới tìm được nhà của anh Tâm, bởi căn nhà nằm lọt thỏm giữa bốn bề hẻo lánh. Nhìn khuôn mặt khắc khổ với đầy vẻ lam lũ, chúng tôi không nghĩ chàng trai tật nguyền này chỉ mới ngoài 30 tuổi.
Bà Võ Thị Hành - mẹ anh Tâm - kể về gia cảnh: Vợ chồng bà có tất cả 5 người con, trong đó, anh Tâm là con trai trưởng. Không đất đai, ruộng vườn, mỗi ngày họ đi làm thuê, làm mướn đủ công việc để mưu sinh cũng chỉ đủ sống lay lắt qua ngày. Năm anh Tâm học lớp 3, đang phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác thì một cơn bạo bệnh ập đến: Anh bị viêm giác mạc ở mắt trái. Dù gia đình đã tìm mọi cách để cứu chữa, nhưng bệnh tình anh Tâm chẳng những không thuyên giảm, mà còn phát sinh ra nhiều biến chứng. Cuối cùng, cả đôi mắt của anh không còn nhìn thấy được nữa.
Thương con, vợ chồng bà Hành thường xuyên dành thời gian động viên, an ủi anh Tâm. Thế nhưng, tai họa cứ liên tục ập đến. Những năm sau đó, đứa con gái út của bà Hành đang tuổi xuân thì cũng đột ngột qua đời do căn bệnh viêm não. Cũng từ dạo đó, cuộc sống của gia đình bà càng thêm khốn khó, bởi tất cả những gì dành dụm được, cùng số tiền đi vay mượn khắp nơi đã tiêu tan vào việc chữa trị cho hai đứa con trước đó.
Để bươn chải, vợ chồng bà cố gắng làm lụng để có tiền trả nợ. Ngày qua ngày, nỗi đau dần vơi đi, cuộc sống cũng đỡ phần khó nhọc. Thế nhưng, một lần nữa tai họa lại ập đến. Lần này đến lượt ông Đặng Văn Hoàng (chồng bà Hành) bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người. Dù gia đình đã tốn bao tiền của, thuốc thang nhưng vẫn không cứu vãn được.
Kỳ tích của chàng trai mù
Sau những tai họa liên tiếp, bà Hành “bất đắc dĩ” trở thành lao động chính trong gia đình. Bà đi khắp nơi làm thuê, làm mướn đủ các công việc để lo cho chồng con. Đến một dạo, đôi tay yếu ớt và đau đớn vì bệnh viêm đa khớp đã không cho phép bà làm lụng được nhiều.
Nhìn thấy cha mẹ tuổi già sức yếu, lại thêm bệnh tật, cuộc sống trăm bề khó khăn, từ nỗi đau phải sống trong bóng tối, anh Tâm quyết gượng dậy góp chút sức cho gia đình. Một ngày, anh Tâm ngỏ ý muốn đi theo người em trai thứ năm của mình ra sông bắt cá. Nghe nói, ai cũng tưởng anh Tâm đùa cho vui, nhưng rồi, ai cũng ngạc nhiên trước sự kiên quyết của anh. “Là con trai trưởng trong nhà nhưng không làm được gì, lại cứ phiền đến người khác chăm sóc, tui thấy tủi lắm” - anh Tâm nói.
Từ đó, mỗi ngày, anh lần mò trên con rạch trước nhà cùng người em bắt tôm, cá. Đây là công việc không hề dễ dàng ngay cả với người sáng mắt, nhưng anh không bỏ cuộc. Khi đi bắt cá, anh tập bơi xuồng theo sự chỉ dẫn của em trai. Mỗi lần như thế, anh phải cố gắng rất nhiều, chèo cho xuồng không bị tấp vào bờ hay vướng phải bụi rậm. Đôi khi anh còn bị té sông, mình mẩy ướt đẫm, nhưng chỉ hai, ba bữa, người ta lại thấy anh ra sông tập bơi xuồng. Anh còn học cách cách quăng lưới, thả dớn để bắt cá.
Công việc vốn vất vả với người bình thường, với anh còn vất vả bội phần. Khi kéo lưới, do không nhìn thấy gì nên chuyện anh bị vây cá đâm rách tay chảy máu là bình thường. Thế nhưng, bằng những nỗ lực phi thường, cuối cùng, anh đã biết bơi xuồng, bắt cá trước sự ngạc nhiên của cả ấp nghèo Phú Sơn.
Khi con nước lớn là anh lại lên đường, bất kể trời mưa gió, đêm khuya, hễ nghe tiếng bìm bịp kêu là anh và em trai tìm ra bờ sông. Mỗi chuyến đi của hai anh em như thế sau khoảng hai tiếng đồng hồ, chỉ được vài ba ký cá bống, cá chốt… Có hôm đủ ăn trong ngày, hôm nào trúng thì có tôm đem bán cũng được vài ba chục ngàn đồng. Để có thêm thu nhập, hai anh em phải đi thả lưới ngoài sông lớn, có hôm họ đi xuồng sang tận huyện Mang Thít, Bình Minh… Sông nước mênh mông, nhưng những chiếc dớn cứ nhẹ dần sau mỗi lần được kéo lên, cuộc sống của gia đình anh càng lênh đênh theo con nước đầy vơi.
“Những lần đi xa thả lưới, có khi mất đến vài ngày, anh em tui thiếu cái ăn cũng chẳng sao, nhưng cha mẹ ở nhà phải lo thuốc thang từng bữa, không có tiền thì khổ lắm” - anh Tâm nói.
Chị Nga (người dân địa phương) cho biết: “Không chỉ bơi xuồng giỏi, thằng Tâm còn bắt cá giỏi không thua gì những người sáng mắt. Ở con rạch này, nó xưng hạng nhì thì không ai dám xưng hạng nhất. Tâm dù bị mù lòa, nhưng vẫn sống bằng sức lao động của chính mình. Nghị lực đó khiến mọi người ai cũng thán phục”.
Ông Hoàng (cha Tâm) thấy con mình tật nguyền mà phải cực khổ suốt ngày trên sông nước, ông không cầm được nước mắt. Ông chỉ biết cảm ơn trời vì đã cho ông một đứa con hết lòng hiếu thảo.
Suốt ngày bươn chải trên sông nước, ngụp lặn trên các kênh mương để xúc từng con hến, chân tay chai sần, dẫu cho nợ nần thiếu thốn luôn vây quanh, cuộc sống còn những ngày chật vật, nhưng anh Tâm vẫn tin vào một ngày mai tươi sáng hơn rồi sẽ đến. Nói về ước mơ trong cuộc đời mình, anh bộc bạch: “Tui bị tật nguyền, không dám mơ gì đến chuyện nợ duyên, chỉ mong sao mình còn sức khỏe để kiếm tiền lo cho cha mẹ sống qua ngày”.
(Theo LĐO)
Các tin khác
Elvis Presley, nam ca sĩ nổi tiếng người Mỹ, đã từng ở trong quân đội 2 năm. Bộ quân phục khi xưa được ông cất giữ cẩn thận suốt đời như một kỷ niệm. Giờ đây, sau gần 4 thập kỷ, nó được đem ra rao bán với mức giá hơn 428 triệu VND.
Trường hợp bệnh tình của bé trai 3 tháng tuổi người Ấn Độ này được xem là một trong những căn bệnh vô cùng hiếm có trên thế giới.
Một giáo viên ở Harwich, Essex, Anh khiến nhiều người phải ngạc nhiên khi cô tổ chức đám cưới với 80 phù dâu.
Doanh nhân người Pakistan tên là Malik Amir Mohammad Khan Afridi, 48 tuổi đã bị nhóm hồi Giáo cực đoan ở nước này bắt cóc vì ông không chịu cạo ria mép theo yêu cầu của chúng.