Xã Đại Lịch (Văn Chấn) nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/6/2016 | 2:46:51 PM
YBĐT - Môi trường là một trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm gần đây, trong quá trình triển khai thực hiện, tiêu chí này, luôn được chính quyền xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn đặc biệt chú trọng.
Mạnh dạn mở rộng chăn nuôi, nhưng vợ chồng ông Hoàng Đình Hạnh, thôn 14, xã Đại Lịch luôn chú trọng vệ sinh chuồng trại, có hầm Biogas đúng tiêu chuẩn.
|
Nhờ vậy, môi trường nông thôn đã cải thiện đáng kể, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao. Công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải, nước thải ở xã có chuyển biến tích cực.
Cùng với đó, phong trào trồng cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng đời sống văn hóa được duy trì tốt ở nhiều khu dân cư. Chăn nuôi lợn đã 15 năm, nhưng gần 2 năm nay, ông Hoàng Đình Hạnh ở thôn 14, xã Đại Lịch mới mạnh dạn đầu tư mở rộng chăn nuôi.
Ông Hạnh chia sẻ: “Trước đây, chăn nuôi ít, chuồng trại dù khá xa nhà ở, được vệ sinh hàng ngày nhưng vẫn bốc mùi hôi thối, khó chịu nên tôi khá lo lắng, đắn đo khi mở rộng. Được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật, đầu năm 2015, tôi làm hầm Biogas theo đúng tiêu chuẩn, lát sàn, làm hệ thống phun rửa, rãnh thoát nước… Đến nay, với tổng diện tích mở rộng 180m2 cùng gần 100 con lợn nhưng chuồng trại lúc nào cũng sạch sẽ, thoáng đãng, đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Khu chuồng trại cao ráo, kiên cố của ông Hạnh hiện đang hoàn thành hệ thống sàn nuôi lợn nái hậu bị, sàn đẻ và sàn úm. Năm 2015, xuất 2 lứa lợn, trừ chi phí, ông Hạnh thu về hơn 150 triệu đồng.
Rời nhà ông Hạnh, đến thăm gia đình ông Hà Văn Lê ở thôn 15. Bên cạnh ngôi nhà khang trang, hố rác sâu 1 m, rộng 1,5m là nơi gia đình ông hàng ngày thu gom, xử lý rác thải.
Ông Lê cho biết: “Ngày trước, khi chưa có kiến thức về BVMT nông thôn, rác thải sinh hoạt trong gia đình không chỉ tôi mà nhiều hộ khác trong thôn đều vứt bừa bãi gây ách tắc mương, rãnh, dòng chảy. Chỉ một hố rác được đào đơn giản, chi phí thấp đã giải quyết được vấn đề này. Bên cạnh đó, được cán bộ Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, tôi làm thêm đường ống dẫn, xây bể nước và tận dụng chính nguồn nước trên đồi làm ao nuôi cá, ươm cá giống, vừa BVMT lại có thu nhập ổn định”.
chị Hà Thị Kim Cương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Lịch cho biết: “Chỉ riêng làm đường ống dẫn nước mỗi hộ phải chi phí đến vài triệu đồng - số tiền không nhỏ đối với địa phương còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhận thức rõ được lợi ích từ sử dụng nguồn nước sạch, bà con trong xã ai nấy đều quyết tâm, cố gắng thực hiện".
Hiện nay, xã Đại Lịch không có các hoạt động suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch và đường làng ngõ xóm cảnh quan sạch, đẹp đạt 80%; 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt chuẩn về môi trường; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 90%...
Để làm tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, cần lấy cộng đồng dân cư làm gốc, nâng cao nhận thức người dân trong cải tạo môi trường sống, môi trường sản xuất từ hộ gia đình.
Các mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý nước thải, chất thải rắn cần tiếp cận theo hướng cộng đồng tham gia, đảm bảo tính bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn hiện còn gặp phải không ít khó khăn.
Về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh - Chủ tịch UBND xã Đại Lịch thẳng thắn chia sẻ: “Lượng rác thải sản xuất và sinh hoạt tại khu vực nông thôn hàng ngày không hề nhỏ. Trong thành phần rác thải có nhiều vật khó phân huỷ như túi nilon, các bao bì và vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật... Do địa hình phức tạp, dân cư sống không tập trung nên việc thu gom, xử lý rác thải gặp nhiều trở ngại; nguồn kinh phí eo hẹp, thiếu nhân lực; chưa có phương tiện chuyên dụng thu gom rác thải… Để cải thiện, tiến tới đạt được tiêu chí về môi trường nông thôn, chúng tôi đã tăng cường vận động nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu dân cư, khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng trại và đường làng ngõ xóm được khơi thông cống rãnh, công trình vệ sinh đúng tiêu chuẩn… Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với BVMT; phát động các phong trào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố, đạt chuẩn; đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhắc nhở, ký cam kết BVMT”.
Thực tế cho thấy, kinh tế càng phát triển, điều kiện sản xuất tại nông thôn càng được nâng cao, môi trường nông thôn lại càng đứng trước nguy cơ chịu sức ép ô nhiễm càng lớn. BVMT ở nông thôn là một tiêu chí khó thực hiện trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM.
Do đó, để sớm đạt được tiêu chí này tại xã Đại Lịch, đòi hỏi ý thức cao của người dân, sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và kết hợp cả những chế tài xử lý đủ sức răn đe đối với bất kỳ cá nhân, tập thể nào vi phạm.
Mai Linh
Các tin khác
YBĐT - Để phù hợp với thực tiễn của địa phương trong việc sắp xếp quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch mạng lưới trường lớp trong năm 2016 và những năm tiếp theo, huyện Mù Cang Chải vừa chỉ đạo các cơ quan chuyên môn điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn mới năm 2016 và những năm tiếp theo trên địa bàn huyện.
YBĐT - Trong 5 năm qua, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên đã huy động gần 60 tỷ đồng vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đã hoàn thành được 14/19 tiêu chí. Theo kế hoạch, Bảo Hưng phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2016.
YBĐT - Sáng 17/5, đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã dự Lễ công bố và trao Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016.
YBĐT - Sáng 12/5, đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã dự Lễ công bố Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận xã Yên Hưng, huyện Văn Yên đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2016.