Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
- Cập nhật: Thứ tư, 4/7/2012 | 9:17:32 AM
YBĐT - Xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là yếu tố quan trọng hàng đầu để triển khai các nhiệm vụ phát triển KT - XH và xây dựng nông thôn mới, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông lâm nghiệp sang công nghiệp, thương mại và dịch vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và nâng cao thu nhập để giảm nghèo bền vững.
![]() |
Nhân dân xã Nậm Lành ra quân làm đường giao thông nông thôn.
|
Theo thống kê năm 2011, Văn Chấn có 98.752 người từ 15 tuổi trở lên, trong đó có 87.425 người trong độ tuổi lao động, tỷ lệ cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp cao. Nguồn nhân lực của huyện vẫn còn mất cân đối giữa các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo; chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, chủ yếu vẫn là lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Mạng lưới cơ sở đào tạo và đội ngũ giáo viên dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu thực tế của địa phương. Chính vì vậy, chất lượng và trình độ tay nghề của nguồn lao động chưa đảm bảo được yêu cầu của thị trường, thiếu lao động lành nghề, thiếu lao động có trình độ chuyên môn cao. Mặt khác, do xuất phát điểm từ sản xuất nông lâm nghiệp nên hầu hết lao động chưa có tác phong công nghiệp, đặc biệt là lao động ở khu vực nông thôn.
Trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới áp dụng cho vùng trung du miền núi phía Bắc, tiêu chí số 12 về cơ cấu lao động qui định: đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới có trên 45% lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
Ông Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Văn Chấn cho biết: Đây là một trong những tiêu chí tương đối khó thực hiện, bởi đại đa số lao động thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn huyện là sản xuất nông, lâm nghiệp.
Trong 6 xã được huyện Văn Chấn chọn làm điểm để xây dựng nông thôn mới gồm Phù Nham, Thanh Lương, Sơn A, Thượng Bằng La, Tân Thịnh và Đại Lịch (Thượng Bằng La là xã chỉ đạo điểm của tỉnh) thì tỷ lệ số hộ sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 87% đến 91% tổng số hộ. Đây là một bài toán đặt ra trong quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động tại các địa phương.
Theo ông Đoàn, để giảm lượng lao động tham gia sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và tạo ra thời gian nông nhàn cho nông dân để đào tạo nghề, hướng cho họ vào các lĩnh vực sản xuất khác thì cần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Trong những năm qua, huyện cũng đã luôn chú trọng công tác phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương; chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành thường xuyên quan tâm chăm lo đến các cơ sở giáo dục, tranh thủ các nguồn lực đầu tư để quy hoạch, xây dựng, mở rộng về quy mô và mô hình các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn huyện; tiếp tục kêu gọi đầu tư và khuyến khích thực hiện xã hội hóa dạy nghề, tập trung đào tạo nghề cho nông dân và lao động kỹ thuật.
Bên cạnh đó, có phương án điều chỉnh về cơ cấu ngành nghề và thời gian đào tạo để phù hợp với nhu cầu xã hội và của thị trường lao động. Do vậy, đến nay cơ cấu lao động ở Văn Chấn bước đầu đã có chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ lệ lao động trong nông lâm nghiệp.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 10,6% năm 2005 tăng lên 21,5% vào năm 2011, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt trên 13%, góp phần hết sức quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Thực hiện Đề án nâng cao năng lực cho cán bộ nguồn ở cơ sở, ngoài việc mở các lớp nâng cao năng lực về chính trị và quản lý Nhà nước, huyện đã huy động nguồn lực, liên kết với các trường đại học, cao đẳng của Trung ương và tỉnh mở 6 lớp đào tạo trình độ chuyên môn tại huyện cho trên 400 học viên là cán bộ, cán bộ nguồn ở cơ sở. Trong đó, trình độ đại học là 2 lớp cho trên 140 học viên.
Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo phối hợp thực hiện tốt việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, trong 2 năm gần đây đã có 6.848 lao động nông thôn ở Văn Chấn được đào tạo các ngành nghề như: trồng trọt, chăn nuôi thú y, xây dựng, may mặc, điện dân dụng, sửa chữa các thiết bị máy nông cụ và chế biến nông lâm sản...
Huyện Văn Chấn đề ra mục tiêu đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 32% và nâng lên 45% vào năm 2020; cơ cấu lao động làm việc trong các lĩnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và phi nông nghiệp đạt 12,97% vào năm 2015 và nâng lên 16,5% vào năm 2020; đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
Huyện phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ cán bộ công chức trong khối Đảng - đoàn thể có trình độ chuyên môn đại học đạt 92,2%, nâng lên 100% vào năm 2020; khối hành chính sự nghiệp đạt trình độ chuyên môn từ cao đẳng, đại học trở lên đạt 100% vào năm 2015; cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên đạt 100% vào năm 2015 và đến năm 2020 có 60% là đại học, cao đẳng.
Ông Nguyễn Văn Lịch - Bí thư Huyện ủy văn Chấn cho rằng: Muốn đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn theo hướng toàn diện, đồng bộ và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục dựa trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế, lựa chọn ngành mũi nhọn để ưu tiên đào tạo, việc đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, phải đảm bảo cân đối giữa đào tạo và sử dụng lao động.
Công tác đào tạo và dạy nghề phải bám sát vào tình hình thực tế của địa phương, cùng với việc dựa trên cơ sở nhu cầu học nghề của lao động ở nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, của các cơ sở sản xuất kinh doanh và thị trường lao động trong và ngoài huyện. Có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở đào tạo có uy tín tham gia đào tạo nghề cho cho lao động nông thôn trên địa bàn…
Văn Trường - Nguyễn Nghĩa
Các tin khác
YBĐT - Hầu hết các địa phương được tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) cho rằng, việc thực hiện tiêu chí giảm tỷ lệ hộ nghèo (tiêu chí thứ 11) là một trong những tiêu chí khó khăn hàng đầu. Dẫu vậy, nhận thức chung của lãnh đạo cơ sở cũng như người dân đều xác định đây là một trong những tiêu chí cốt lõi tạo nên bộ mặt NTM cần phải đạt được và cần có một tinh thần quyết tâm cao từ nhiều phía.
Chiều 19-6, BCĐ TƯ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đến hết tháng 6-2012.
![Đối với các xã thuộc các huyện nghèo thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP.](https://ims.baoyenbai.com.vn/Resize_Image.aspx?ImgWd=375&IptFl=/NewsImg/6_2012/84285_13-6-GTNT.jpg)
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 695/QĐ-TTg sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.
![](https://ims.baoyenbai.com.vn/Resize_Image.aspx?ImgWd=375&IptFl=/NewsImg/6_2012/_anh1234.jpg)
YBĐT - Ngày 12/6, Báo Yên Bái tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề :" Nâng cao chất lượng tuyên truyền xây dựng nông thôn mới" trên các ấn phẩm của Báo Yên Bái.