Yên Bái: Hạnh phúc từ “trường học hạnh phúc”

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/3/2024 | 7:40:31 AM

YênBái - Mô hình “Trường học hạnh phúc” được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai từ năm 2019 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước, trong đó có Yên Bái.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh tự tin giới thiệu sản phẩm STEM với các vị khách, các nhà tài trợ Hàn Quốc.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh tự tin giới thiệu sản phẩm STEM với các vị khách, các nhà tài trợ Hàn Quốc.


Giờ ra chơi ở Trường  Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Lao Chải, Mù Cang Chải, em Lờ A Bình lớp 5.2 cùng các bạn lại vào góc thư viện để chơi cờ vua. Người đấu cờ thì trầm ngâm suy nghĩ, còn vài ba cậu bé ngồi xem thì bàn tán sôi nổi, chỉ trỏ nước đi nhưng tuyệt nhiên không đụng vào quân cờ... Bình chia sẻ: "Thầy giáo dạy cho cháu biết chơi cờ. Cháu thích lắm! Thầy bảo người xem thì không được động vào quân cờ, chỉ có người chơi mới được, đó là tôn trọng người khác”. 

Còn bàn bên Trang Thị Lạng lớp 3.2 cùng mấy bạn lại sôi nổi đọc những câu chuyện cổ tích, dân gian các dân tộc. Khi được hỏi cháu có hiểu hết chủ ý của câu chuyện không, Lạng trả lời: "Cháu không hiểu hết nhưng cháu sẽ đi hỏi cô giáo”.

Lễ phép, trung thực và tôn trọng nhau là điều dễ dàng nhận thấy ở học trò mái trường này. Nói đến trường học hạnh phúc, nhiều người nghĩ ngay đến việc đầu tư những ngôi trường hiện đại nhưng khái niệm đó lại bắt đầu từ niềm tin yêu khi mỗi em học sinh được đến trường. Tất cả những học sinh trường Lao Chải được hỏi đều trả lời rất thích tới trường. Đó chính là nhờ những thay đổi từ chính các thầy cô giáo. 

Thầy giáo Đào Trọng Giáp - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Phạm trù hạnh phúc rộng và khó có thể định nghĩa. Nhưng trường học hạnh phúc là cả thầy cô và học trò đều cảm thấy hạnh phúc. Quan điểm của chúng tôi là vào trường thầy cô học sinh hài hòa, tôn trọng vui vẻ đó là hạnh phúc. Chúng tôi nỗ lực thay đổi từng ngày để cùng hạnh phúc và học trò được hạnh phúc”. 

Trường Tiểu học Phúc Sơn là một trong những đơn vị tiên phong của thị xã Nghĩa Lộ xây dựng trường học hạnh phúc. Đã có sự thay đổi ngoạn mục từ tư duy nhận thức, hành động và kết quả là nâng cao chất lượng giáo dục từ khi xây dựng trường học hạnh phúc. 

"Thay đổi vì một trường học hạnh phúc” - đó là một khẩu hiệu lớn và cũng là tư tưởng xuyên suốt trong quá trình xây dựng trường học hạnh phúc của nhà trường. Khi được hỏi về cách làm, cô giáo Phu Minh Diệp - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Không có một kịch bản nào định sẵn để xây dựng trường học hạnh phúc. Có lẽ tất cả nên bắt đầu từ chính nhu cầu, mong muốn của học sinh và giáo viên - những chủ thể của trường học”.

Trong những năm qua, trường học hạnh phúc ở Yên Bái đã trở thành một biểu tượng của sự đổi mới và sự chăm sóc đối với giáo dục. Điều đáng chú ý là không chỉ việc truyền đạt kiến thức mà sự chăm sóc toàn diện về tâm lý và tình cảm được đặt lên hàng đầu. Thầy cô không chỉ là người hướng dẫn mà còn là người bạn, người thầy tâm huyết luôn lắng nghe và quan tâm đến những khó khăn của học trò. 

"Em mong thầy cô cười nhiều hơn”,"Em mong cô nhẹ nhàng hơn khi em chưa làm tốt bài tập”, "Em muốn nhà vệ sinh sạch hơn, đẹp hơn”, "Em muốn sân trường nhiều hoa hơn”, "Em muốn thư viện có các tác phẩm văn học kinh điển”… là tất cả những mong ước mà những học trò ở Yên Bái đã viết ra trong các cuộc khảo sát tại các trường khi mới bắt tay vào xây dựng trường học hạnh phúc. Ấy thế mà giờ đây, tất cả những điều đó đã thành hiện thực, như một phép màu cho ước mơ của các em học sinh. Từ đó, chúng tin và tiếp tục xây dựng những ước mơ cho tương lai tươi sáng. 


Các em học sinh Trường PTDTBT TH&THCS Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải vui vẻ đọc sách trong thư viện hiện đại. 

Năm học 2020 - 2021, lần đầu tiên tỉnh Yên Bái thực hiện thí điểm xây dựng trường học hạnh phúc. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, việc xây dựng trường học hạnh phúc là quyết tâm lớn của ngành GD&ĐT tỉnh. Toàn ngành đã quan tâm chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc” một cách đồng bộ, bài bản. Theo đó, tích cực chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện tốt quy tắc ứng xử; bổ sung 5 chuẩn mực về con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” trong bộ quy tắc ứng xử của mỗi nhà trường. 

Những buổi hội thảo, hội nghị mời chuyên gia về nói chuyện, truyền đạt được tổ chức rộng khắp. Các cơ sở giáo dục trong toàn ngành thực hiện quy định về chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cơ quan, đơn vị. 

Qua đó, các nhà trường không xảy ra các hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, xây dựng môi trường văn hóa trong sáng, lành mạnh, thân thiện, đoàn kết, nhân ái, sáng tạo, tiến bộ. Học sinh được quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm lý khi học tập và tham gia các hoạt động giáo dục trong nhà trường. 

Cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện tối thiểu, đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục; cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn. Thầy cô sử dụng hiệu quả các biện pháp giáo dục tích cực, nhân văn nhằm phát huy sự sáng tạo, say mê học tập, rèn luyện của học sinh. Trường học hạnh phúc ở Yên Bái là một minh chứng sáng rõ về sức mạnh của giáo dục và tình yêu thương. 

Nhờ vào sự tận tụy và đam mê của thầy cô, cùng với sự ủng hộ và đóng góp của cộng đồng, những học trò nơi đây có cơ hội trải nghiệm một môi trường học tập tốt và hạnh phúc. Điều này đã tạo ra những ảnh hưởng tích cực không chỉ đối với cuộc sống cá nhân của học trò mà còn đối với cộng đồng và xã hội.

Bà Nguyễn Thu Hương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Qua 3 năm thực hiện xây dựng trường học hạnh phúc, Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác dạy và học. Thầy cô tích cực đổi mới, sáng tạo. Năm học 2022-2023, toàn ngành có 2.190 sáng kiến cấp cơ sở, 23 sáng kiến cấp tỉnh. 

"Đặc biệt, tinh thần yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ được coi trọng và nâng cao trong các mối quan hệ giữa thầy cô với thầy cô, thầy cô với học sinh và học sinh với học sinh. Hình ảnh con người Yên Bái được khắc họa trong hình ảnh đổi thay từ các thầy cô giáo của ngành GD&ĐT: Trí tuệ, tâm huyết, tận tụy, sáng tạo và đổi mới”- bà Hương nói.

Đến nay, 100% cơ sở giáo dục ở Yên Bái đã xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc". Toàn tỉnh có 296 trường (đạt 67%) được công nhận đạt tiêu chí "Trường học hạnh phúc”. Lần đầu tiên triển khai mô hình "Trường xanh” theo bộ tiêu chí tạm thời của UBND tỉnh, hiện nay có 364 trường (đạt 80,7%) được công nhận góp phần nâng chỉ số hạnh phúc của người dân theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. 

Có nhiều mô hình trường học gắn với thực tiễn như "Trường học du lịch”, "Trường học nông trại”, "Trường học gắn liền với di sản văn hóa”, hay mô hình "Phòng chờ hạnh phúc”, " Nhà vệ sinh công viên”, mô hình "Trường học không bạo lực học đường”; "Trường học không xảy ra các hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo”; "Môi trường hàng đầu của dân chủ, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm”; "Trường học không khói thuốc”, "Cổng trường an toàn giao thông”... Số trường đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh theo từng năm học với 335 trường chiếm 75,8% số trường (so với đầu nhiệm kỳ tăng 50 trường). 

Các hoạt động giáo dục chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học; giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo được chú trọng theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học liên tục tăng cao; nhiều học sinh đã đỗ thủ khoa trong các kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Giáo dục mũi nhọn ngày càng nổi bật, trong 3 năm học vừa qua, học sinh trong toàn tỉnh đã đạt 100 giải quốc gia. Hằng năm, ngành giáo dục đều đạt và vượt chỉ tiêu giao tại Chương trình hành động của Tỉnh ủy… 

Xây dựng trường học hạnh phúc tự thân nó sẽ đạt được hệ quả tất yếu là nâng cao chất lượng giáo dục và góp phần thực hiện triết lý phát triển riêng của tỉnh, đó là hướng đến sự hài lòng và hạnh phúc của người dân. Trên hành trình xây dựng trường học hạnh phúc, thầy cô và học trò ở Yên Bái đã chứng minh rằng giáo dục không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn là việc tạo điều kiện để mỗi học sinh có thể phát triển toàn diện và trở thành những công dân có ích cho xã hội. 

Sự hạnh phúc không chỉ đến từ thành công cá nhân mà còn từ việc góp phần vào sự phát triển của cả cộng đồng. Bằng cách tạo ra những trường học hạnh phúc, chúng ta đang đầu tư vào tương lai của đất nước thông qua việc xây dựng một thế hệ trẻ mạnh mẽ, thông minh và hạnh phúc.

Thanh Ba

Tags trường học hạnh phúc Lao Chải Mù Cang Chải Phúc Sơn

Các tin khác
Nhân dân xã Minh Tiến đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hoá tập trung.

Là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh với phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) của Lục Yên những năm qua đã đạt được nhiều kết quả thiết thực với nhiều cách làm hay.

Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can, huyện Trấn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ và nhân dân xã Minh Bảo tham gia trồng cây xanh, tạo cảnh quan dọc tuyến đường thôn Trực Bình.

Người dân thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã đoàn kết, cùng chung sức xây dựng mô hình Khu dân cư “Xanh - Hạnh phúc” để tạo điểm nhấn và “nâng chất” các tiêu chí NTM, đảm bảo cuộc sống của người dân ngày càng phồn thịnh, ấm no, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục