An Thịnh thực hiện tiêu chí môi trường

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/8/2018 | 7:56:18 AM

YBĐT - Năm 2017, xã An Thịnh, huyện Văn Yên đã đạt chuẩn nông thôn mới. Quá trình nỗ lực đạt chuẩn, việc xây dựng bãi rác tập trung trong thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường là một khó khăn đối với địa phương bởi địa bàn rộng, dân số đông, phân bố ở 18 thôn. 

Bãi rác mới của xã An Thịnh được đặt tại thôn Chè Vè.
Bãi rác mới của xã An Thịnh được đặt tại thôn Chè Vè.

Hiện nay, vấn đề này vẫn được An Thịnh tiếp tục quan tâm thực hiện để thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn đạt hiệu quả, bảo vệ môi trường sống. 

Trước đây, xã có một bãi rác nhỏ ở thôn Trung Tâm khoảng 800 m2 để thu gom rác thải của các hộ dân tại 4 thôn: Trung Tâm, Chè Vè, Cây Đa, Đồng Vật. Bãi này chưa đảm bảo các yêu cầu theo chuẩn xây dựng nông thôn mới về diện tích và khoảng cách với khu dân cư gần nhất. Việc xử lý rác thải được xã khắc phục chủ yếu bằng cách phân loại để đốt rác và phun thuốc để khử mùi.
 
Hoàn thiện tiêu chí môi trường, xã xác định phải xây dựng bãi rác mới, địa điểm đặt tại thôn Chè Vè, diện tích rộng 3.954 m2 được chuyển đổi từ đất rừng trồng quế. Lựa chọn địa điểm xây dựng bãi rác mới đã khắc phục các bất cập và hạn chế của bãi rác cũ về diện tích, về khoảng cách xa khu dân cư, về giảm thiểu mùi do ở trong thung lũng.
 
Quá trình vận động 4 hộ dân đồng ý chuyển đổi đất rừng trồng quế để xây dựng bãi rác cần nhiều thời gian và công sức. Ngoài ra, các hộ dân sinh sống trên địa bàn thôn Chè Vè còn lo ngại về lâu dài, bãi rác sẽ gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, tệ nạn xã hội phát sinh, nhất là không còn nguồn nước sạch.
 
Bà Triệu Thị Huê - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Chè Vè chia sẻ: việc xây dựng bãi rác mới triển khai từ cuối tháng 10 năm 2017 cũng chính là thời điểm bà kiêm chức Trưởng thôn.
 
Người dân khi đó còn băn khoăn rất nhiều nên bản thân bà Huê lại phải nỗ lực nhiều hơn: "Người dân nói rằng tôi vừa mới kiêm chức Trưởng thôn chưa biết có làm được gì không mà đã đưa ngay bãi rác về cho thôn Chè Vè. Chi bộ họp, thôn họp, lãnh đạo xã trực tiếp xuống họp với nhân dân, thậm chí chúng tôi còn đến từng hộ làm công tác tuyên truyền, vận động. Địa phương mời đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đến giải thích cho người dân hiểu. Kết hợp đồng bộ giữa tuyên truyền, vận động cùng phân tích cơ sở khoa học và ý thức, trách nhiệm xây dựng nông thôn mới, cuối cùng nhân dân thôn Chè Vè đã có được sự đồng thuận cao”.

Hơn 700 triệu đồng là vốn đầu tư xây dựng bãi rác, trong đó nhân dân địa phương đóng góp công làm đường bê tông dài 200 m đi vào bãi rác theo dự án. Đồng thời người dân còn làm thêm 326 m đường nối từ đường bê tông của thôn Chè Vè bắt nối vào đường của dự án. An Thịnh đã nhận bàn giao công trình bãi rác từ tháng 12/2017.
 
Tuy nhiên, đến nay, địa phương vẫn chưa sử dụng vì đường vào bãi rác còn 250 m là đường đất lại dốc, không thể sử dụng xe đẩy rác nếu trời mưa trong khi xã chưa có phương tiện chở rác. Xã cũng đã kiến nghị huyện tiếp tục đầu tư xây dựng nốt 250 m đường còn lại; đầu tư một xe ô tô chở rác; xây dựng một bể lắng 50 m3 để lọc nước thải trước khi xả ra môi trường.
 
Ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã An Thịnh cho hay: "Kiến nghị này của địa phương đã được huyện đồng ý và sẽ bố trí kinh phí thuộc nguồn vốn xây dựng cơ bản của năm 2019”.
 
Trong thời gian này, xã đang triển khai xây dựng quy chế về quản lý và sử dụng bãi rác, đảm bảo ngay khi đưa vào sử dụng là vận hành hiệu quả. Các quy định về sử dụng bãi rác được nêu cụ thể, đề cao ý thức tự giác của mỗi người dân vì lợi ích chung của cộng đồng giữ gìn môi trường trong sạch. Trong đó có quy định về việc các thôn phải tự xử lý xác gia súc, gia cầm chết, không được mang vào bãi rác để tránh ô nhiễm, phòng ngừa lây lan dịch bệnh cho người và vật nuôi.
 
Ông Nguyễn Địch Lan - người dân thôn Trung Tâm khẳng định: "Xây dựng bãi rác là một chủ trương đúng đắn khi tiến hành xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi chỉ mong sao khi bãi rác đi vào hoạt động là phải đảm bảo hoạt động đồng bộ, hiệu quả. Điều này đòi hỏi từ bộ máy chính quyền xã cho đến mỗi hộ dân đều phải đặt lợi ích chung lên trước, làm sao để môi trường nông thôn được giữ gìn thật tốt. Như thế chúng ta vừa sống tốt hôm nay vừa lo cho con cháu mai sau”.

Về lâu dài, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm, An Thịnh sẽ tiếp tục đề nghị quy hoạch một bãi rác nữa ở khu đầu cầu giáp thị trấn Mậu A, phục vụ việc thu gom rác thải của 5 thôn phía ngoài: Cửa Ngòi, Cổng Trào, Đại An, Cánh Chương, An Tiến. Đạt chuẩn và duy trì chuẩn nông thôn mới, An Thịnh tiếp tục không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó có tiêu chí môi trường để người dân thật sự có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Hội viên phụ nữ xã Nghĩa An tham gia vệ sinh môi trường.

YBĐT - Tuyên truyền luôn đi trước một bước, Nghĩa An đã trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới sớm hơn kế hoạch đề ra.

Mô hình kinh tế trồng rau an toàn hiệu quả của ông Nguyễn Xuân Hùng (bên phải).

YBĐT - Từ khi cán đích nông thôn mới - tháng 7/2017, đời sống vật chất, tinh thần của người dân xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái ngày càng được nâng lên.

Vệ sinh môi trường đã trở thành phong trào nề nếp ở nhiều địa phương của Yên Bình.

YBĐT - Cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân là một trong những mục tiêu mà cấp ủy, chính quyền huyện Yên Bình đang nỗ lực quyết tâm thực hiện, nhằm đạt chuẩn tiêu chí số 17 về vệ sinh môi trường - một trong những tiêu chí khó thực hiện trong Bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Sản phẩm dầu lạc của HTX Thái Sơn ở thôn 2, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên được người dân tin dùng.

YBĐT - Sau 5 năm Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 có hiệu lực thi hành, việc chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 không những giúp nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của nhiều HTX mà còn là "đòn bẩy” trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục