Như bao xã vùng quê núi khác, khi bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Hưng Thịnh có xuất phát điểm thấp và gặp không ít khó khăn từ cung cách làm ăn nhỏ lẻ, manh mún đến tư duy tự sản, tự tiêu chứ đâu dám nói đến sản xuất hàng hóa. Trước thực trạng đó, Đảng bộ xã phát huy vai trò của toàn thể đảng viên ở 14 chi bộ cơ sở và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ chương trình XDNTM là của dân, do dân, vì dân, người dân đóng vai trò chủ thể; NTM là phải mới từ cách nghĩ, cách làm...
Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đẩy mạnh Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” và mô hình "5 có, 6 không, 6 sạch" hàng tháng tổ chức ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, xây dựng, triển khai mô hình ngôi nhà xanh gắn biển được 35 biển/10 thôn trong toàn xã.
Đoàn Thanh niên xã phối hợp với Chi đoàn Phòng chuyên môn trực thuộc Công an tỉnh tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại thôn Yên Thuận và giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập. Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức dạy nghề cho hàng trăm lao động nông thôn…
Trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xã xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết từng năm để phấn đấu thực hiện. Với thực tế tình hình sản xuất và địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu cũng như phong tục tập quán của nhân dân, xã đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế hài hòa. Trong đó, quy hoạch, phát triển trồng cây ăn quả ở 4 thôn và đối với 6 thôn còn lại, tập trung phát triển chăn nuôi, trồng rừng như: trồng quế, tre măng Bát độ, cây khôi nhung… Bên cạnh đó, đẩy mạnh thâm canh lúa nước, đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa và thị trường.
Chúng tôi về thôn Yên Bình - thôn tiêu biểu trong trồng, phát triển cây ăn quả. Ông Lê Văn Bảng - Trưởng thôn cho biết: "Toàn thôn có 98 hộ với 340 nhân khẩu nhưng diện tích lúa nước chưa đầy chục héc - ta. Để bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, nhiều hộ trong xã đã về huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên mua giống, học hỏi kỹ thuật trồng cây ăn quả, nhất là cây cam, quýt Đường canh. Từ những héc - ta cây ăn quả đầu tiên, đến nay, cả thôn có 50 ha cây ăn quả và có 70% số hộ tham gia”.
Được biết, thôn Yên Bình không chỉ là vùng cây ăn quả có múi trọng điểm của xã, mà còn là của cả huyện. Có thời điểm, chỉ riêng tiền bán quả, nhân dân trong thôn thu về cả chục tỷ đồng. Giờ đây, đất trong thôn đã trồng kín rừng nguyên liệu, cây ăn quả, nhiều hộ sang các địa phương khác thuê đất để trồng cây ăn quả và cho thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm như hộ ông Nguyễn Văn Huấn, hộ ông Nguyễn Xuân Đoạt.
Không phát triển tự do, mà các hộ trong thôn liên kết với Hợp tác xã Cây ăn quả Hưng Thịnh trong trồng, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm. Chỉ tính riêng Hợp tác xã Cây ăn quả Hưng Thịnh đã hợp đồng tiêu thụ sản phẩm quýt Đường canh và bưởi Diễn với quy mô 30 ha, sản lượng 200 tấn/năm.
Đến nay, Hưng Thịnh đã có 2 sản phẩm là quýt Đường canh, bưởi Diễn được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Hưng Thịnh còn xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả có múi áp dụng đồng bộ các khâu kỹ thuật về làm đất, trồng, chăm sóc, tưới nước, thu hoạch như mô hình của hộ ông Hà Đình Giáp ở thôn Yên Ninh, diện tích 1,5 ha trồng bưởi; mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trồng cam CT9 và CT36 (mô hình dự án khoa học của Trường Đại học Hùng Vương )...
Đặc biệt, vùng sản xuất quýt Đường canh của HTX Cây ăn quả Hưng Thịnh được chứng nhận sản phẩm quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP. Sản phẩm quýt Đường canh, bưởi Diễn của xã được thiết lập hệ thống tem truy xuất nguồn gốc bảo đảm truy xuất thông tin về sản xuất và sản phẩm. Cùng đó, sản phẩm quýt Đường canh và bưởi Diễn đã được đưa lên sàn thương mại điện tử Voso.vn.
Trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xã phát huy vai trò của 13 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn, thu hút trên 1.200 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 6 đến 18 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ làm tốt công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, đổi mới nếp nghĩ, cách làm theo hướng hàng hóa, thị trường đã tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ một xã nghèo, nay Hưng Thịnh không chỉ đã đạt và nâng cao các tiêu chí xã NTM nâng cao, mà còn hướng đến xã NTM kiểu mẫu trong năm 2024.
Thanh Phúc