Về Đại Lịch hôm nay, ai cũng thấy rõ sự thay đổi hiển hiện qua những con đường bê tông, những ngôi nhà mới xây ngày một nhiều, trường mới khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước nâng lên.
Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã dự ước đạt 30,5 triệu đồng/người, tăng 8,5 triệu đồng so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,85%; 15/15 thôn có nhà văn hóa rộng trên 200 m2; 13/15 thôn được công nhận và giữ vững chuẩn văn hóa; trên 86% người dân tham gia bảo hiểm y tế; trường học mầm non và tiểu học đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 với tỷ lệ 100%; trên 85,2% đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa và cấp phối không lầy lội.
Năm 2016, xã có 25 tổ hợp tác xã trồng trọt, chăn nuôi... đến nay, đã có thêm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Xã duy trì tốt mô hình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo phát triển bền vững như: trồng chè liên kết với các nhà máy chế biến; sản phẩm gỗ rừng trồng liên kết với Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ngòi Lao.
Ông Phạm Tuấn Anh - Chủ tịch UBND xã cho biết: đạt chuẩn NTM là niềm tự hào nhưng cũng đặt ra trách nhiệm phải giữ vững, nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí NTM. Bởi thế, ngay khi được công nhận đạt chuẩn, Đảng ủy xã đã ra Nghị quyết chuyên đề nhằm phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng các tiêu chí, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trên cơ sở đó, xã tiếp tục phát huy nội lực, kêu gọi nhân dân góp công, của cùng hoàn thành những hạng mục được cho nợ và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí đã đạt. Hiện, xã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng tiêu chí dễ biến động như: thu nhập, việc làm, giảm nghèo, môi trường, an ninh trật tự...
Được biết, hơn 2 năm qua, cùng với sự đóng góp của nhân dân, xã tiếp tục đầu tư nâng cấp các công trình phúc lợi, triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống của người dân. Xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan đưa các loại cây, con giống mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong xã đã có trên 7 chục hộ đầu tư nhiều diện tích trồng cam Đường canh cùng 7 xã, 1 thị trấn vùng ngoài của huyện được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Cam Văn Chấn” năm 2016. Xã hình thành 3 vùng phát triển kinh tế chuyên canh tập trung trên cơ sở phát huy thế thế mạnh đó là: phát triển thương mại - dịch vụ; trồng rừng kinh tế, trong đó, phát triển trồng cây lâm nghiệp như: keo, bồ đề, kết hợp chăn nuôi trâu, bò; mô hình nuôi lợn thịt, lợn nái và trồng các loại cây ăn quả.
Các mô hình phát triển kinh tế ngày một đi vào chiều sâu và có tính bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Để nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, thương mại.
Trong đó, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào địa bàn nhằm tạo việc làm cho lao động địa phương; tạo điều kiện vay vốn, thủ tục để các hộ kinh doanh mở rộng kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng, chế biến nông sản; phối hợp với các doanh nghiệp trong tỉnh để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động và tuyên truyền, giới thiệu cho người dân...
Nhờ vậy, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên tăng cao. Hiện, tổng số lao động có việc làm là 2.769/2.826 người, đạt 97,98%, nhưng cái được có ý nghĩa hơn là nhận thức của người dân về xây dựng NTM được nâng lên. Mọi người đã hiểu xây dựng NTM là việc làm cho chính họ, vì vậy, người dân không tự mãn với kết quả đã đạt được, mà họ luôn tích cực lao động sản xuất, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.
Vũ Đồng