Sức sống ở vùng nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ ba, 4/10/2016 | 1:42:32 PM
YBĐT - Chưa bao giờ, không khí thi đua lao động sản xuất ở Văn Chấn lại hăng say, phấn khởi đến thế. Khắp các thôn bản, người dân các xã Phù Nham, Thượng Bằng La, Đại Lịch đang khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa, triển khai sản xuất vụ đông, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương chờ đón ngày được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Không khí tích cực thu mùa làm đông của nông dân Văn Chấn.
|
Đồng thuận, đồng lòng đón chuẩn
Gần 4 giờ chiều của một ngày cuối tháng 9, không khí thu hoạch lúa mùa tại bản Quân, xã Phù Nham đang diễn ra khẩn trương hơn bao giờ hết. Từng bó lúa chín vàng được gặt, phơi từ sáng sớm đang được các bà, các chị khéo léo bó gọn và luồn quang gánh để đàn ông gánh nhanh lên bờ đưa vào máy tuốt và rồi chỉ trong chốc lát đã rơm ra rơm, thóc ra thóc.
Trưởng thôn bản Quân - ông Trần Đăng Khoa cho biết: “Do đặc thù nguồn nước lạnh, nên năm nào, thời gian thu hoạch lúa của bà con dân bản cũng muộn nhất ở Phù Nham. Ngay khi thu hoạch xong, toàn bộ diện tích sẽ được chúng tôi cày ải, làm đất, tiến hành trồng cây màu vụ đông để tăng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Không nhiều thì ít, nhà nào cũng trồng từ vài trăm đến hàng nghìn mét vuông khoai tây, su hào, bắp cải... Bởi sản xuất vụ đông đã trở thành chính vụ của thôn từ nhiều năm nay rồi”.
Không chỉ đẩy nhanh tiến độ thu mùa làm đông, câu chuyện được bà con nhân dân bản Quân và toàn xã Phù Nham quan tâm, trao đổi hiện nay chính là chủ đề nông thôn mới. Trên khắp các trục đường chính, hơn 10 băng rôn, khẩu hiệu đã được treo trang trọng với các nội dung: “Nông thôn mới, sức sống mới”, “Chung tay xây dựng nông thôn mới (XDNTM)”... 19 tiêu chí đã được Ban Chỉ đạo của huyện thẩm định và đang trong thời gian chờ Ban điều phối của tỉnh thẩm định, phê duyệt. Hơn bao giờ hết, người dân Phù Nham đang nóng lòng chờ đến ngày xã được đón nhận danh hiệu “Xã nông thôn mới”.
Không giấu được niềm vui trong ngôi nhà mới sắp hoàn thành, bà Lò Thị Thi - 63 tuổi, bản Chanh vui mừng cho biết: “Nhờ có chương trình XDNTM, người nghèo chúng tôi được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn, giúp đỡ tiền cho gia đình xây dựng nhà mới khang trang, kiên cố hơn. Tôi bảo với con cháu của mình rằng, đây chính là “ngôi nhà nông thôn mới”!.
Ông Lò Tiến Hoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Nham chia sẻ: “Từ nguồn vốn huyện phân bổ 555 triệu đồng, năm nay, 55 ngôi nhà có nguy cơ dột nát trên địa bàn xã đã được xóa toàn bộ. Tùy theo điều kiện thực tế và khả năng của từng hộ gia đình, trên cơ sở bình xét, họp triển khai tại các thôn bản, xã đã quyết định chi trả từ 5 - 20 triệu đồng cho mỗi gia đình. Ngoài ra, mỗi gia đình còn được vay thêm 25 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, rồi anh em họ hàng, bà con lối xóm cùng chung tay góp công, vật liệu, giúp các gia đình hoàn thiện nhà. Phấn khởi nhất, đó là từ sự giúp đỡ của Nhà nước, nhiều gia đình đã phát huy nội lực, tự giác lao động sản xuất để nỗ lực thoát nghèo. Nếu như cuối năm 2015, toàn xã có 448 hộ nghèo đa chiều, thì mới đây, qua bình xét, phúc tra, xã đã giảm được 245 hộ, tỷ lệ toàn xã chỉ còn 10,82%. Bà con cũng đã nhận thức được vai trò và sự đóng góp quan trọng của mình, tích cực cùng địa phương hoàn thành các chuẩn nông thôn mới”.
Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ
Đây chính là kinh nghiệm cốt lõi của thôn 6 Đồng Mè, xã Đại Lịch trong thực hiện các chương trình huy động sức dân tham gia XDNTM. Trong vòng 5 năm, từ 2012 đến nay, 101 hộ dân, 378 nhân khẩu hiện có đã tích cực đóng góp tiền mặt, hiện vật, công lao động, tiến hành bê tông hóa toàn bộ 3,6 km đường liên thôn và 70 % đường vào ngõ xóm của các hộ dân. Đường bê tông sạch đẹp, người dân yên tâm đi lại, vận chuyển hàng hóa, vật tư, tích cực sản xuất để phát triển đời sống kinh tế xã hội.
“Kỷ lục nhất đối với thôn chúng tôi, là đợt huy động hồi giữa năm vừa rồi, thôn đặt ra mục tiêu trong 2 tháng sẽ huy động kinh phí đóng góp từ các hộ dân để bê tông hóa 700 m đường còn lại. Song chỉ trong vòng 15 ngày, tất cả các gia đình đã tự nguyện thu nộp tiền với định mức 750 nghìn đồng/ khẩu, cùng với thôn hoàn thiện tuyến đường sớm” - ông Tạ Quang Đoàn - Trưởng thôn 6 Đồng Mè chia sẻ.
Không còn quanh năm, suốt tháng lầy lội như cách đây hơn chục năm trở về trước, hai năm vừa qua, thôn Khe Lầy đã bứt phá, vươn lên trở thành 1 trong 2 thôn dẫn đầu của xã Đại Lịch trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là trong phát triển giao thông nông thôn. Đã gần bước sang tuổi 80, song cụ Đặng Xuân Tẩm vẫn nhớ như in những tháng ngày khổ cực trước kia, khi những gia đình miền xuôi đầu tiên lên định cư, lập nghiệp tại Khe Lầy.
Thấu hiểu điều kiện đi lại, sản xuất khó khăn, con cháu đi lại, học tập vất vả ngày trước, nên chính những người cao tuổi ở Khe Lầy đã trở thành nhân tố nòng cốt trong công tác vận động, định hướng con cháu tích cực đóng góp tiền, của XDNTM.
Cụ Tẩm cho biết: “Nông thôn mới chính là đổi mới về cách nghĩ, cách làm, cách sống khá hơn. Chỉ cần mỗi cá nhân, mỗi gia đình có ý thức một chút trong việc đóng góp nguồn lực, huy động thêm sự đóng góp của những người con, người cháu thành đạt, thì mọi công trình sẽ sớm được hoàn thành. Chúng tôi đã làm được hơn 3 km đường liên thôn, nhiều đoạn đường vào từng ngõ, từng khu, hoàn thành một cây cầu dân sinh trong gần 5 năm qua rồi đấy”.
Ngoài phương châm “Công khai, minh bạch đối với mỗi công trình”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, thì việc phát huy nội lực, tinh thần tự giác, vận động của mỗi người dân chính là điều kiện để Đại Lịch sớm hoàn thành 19 tiêu chí trong chương trình XDNTM.
Ông Phạm Tuấn Anh - Chủ tịch UBND xã Đại Lịch cho biết: “Ngay từ đầu, xã đã thực hiện phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”, tranh thủ thực hiện các tiêu chí cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước để hoàn hiện các tiêu chí về y tế, trường học, chợ... Đồng thời, triển khai, tuyên truyền về thời gian phấn đấu hoàn thành từng tiêu chí đến 100% người dân. Đến nay, trong toàn bộ tiêu chí đã đạt, xã có hơn 10 tiêu chí được xác định là bền vững, bao gồm: quy hoạch, thủy lợi, điện, giao thông, hệ thống chính trị, hộ nghèo, thu nhập... Riêng đối với 2 tiêu chí về y tế, trường học vừa mới đạt, xã sẽ tiếp tục quan tâm, vận động sự đầu tư của Nhà nước để bổ sung trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và học tập của người dân, con em tại địa phương”.
Cán đích nông thôn mới
Trong danh sách 5 xã phấn đấu cán đích nông thôn mới trong năm 2016 của huyện Văn Chấn, đến hết tháng 9 có 3 xã là: Phù Nham, Thượng Bằng La, Đại Lịch đã hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí và đang trong quá trình chờ Ban điều phối tỉnh thẩm định, phê duyệt. Đối với 2 xã Nghĩa Tâm và Thanh Lương huyện đang tập trung chỉ đạo rà soát các tiêu chí, trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phó Trưởng ban Chỉ đạo XDNTM huyện cho biết: “Quan điểm của huyện là ưu tiên phát huy tối đa nội lực để hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng, vận động nhân dân thực hiện nếp sống vệ sinh môi trường. Huyện đã hỗ trợ cho địa phương và nhân dân những tiêu chí khó, như giao thông, thủy lợi, nhà ở dân cư... Điều căn bản bây giờ chính là quyết tâm chính trị, quyết tâm phấn đấu của địa phương và nhân dân để hoàn thành các tiêu chí còn lại vào cuối năm nay”.
Sức sống mới đang căng tràn nơi địa phương chờ đón đạt chuẩn nông thôn mới. Ở đó, tư duy đồng thuận, sự chung tay vào cuộc của người dân đã góp phần thay đổi diện mạo trên từng vùng quê. Ngày được đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đã cận kề và đó chắc chắn sẽ là ngày hội của các địa phương và nhân dân.
Thanh Huyền (Đài TT-TH Văn Chấn)
Các tin khác
YBĐT - Xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn có 9/10 thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, 75% dân số là đồng bào Thái, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 86%. Sau gần 6 năm xây dựng nông thôn mới, xã đạt 7/19 tiêu chí.
YBĐT - Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là sự đồng thuận cao của nhân dân, thành phố Yên Bái đã có 2 xã là Tuy Lộc và Minh Bảo được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng xã Âu Lâu đang hoàn thiện hồ sơ trình tỉnh công nhận trong năm 2016.
YBĐT - Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được Đảng bộ thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị.
YBĐT - Nằm trong nỗ lực hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm nay, từ đầu năm đến nay, huyện Văn Chấn có xã Thanh Lương và xã Thượng Bằng La được công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.