Hàng năm, xã thống kê, rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề trên địa bàn và hướng dẫn lập hồ sơ bảo vệ môi trường cùng với triển khai xây dựng các bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, bể thu gom rác thải sinh hoạt, thu gom chất thải nhựa phát sinh của người dân...
Đến nay, xã đã triển khai xây dựng mô hình "Ngôi nhà xanh” để thu gom rác thải tái chế, rác thải nhựa. Hoạt động của mô hình do Hội Phụ nữ xã quản lý. Rác thải nhựa được thu gom vào các "Ngôi nhà xanh” đặt tại các khu vực công cộng, sau đó bán phế liệu.
Mô hình đã góp phần đưa tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định của địa phương đạt 55%. Đồng thời, địa phương đạt 54,48% số hộ phân loại chất thải rắn tại nguồn đảm bảo quy định.
Xã có 19 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có 3 cơ sở thuộc đối tượng phải lập hồ sơ bảo vệ môi trường và đã có hồ sơ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tất cả cơ sở có hạ tầng môi trường đều đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường.
Đối với chất thải rắn sinh hoạt, xã có dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại các cơ sở xử lý rác tập trung nên rác thải sinh hoạt phát sinh được các hộ dân phân loại tại nguồn và xử lý tại hộ gia đình theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái.
Đã có thôn 3, 4, 7, 8 với 729 hộ được vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung của thị xã Nghĩa Lộ và 967 hộ còn lại ở thôn 1, 2, 5, 6, 9 thực hiện phân loại, xử lý đúng hướng dẫn. Đối với chất thải rắn không nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường được các cơ sở sản xuất, kinh doanh thu gom, xử lý đúng quy định. Khối lượng phát sinh ước tính năm 2022 là 30 tấn, trong đó khối lượng thu gom, xử lý ước tính 25/30 tấn, bằng 83%.
Chất thải xây dựng phát sinh từ hoạt động xây dựng, cải tạo nhà ở, công trình hộ dân, làm đường giao thông nông thôn đã được địa phương tận dụng để san lấp mặt bằng tại chỗ, không có tình trạng đổ ra đường, sông, ngòi, ao, suối và các nguồn nước mặt khác. Khối lượng phát sinh ước tính năm 2022 là 64,54 tấn, trong đó khối lượng thu gom, xử lý ước tính 54,9 tấn, bằng 85%.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Trạm Y tế xã được trưng tập làm khu cách ly tập trung của tỉnh Yên Bái nên mới hoạt động trở lại từ tháng 10/2022. Chất thải rắn y tế thông thường được tiến hành thu gom, xử lý tại lò đốt Trạm Y tế xã.
Xã Nghĩa Lộ xác định công tác bảo vệ môi trường phải được thực hiện song song với quá trình phát triển kinh tế, sản xuất tại địa phương. Vì vậy, xã xây dựng và hiện có 140 bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài cánh đồng và trên đồi chè, trong đó có 34 bể/70 ha đất canh tác cây trồng hàng năm, 106 bể/400 ha đất canh tác cây trồng lâu năm. Các bể đều được xây dựng kiên cố, có nắp đậy, đảm bảo quy cách. Địa bàn xã không có tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường.
Năm 2022, khối lượng thu gom, xử lý ước tính đạt 18.000 tấn, bằng 75%. Phụ phẩm nông nghiệp như rơm khô được thu gom, phơi khô làm thức ăn cho gia súc, lót chuồng hoặc rải trên đồi chè để giảm sự thoát hơi nước, hạn chế cỏ dại; thân cây ngô thu hoạch được băm nhỏ, ủ làm thức ăn cho động vật, ủ làm phân bón cho cây. 351 cơ sở chăn nuôi, gồm trang trại chăn nuôi vừa và nhỏ 32 cơ sở, chăn nuôi nông hộ 319 cơ sở đều đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi, bảo vệ môi trường.
Xã được đầu tư công trình xử lý nước thải sinh hoạt do Chính phủ Phần Lan tài trợ với công suất 350 m3/ngày đêm, hiện tại đã xử lý nước thải sinh hoạt của thôn 3, thôn 4 và một số hộ dân của thôn 7 với 425/1.696 hộ, bằng 25,1%. Việc quy hoạch 4 nghĩa trang, tổ chức mai táng đảm bảo quy định, phù hợp và tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng đạt 50%.
Trên địa bàn xã Nghĩa Lộ, khuôn viên các cơ quan, đơn vị, nhà văn hóa các thôn, đường liên thôn đều được trồng cây xanh, cây bóng mát. Tổng diện tích đất cây xanh công cộng tại các điểm dân cư nông thôn của xã là 23.056 m2, đạt 4,13 m2/người. Cộng đồng chung tay thực hiện, tiêu chí môi trường đảm bảo yêu cầu, góp phần đưa xã Nghĩa Lộ đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022.
Nguyễn Thơm