Yên Bái đã triển khai thực hiện Chương trình OCOP một cách bài bản, quy mô từ công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển một cách phù hợp, hiệu quả. Quan trọng nhất là có sự vào cuộc tích cực của các chủ thể kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo động lực mới trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), phát triển kinh tế nông thôn.
Bên cạnh đó, không thể không nói đến thành quả từ chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế của địa phương cũng như nhu cầu thị trường trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ những sản vật của địa phương, với sự nỗ lực, sáng tạo của nông dân các dân tộc trong tỉnh đã tạo ra những sản phẩm chất lượng, đặc trưng của nông thôn Yên Bái.
Không phát triển một cách tràn lan mà có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhóm sản phẩm truyền thống, sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn và lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Cùng với đó, tỉnh xây dựng nhiều cơ chế "đặc thù” và nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, XDNTM.
Với cách làm và hướng đi đó, từ 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP ngay trong năm đầu triển khai, đến nay toàn tỉnh đã có 183 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao đến 4 sao. Ngay trong năm 2022 tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển 35 sản phẩm, nhưng các địa phương, các chủ thể đăng ký lên đến 81 sản phẩm. Hết tháng 11/2022 đã có 29 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn, trong đó có 27 sản phẩm đạt 3 sao, 2 sản phẩm đạt 4 sao. Hàng loạt sản phẩm OCOP như: miến đao Giới Phiên, chè Shan tuyết Suối Giàng, gạo Séng cù Mường Lò, chè Bát tiên Trấn Yên, bưởi Đại Minh, quế điếu thuốc Trấn Yên, nước lau sàn tinh dầu quế và nước rửa chén tinh dầu quế Văn Yên hay cam, gạo nếp Tú Lệ (Văn Chấn), chè Hương Lý (Yên Bình), rượu Bách chi (thị xã Nghĩa Lộ), trà táo mèo Shan Thịnh (Văn Chấn)…
Các sản phẩm OCOP đã được chuẩn hóa trên địa bàn tỉnh đều có bao bì, nhãn mác đẹp, chất lượng tốt, thông tin chỉ dẫn địa lý rất cụ thể… Đặc biệt, các sản phẩm ngày càng chiếm lĩnh được thị trường và niềm tin của người tiêu dùng. Đã có nhiều sản phẩm vào được hệ thống siêu thị lớn như BigC Hà Nội, lên sàn thương mại điện tử: Voso.vn, Postmark…
Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm OCOP, Yên Bái đặc biệt quan tâm đến công tác cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, trong đó ngành nông nghiệp đã có văn bản đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu cho 11 vùng trồng chè tại huyện Văn Chấn.
Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã phê duyệt và cấp 37 mã số xuất khẩu đi thị trường Mỹ, Nga, Ấn Độ, Indonesia, Uzbekistan, Belarus, Trung Quốc, Đài Loan, Châu Âu. Cập nhật thông tin về mã số vùng trồng trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thiết lập, quản lý và giám sát mã số vùng trồng, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; thực hiện kiểm tra, đánh giá cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa cho 10 cơ sở và đã cấp được 2 giấy xác nhận vùng trồng tiêu thụ nội địa.
Năm 2022 là năm đột phá trong công tác xúc tiến thương mại, thương mại điện tử đã có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành chuyên môn. Ngành nông nghiệp đã phối hợp với Sở Công Thương, Chi nhánh Bưu chính Viettel Yên Bái, Bưu điện tỉnh Yên Bái đưa 4.684 sản phẩm đặc trưng (sản phẩm OCOP 155 sản phẩm; sản phẩm khác 4.529 sản phẩm) lên sàn thương mại Voso.vn và Postmart.vn. Tổng số đơn hàng giao dịch là 7.113 đơn hàng, với doanh thu 1.188 triệu đồng, đó là những tín hiệu vui, nền tảng cho nhà nông Yên Bái phát triển bền vững.
Đơn cử, huyện Trấn Yên trước đây gần như không có sản phẩm nông sản nào đạt chuẩn thì nay tinh dầu quế Đào Thịnh, chè Bát tiên Nga Quán, chè LDP1 Bảo Hưng, nước uống đóng chai Vân Hội, sản phẩm bột quế gia vị Hòa Cuông, nước uống đóng chai Aqua Việt Cường, bưởi Quy Mông… đã có thương hiệu. Riêng Quy Mông là xã thuần nông, bà con chỉ quen với sản xuất lúa nước, trồng rừng, nay đã xây dựng và phát triển hai sản phẩm OCOP là: miến đao Trấn Yên xã Quy mông và bưởi Quy Mông mang lại giá trị kinh tế cao.
Ông Đỗ Xuân Sáng - Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn quả Quy Mông có sản phẩm bưởi Quy Mông cho biết: "Hợp tác xã có hơn 30 thành viên, liên kết với phần lớn bà con nông dân trong xã trồng, chăm sóc hơn 80 ha bưởi theo quy trình VietGAP. Nhờ đầu tư chăm sóc theo quy trình "sạch” nên toàn bộ sản phẩm đã được tiêu thụ hết”. Gia đình anh Trần Mạnh Hiến trước đây trồng bưởi theo phong trào tự phát, từ khi vào Hợp tác xã gia đình anh tuân thủ nghiêm ngặt từ chăm sóc đến khi thu hái và bảo quản sau thu hoạch góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Và với 165 cây bưởi, chủ yếu là giống bưởi Diễn, bưởi Cát Quế mỗi năm gia đình thu nhập gần 100 triệu đồng.
Xây dựng phát triển sản phẩm OCOP đã tạo nên những động lực mới trong XDNTM, không chỉ tạo việc làm mà còn phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. OCOP đã xây dựng được thương hiệu, định vị giá trị thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Yên Bái đến người tiêu dùng.
Thanh Phúc