Sau hơn hai năm đạt chuẩn NTM, giờ đây, xã Hán Đà (huyện Yên Bình) như khoác lên chiếc áo mới. Bộ mặt nông thôn khởi sắc hơn, bởi những con đường bê tông phẳng lỳ, nhà cửa khang trang, sạch đẹp.
Đồng chí Phạm Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Hán Đà cho biết: "Để giữ vững kết quả xã đạt chuẩn NTM, trong giai đoạn 2016 - 2020, địa phương xác định rõ những tiêu chí đạt bền vững cần tiếp tục phát huy cũng như tập trung đầu tư cho những tiêu chí đạt chưa vững chắc. Trong đó, tiêu chí số 17 về môi trường được xã xác định chưa bền vững nên cần tập trung đầu tư”.
Để xây dựng bền vững tiêu chí về môi trường, ngoài sự nỗ lực của chính quyền thì ý thức người dân đóng vai trò quan trọng. Thông qua hệ thống truyền thanh, xã Hán Đà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư.
Nhằm nâng cao ý thức tự giác của người dân, xã đã giao cho các đoàn thể trong thôn tổ chức cho các đoàn viên, hội viên và người dân tiến hành vệ sinh đường làng, ngõ xóm mỗi tháng; thực hiện xây dựng các đoạn đường tự quản, phát quang bụi rậm để giữ môi trường, quang cảnh chung của xã.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của dự án, địa phương đã xây dựng hầm biogas cho các trang trại chăn nuôi tập trung. Qua đó, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải trong chăn nuôi, đặc biệt giúp nông dân nâng cao nhận thức trong việc xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, địa phương tiếp tục chỉnh trang, hoàn thiện và giữ gìn các hạng mục công trình bảo đảm tính bền vững, phát huy tối đa những giá trị và hiệu quả những tiêu chí khác. Để nâng cao thu nhập cho người dân, địa phương vận động nông dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất lúa.
Đồng thời, tích cực phối hợp với các ngành chức năng chuyển giao, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả như mô hình VietGAP trên cây chè, cây bưởi. Với diện tích 83 ha bưởi, trong đó có 53 ha đang cho thu hoạch thì cây bưởi đang trở thành một loại cây kinh tế mũi nhọn của xã. Chỉ tính riêng trong năm 2017, cây bưởi đã mang về gần 20 tỷ đồng cho nông dân Hán Đà và tạo việc làm tại chỗ cho gần 100 lao động địa phương. Ngoài ra, cây chè cũng là một loại cây trồng được xã quan tâm phát triển.
Trong khi nhiều địa phương của Yên Bình cây chè không phát huy được hiệu quả thì ở Hán Đà chè vẫn là loại cây trồng chủ lực cho thu nhập ổn định. Hiện nay, xã có 160 ha chè kinh doanh và đã có nhiều hộ dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, cây chè chưa có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, người dân chủ yếu tự thu hoạch và chế biến thành phẩm bán lại cho tư thương nên giá trị chưa cao.
Những năm qua, Hán Đà đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước xây dựng các mô hình sản xuất như: mô hình nuôi gà quy mô 1.000 con; hỗ trợ nuôi cá quây lưới trên hồ Thác Bà; hỗ trợ đóng mới lồng nuôi cá; mô hình nuôi bò trên 10 con… góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập giảm tỷ lệ hộ nghèo. Nếu như năm 2016, thời điểm xã Hán Đà đạt chuẩn NTM, thu nhập người dân mới chỉ đạt 26 triệu đồng/người thì đến năm 2018 ước thu nhập người dân đạt trên 30 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7%.
Những kết quả sau hai năm về đích NTM sẽ tạo đòn bẩy để cán bộ và nhân dân Hán Đà cố gắng hơn nữa trong quá trình giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, để mục tiêu xây dựng NTM tại địa phương thực sự bền vững.
Anh Dũng